Thai Airways là hãng hàng không quốc gia Thái Lan, được thành lập vào năm 1960 với cổ đông lớn nhất là Bộ Tài chính nước này (sở hữu 51% cổ phần).
Tới năm 2018, hãng sở hữu 90 máy bay, 22.054 nhân viên, trong đó có 1.438 phi công; bay tới 84 địa điểm và 37 quốc gia trên toàn thế giới.
Mặc dù lượng hành khách của hãng không ngừng tăng lên, đạt 24,6 triệu người vào năm 2017, nhưng cũng từ đó đến nay, hãng này liên tục thua lỗ. Năm 2017, hãng lỗ 66 triệu USD; năm 2018, lỗ 361 triệu USD và năm 2019 lỗ 374 triệu USD.
Hãng đang có khoản nợ lên tới trên 7,6 tỷ USD, trong đó 677 triệu USD là nợ phải thanh toán trong năm nay. Dịch Covid -19 là cú đánh knock-out gã khổng lồ này và mới đây hãng đã phải tuyên bố xem xét khả năng phá sản.
Trông người lại ngẫm đến ta, giới đầu tư đang mổ xẻ hoạt động của ngành hàng không Việt Nam để có những nhận định riêng của mình.
Dù con số lỗ của Vietnam Airlines và Vietjet, hai hãng hàng không lớn nhất Việt Nam trong quý I đều đỡ xấu hơn so với dự liệu, nhưng có những lý do để thấy cần phải có cái nhìn thận trọng hơn với triển vọng của ngành.
Dịch Covid-19 đã cho thấy những ảnh hưởng rõ rệt bắt đầu từ cuối quý I, tác động lên cả du khách nước ngoài cũng như nhu cầu nội địa.
Việc dừng toàn bộ các đường bay quốc tế từ giữa tháng 3 và duy trì cầm chừng các đường bay nội địa ở mức tối thiểu từ đầu tháng 4 với quy định giãn cách hành khách, khiến số lượng chuyến bay khai thác của các hãng ghi nhận sự sụt giảm cực mạnh so với cùng kỳ.
Số liệu của Vietnam Airlines cho thấy, số chuyến bay khai thác quý I giảm 18,5%, còn mức giảm của 4 tháng thì lên tới 34,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam đang kiểm soát dịch tương đối tốt, do đó, các tuyến bay từng bước được mở lại, tuy nhiên nhu cầu sẽ khó có thể sớm hồi phục về mức trước thời điểm đại dịch xảy ra.
Trước hết là doanh thu từ khách quốc tế được dự báo sẽ sụt giảm mạnh. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không trong 3 tháng đầu năm 2020 đạt 2,99 triệu người, giảm 15% so với cùng kỳ.
Trong đó, lượng khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản giảm lần lượt 32%, 26% và 14%, đây đều là những thị trường quan trọng với Việt Nam. Riêng 3 thị trường này đã chiếm hơn 50% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm.
Giả định rằng, các chuyến bay quốc tế có thể từng bước được nối lại trong quý III, với di chuyển công vụ có thể phục hồi trước do nhu cầu trên toàn thế giới khẩn trương khôi phục các hoạt động giao dịch, trao đổi thương mại, sản xuất thì lượng khách quốc tế cả năm 2020 được giới chuyên gia du lịch ước sụt giảm 69%.
Với khách nội địa, hiện toàn bộ các chuyến bay nội địa đã được các hãng hàng không khai thác trở lại, đơn cử Vietnam Airlines khai thác 142 - 196 chuyến/ngày.
Tuy vậy, với tâm lý thận trọng của người dân, nhu cầu đi lại khó có thể phục hồi ngay lập tức như cũ. Tổng lượng khách di chuyển bằng đường hàng không trong năm nay được dự báo sẽ giảm 34,8%.
Khó khăn còn buộc các hãng hàng không phải cạnh tranh khốc liệt dẫn tới hiệu quả hoạt động giảm mạnh, thu khó có thể bù đủ chi. Ngay trong năm 2019, Vietnam Airlines đã giảm giá vé máy bay nhằm cạnh tranh với Bamboo Airways.
Cuộc chiến về giá sẽ tiếp tục trong năm nay, nhằm đối phó với các chương trình ưu đãi khách hàng do các hãng bay liên tục triển khai.
Mới nhất là việc Vietnam Airlines mở thêm 5 đường bay mới, với tần suất khai thác mỗi tuyến bay là 3 chuyến/tuần, với giá vé chỉ từ 99.000 đồng/chặng trong khoảng thời gian 13/5 - 30/6/2020.
Chi phí thuê máy bay là gánh nặng lớn. Chẳng hạn, năm 2019, Vietnam Airlines bổ sung thêm 21 tàu bay, bao gồm 16 tàu bay thân hẹp A321Neo và 5 tàu bay thân rộng gồm A350-900 và A787-10, nhằm thay thế 7 tàu bay cũ và bổ sung thêm tàu bay vận hành.
Cả 21 máy bay đều được Công ty thực hiện dưới hình thức thuê khô, khiến chi phí đi thuê trong năm tăng thêm khoảng 1.700 tỷ đồng, tương ứng chi phí thuê vào khoảng 7 tỷ đồng/máy bay/tháng.
Lượng tàu bay lớn trong khi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khiến biên lợi nhuận doanh nghiệp giảm mạnh, dù tác động tiêu cực đã phần nào được bù đắp bởi chi phí nhiên liệu thấp hơn.
Các hãng hàng không bằng nhiều con đường đã đề xuất Chính phủ áp dụng các giải pháp hỗ trợ, thậm chí như Vietnam Airlines đã đề xuất được vay 12.000 tỷ đồng với lãi suất 0%/năm và giải ngân ngay từ tháng 4.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể thấy đây là những đề xuất khó khả thi. Bởi vậy, các hãng đang kỳ vọng về những giải pháp “trợ thở” khác như Chính phủ miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp hàng không còn dư nợ đến 31/12/2019; giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9 năm 2020; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9 năm 2020.