Reuters dẫn số liệu của Bộ Y tế Thái Lan ngày 15/7 cho biết, trong vòng 24h qua, Thái Lan có thêm 98 ca tử vong vì Covid-19, con số tử vong trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại nước này. Tính đến nay, Thái Lan đã có tổng cộng 3.032 người chết vì Covid-19.
Trong ngày, Thái Lan cũng có thêm 9.186 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại đây lên 372.215 ca, chủ yếu là các ca ghi nhận trong đợt bùng phát dịch thứ ba bắt đầu từ tháng 4 năm nay.
Trong khoảng một tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày Thái Lan ghi nhận khoảng 7.600 ca nhiễm mới, nhiều hơn tổng số ca mắc ghi nhận trong cả năm 2020. Số ca tử vong trong ngày liên tiếp lập kỷ lục mới kể từ ngày 27/6.
Thái Lan từng được coi là một trong những hình mẫu ứng phó đại dịch Covid-19 khi dịch mới bùng phát từ cuối năm 2019.
Tuy nhiên, việc chậm trễ tiêm chủng trong bối cảnh xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 khiến Thái Lan nhanh chóng rơi vào tình trạng căng thẳng. Hầu hết bệnh viện ở thủ đô Bangkok thiếu giường bệnh nghiêm trọng, bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng được khuyến cáo tự cách ly và điều trị tại nhà.
Mặc dù vậy, đặt kỳ vọng vào việc tăng tốc chương trình tiêm chủng, Thái Lan vẫn đặt mục tiêu mở cửa hoàn toàn vào tháng 10 năm nay. Phát biểu tại một sự kiện hồi tháng trước khi đặt mục tiêu mở cửa toàn quốc vào ngày 14/10 sắp tới, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha nói: "Thái Lan không thể chờ đợi đến khi tất cả mọi người được tiêm chủng đầy đủ hay đến khi thế giới không còn Covid-19". Người đứng đầu chính phủ Thái Lan nói rằng, số ca nhiễm có thể tăng tiếp, nhưng nhu cầu kinh tế của người dân cũng cần phải tính đến.
Đầu tháng này, Thái Lan chính thức mở cửa đảo du lịch Phuket, cho phép tiếp đón du khách đã tiêm chủng mà không cần áp dụng chính sách cách ly. Tính đến ngày 13/7, đã có hơn 4.700 du khách đến đây, trong đó 6 trường hợp được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.
Giới chuyên gia y tế cảnh báo, việc nối lại hoạt động du lịch quá sớm trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng Delta, cùng với tỷ lệ xét nghiệm thấp, tỷ lệ tiêm chủng hạn chế, điều này thậm chí có thể hủy hoại nền kinh tế nhiều hơn nữa về lâu dài.
"Khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát, ngân sách và các nguồn lực đã cạn kiệt, lúc đó Thái Lan có thể buộc phải nới lỏng tất cả các biện pháp hạn chế, và số ca nhiễm sẽ tăng mạnh trở lại. Đó là kịch bản tồi tệ nhất", Giáo sư Thira Woratanarat tại Đại học Chulalongkorn (Bangkok), cảnh báo.