Thái Lan cân nhắc gia hạn nợ cho doanh nghiệp và tái khởi động mở cửa ngành du lịch nhằm vực dậy kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết, nước này đang cân nhắc gia hạn các khoản nợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế của Thái Lan năm 2020 được dự báo có khả năng suy thoái nặng nề hơn.
Thái Lan cân nhắc gia hạn nợ cho doanh nghiệp và tái khởi động mở cửa ngành du lịch nhằm vực dậy kinh tế

Cơ quan thương vụ Việt Nam mới đây vừa dẫn dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, trước những tác động của dịch cúm Covid-19, khả năng kinh tế Thái Lan năm nay có thể đạt mức tăng trưởng âm 8%, thấp hơn mức dự báo tăng trưởng âm 4,8% đã được ADB đưa ra trước đó.

Nguyên nhân do nhu cầu của thị trường quốc tế suy giảm, các nền kinh tế phục hồi chậm do ảnh hưởng của Covid-19. ADB cũng đưa ra dự báo năm 2021, kinh tế Thái Lan tăng trưởng 4,5%.

Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ được dự đoán giảm 22,3% năm nay và tăng trưởng trở lại 7,6% trong năm 2021. Xuất khẩu suy giảm sẽ tăng áp lực tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Đầu tư tư nhân có thể giảm 12,1% trong năm 2020 và tăng trưởng trở lại 4% năm tới.

Tuy nhiên, với nhu cầu trong nước và quốc tế giảm, triển vọng thị trường sau suy thoái sẽ ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh và quyết định đầu tư và các vấn đề chính trị trong nước cũng khiến nền kinh tế Thái Lan gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi.

Đáng chú ý, dù là trung tâm sản xuất và xuất khẩu xe ô-tô của khu vực đối với nhiều hãng xe ô-tô hàng đầu của thế giới với ngành công nghiệp xe hơi là ngành chủ đạo, song quốc gia này cũng gặp rất nhiều khó khăn với sản lượng liên tục giảm sút.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của cơ quan thương vụ dẫn chiếu, trong tháng 8/2020, sản lượng xe ô tô nội địa của Thái Lan giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2019 đạt 68.883 xe, đây là tháng giảm thứ 15 liên tiếp. Trước đó, trong tháng 7/2020, doanh số bán xe ô tô giảm 24,8% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân do nhu cầu giảm mạnh vì ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19.

Tuy nhiên, doanh số bán xe ô tô tháng 08/2020 tăng 16,1% so với tháng 07/2020 nhờ những biện pháp nới lỏng, hoạt động quảng bá xe ô-tô được tổ chức và những mẫu xe ô tô mới được trình làng.

Nhằm hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch cúm Covid-19, kích cầu tiêu dùng nội địa, Chính phủ Thái Lan đã thông qua gói ngân sách trị giá 51 tỷ Bạt để triển khai chương trình phát tiền cho 24 triệu người dân, chủ yếu thuộc nhóm thu nhập thấp.

Trong gói ngân sách 51 tỷ Bạt này, 21 tỷ Bạt sẽ dành cho 14 triệu người thu nhập thấp đã có thẻ an sinh xã hội và 30 tỷ Bạt sẽ dành cho 10 triệu người để mua hàng hóa dưới hình thức trợ cấp 50% của Chính phủ trong khoảng thời gian cuối năm.

Chi tiêu công được đánh giá là một trong những chỉ số tích cực giúp phục hồi nền kinh tế Thái Lan. Dự báo chi tiêu công sẽ tăng trưởng 3,8% trong năm nay, tăng so với mức 2,4% đưa ra vào tháng 4/2020 nhờ các chương trình kích cầu tiêu dùng của Chính phủ. Đầu tư công cũng có thể tăng, đặc biệt đối với các dự án cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp nhà nước.

Cũng nhằm chuẩn bị tái khởi động lại việc mở cửa lĩnh vực du lịch để khôi phục ngành công nghiệp không khói với doanh thu khổng lồ để vực đây nền kinh tế nước này, các đơn vị cảnh sát liên quan đến du lịch cũng được yêu cầu hợp tác với các cơ quan nhà nước để chuẩn bị cho việc đón du khách nước ngoài đến Thái Lan theo diện visa du lịch đặc biệt. Du khách nước ngoài đáp ứng các tiêu chí của chương trình và vượt qua kiểm dịch Covid-19 sẽ được cấp visa du lịch này.

Theo đánh giá của Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) của Thái Lan, việc nước này mở cửa cho du khách nước ngoài sẽ không tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng do du khách bắt buộc phải cách ly tại các trung tâm của nước này trong 14 ngày.

Tổng Cục du lịch Thái Lan thông báo, du khách được cấp visa du lịch đặc biệt sẽ phải di chuyển trên các chuyến bay thuê chuyến (chartered) từ nước ngoài đến thẳng các địa điểm đã được cho phép tại Thái Lan. Dự kiến có khoảng 14.440 du khách đến Thái Lan theo diện visa trên và mang lại nguồn doanh thu khoảng 12,36 tỷ Bạt/năm.

Một động thái rất đáng chú ý là mới đây, Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) đang có kế hoạch đề xuất Ngân hàng Thái Lan gia hạn các khoản nợ của doanh nghiệp SME Thái Lan sẽ hết hạn vào cuối tháng 10/2020 thêm 2 năm.

Tính đến thời điểm cuối tháng 09/2020, tổng khoản nợ của 1,1 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đạt 2.000 tỷ Bạt; con số này có thể trở thành nợ xấu nếu không được đáo hạn. Hiện nay, tổng giá trị các khoản nợ xấu của doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 490 tỷ Bạt.

Việc gia hạn, nếu áp dụng, sẽ vẫn yêu cầu doanh nghiệp chi trả 10% của lãi suất trong 6 tháng nhằm giảm bớt quan ngại về nợ xấu của ngân hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn sẽ phải chi trả lãi suất bình thường, không áp dụng các mức phạt trong trường hợp quá hạn.

Theo cơ quan thương vụ Việt Nam, FTI tin tưởng đề xuất trên sẽ giúp quản lý các khoản nợ xấu ở mức cho phép và đồng thời, giúp đỡ các doanh nghiệp không thể chi trả các khoản nợ.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước này phải chịu áp lực không thể thu xếp doanh thu để chi trả các khoản nợ. Nếu việc gia hạn nợ không thể áp dụng, các doanh nghiệp sẽ khó tồn tại.

Dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu; mức độ ảnh hưởng có khả năng kéo dài một vài năm tới cho đến khi vắc-xin được phân phối rộng rãi. Trong ngắn hạn, kinh tế Thái Lan không thể phục hồi nên doanh nghiệp cần hỗ trợ của Chính phủ.

Liên quan đến diễn tiến quá trình nghiên cứu Hiệp định Thương mại Thái Lan-EU của Thái Lan, thông tin từ thương vụ Việt Nam tại nước này cho biết, có thể kết thúc vào tháng 9/2020.

Vụ Đàm phán Thương mại, Bộ Thương mại Thái Lan hy vọng sẽ sớm kết thúc việc nghiên cứu Hiệp định Thương mại Thái Lan-EU vào cuối tháng 09/2020. Trong tháng này, Vụ Đàm phán Thương mại sẽ tổ chức diễn đàn liên quan đến Hiệp định Thương mại Thái-EU nhằm tiếp nhận những ý kiến từ khu vực tư nhân, xã hội và nông dân.

Trước đó, Vụ Đàm phán Thương mại đã bàn thảo với các doanh nghiệp tư nhân và nhận được ý kiến về việc nối lại đàm phán Hiệp định Thương mại Thái-EU đã bị tạm dừng do cuộc đảo chính năm 2014.

Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của EU sau ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Năm 2019, kim ngạch thương mại 02 chiều giữa Thái Lan và EU đạt 44,5 tỷ USD trong năm 2019, chiếm tỷ trọng 9,2% tổng kim ngạch thương mại của Thái Lan. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đạt lần lượt 23,58 tỷ USD và 20,91 tỷ USD. Nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Thái Lan bao gồm máy tính và linh kiện, ô-tô và phụ tùng; trang sức; điều hòa và linh kiện; sản phẩm cao su; và thịt gà sơ chế. Nhóm mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm máy móc và linh kiện; máy bay; sản phẩm điện lạnh và linh kiện; và hóa chất.

Nghiên cứu được tiến hành năm ngoái do Vụ Đàm phán Thương mại phối hợp Viện Nghiên cứu Phát triển chỉ ra rằng Hiệp định Thương mại Thái Lan-EU sẽ không chỉ thúc đẩy xuất khẩu, nhập khẩu và đầu tư mà còn giúp nền kinh tế nước này tăng trưởng 1,63%/ năm. Sau khi có hiệu lực, Hiệp định sẽ giúp xuất, nhập khẩu tăng 3-4% và đầu tư tăng 2,7%/ năm. Chi tiêu hộ gia đình và phúc lợi xã hội cũng sẽ hưởng lợi ích.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục