Chưa tương xứng với tiềm năng
Theo Thạc sĩ Lương Văn Hùng, Vụ Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng, hiện nay, việc đầu tư khoa học công nghệ cho việc nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất phát triển sản xuất vật liệu xây dựng còn chưa tương xứng, chưa có những sản phẩm mới mang tính đột phá. Bản thân nguồn vốn dành cho công tác nghiên cứu cũng còn rất nhỏ so với giá trị hàng trăm nghìn tỷ đồng mà ngành vật liệu mang lại.
“Lĩnh vực sản xuất gạch ốp lát có giá trị gia tăng cao, chế biến sâu khoáng sản nhưng so với nhiều nước trên thế giới, hiệu quả kinh tế từ các doanh nghiệp và ngành mang lại còn thấp. Điều đó có nghĩa là hiệu quả việc sử dụng tài nguyên khoáng sản chưa cao”, ông Hùng nhấn mạnh.
Sử dụng vật liệu mới sẽ giúp nâng cao chất lượng công trình và tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Shutterstock
Theo số liệu của Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, công suất hiện nay của ngành sản xuất gạch ốp lát trong nước đạt trên 700 triệu m2, sản lượng đạt trên 500 triệu m2. Nước ta thuộc top 10 quốc gia sản xuất ceramic hàng đầu thế giới. Doanh thu nội địa và xuất khẩu của ngành gạch ốp lát và sứ vệ sinh đạt khoảng 3 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, nếu so sánh với nước có ngành sản xuất gạch ốp lát phát triển như Italia, thì hiệu quả mang lại còn khá khiêm tốn.
Trong một chia sẻ mới đây, ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam lấy ví dụ, năm 2017, sản lượng gạch ốp lát của Italia đạt 425 triệu m2, doanh thu đạt 5,5 tỷ euro. Trong khi sản lượng gạch ốp lát của Việt Nam đạt 530 triệu m2, nhưng doanh thu chỉ đạt gần 2 tỷ euro. Tức sản lượng của Việt Nam gấp 1,4 lần, nhưng doanh thu chỉ bằng gần 1/3 so với ngành sản xuất gạch ốp lát của Italia.
Vật liệu mới khó chen chân
Dù chưa có được những sản phẩm mới vượt trội, nhưng các sản phẩm cải tiến hiện cũng sở hữu nhiều tính năng ưu việt. Tuy nhiên, việc sử dụng trong thực tế vẫn chưa nhiều.
Hãy lấy ví dụ về sản phẩm vật liệu xây không nung. Dù đã có không ít những điều kiện thuận lợi, đặc biệt, hoạt động truyền thông cho vật liệu này được chú trọng thực hiện, nhưng trên thực tế, theo con số thống kê thì công suất sử dụng mới chỉ đạt 21%, dù trong mục tiêu đề ra nhưng theo các chuyên gia, con số này vẫn còn khá hạn chế và chưa đúng với tiềm năng.
Hay như với loại gạch nhẹ, hiện tỷ lệ sử dụng mới chỉ đạt khoảng 8 - 9% trên tổng số vật liệu xây không nung, trong khi mục tiêu đề ra là trên 20%. Điều đáng nói, đây là chỉ tiêu quan trọng thứ 2 trong chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là tiêu chí quan trọng nhằm khuyến khích tạo ra các công trình xanh. Bởi ngoài cách tính năng ưu việt như nhẹ, dễ xây, loại gạch này còn có độ cách âm lớn, độ truyền nhiệt rất thấp, giúp người sống trong các tòa nhà được khỏe khoắn, thoải mái hơn. Riêng với loại gạch bê tông khí chưng áp còn có thể giúp tiết kiệm đến 40% năng lượng sưởi ấm mùa đông và làm mát mùa hè.
Nhận diện rào cản
Theo ông Lê Văn Tới, Phó chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam, những thách thức với vật liệu mới nằm ở một số vấn đề như thói quen ngại thay đổi, lợi ích của việc sản xuất vật liệu cũ bị ảnh hưởng khi thay thế. Đặc biệt, tính tùy tiện trong thiết kế và thi công công trình cũng khiến vật liệu mới bị nhìn nhận một cách sai lệch.
“Các vết nứt, khuyết tật tại những mảng tường khi sử dụng vật liệu xây không nung trong thời gian vừa qua cho thấy người thi công đã không thực hiện đúng kỹ thuật. Nhiều công trình thiết kế sử dụng gạch bê tông khí chưng áp nhưng người thiết kế không chỉ rõ cần phải gia cường những điểm xung yếu, hoặc sử dụng lưới sợi tại những điểm cần thiết. Trong khi kỹ thuật thi công cũng chưa có am hiểu thấu đáo về loại vật liệu này”, ông Tới nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về việc tìm hướng đi cho vật liệu mới, ông Nguyễn Hải Hà, Trưởng ban Kỹ thuật sản xuất EVN cho biết: “Theo tôi, trong số các giải pháp thúc đẩy sử dụng vật liệu mới thay thế thì Bộ Xây dựng cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn hướng dẫn, định mức kinh tế kỹ thuật quy định việc xử lý, sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, sử dụng trong các công trình xây dựng, giao thông san lấp mặt bằng. Có quy định bắt buộc các dự án xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải sử dụng các sản phẩm tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao như gạch không nung, xi măng…”.
Đặc biệt, một điểm mà ông Hà nhấn mạnh đó là cần tăng cường tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu dung về các loại vật liệu này, coi nó như là các vật liệu đủ tiêu chuẩn, an toàn, tránh tâm lý nghĩ rằng đó là các loại vật liệu độc hại, dẫn đến tâm lý e ngại khi sử dụng.
Còn theo ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường thì ngoài việc chính thức hóa việc sử dụng vật liệu không nung bằng các quy phạm pháp luật, doanh nghiệp ngành này cần hỗ trợ bằng những nội dung cụ thể như: giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% đối với gạch không nung, tăng từ 10% lên 20% với gạch đỏ; tăng thuế đất làm gạch nung từ 13% lên 25% (tương đương các nước trong khu vực). Đặc biệt, cần có biện pháp quản lý, tránh trường hợp chủ lò gạch bán gạch cho tư nhân không xuất hóa đơn, trốn thuế đất, thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, bởi dù đây là các cơ sở nhỏ lẻ nhưng lại chiếm số lượng rất đông đảo.
Ở nước ta, hiện đầu tư xây dựng chiếm tỷ trọng khoảng 70% đầu tư xã hội, trong đó vật liệu xây dựng chiếm từ 30 - 50% tổng đầu tư xây dựng. Do đó, phát triển ngành vật liệu xây dựng không chỉ giúp ngành xây dựng, bất động sản phát triển bền vững, mà còn góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2017, tổng giá trị doanh thu ngành vật liệu xây dựng đạt gần 400.000 tỷ đồng (gần 17 tỷ USD), chiếm 7,5% GDP. Các sản phẩm chủ lực là xi măng: 31%, gạch ốp lát: 20%, sứ vệ sinh: 5%, kính xây dựng: 4%…
Năng lực sản xuất của một số sản phẩm chủ yếu của ngành như sau: Xi măng: 89 triệu tấn/năm (bằng 2% sản lượng xi măng thế giới); Gạch ốp lát: 705 triệu m2/năm (bằng 5% sản lượng toàn thế giới); Kính xây dựng: 200 triệu m2/năm (bằng 2% sản lượng kính toàn thế giới); Sứ vệ sinh: 20 triệu sản phẩm/năm (bằng 1,5% sản lượng toàn thế giới); Đá ốp lát: 16 triệu m2/năm;…Nhu cầu một số loại vật liệu chính của Việt Nam đến năm 2020, cụ thể vật liệu xây: 30 tỷ viên, vật liệu lợp: 59,9 triệu m2, đá xây dựng: 181 triệu m3, cát xây dựng: 130 triệu m3.
Vật liệu xây dựng mới có 1 trong 4 tiêu chí sau mà vật liệu xây dựng cũ không có:
- Mang lại hiệu quả cao hơn cho ngôi nhà, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng sống tốt hơn cho người sử dụng;
- Trong quá trình sản xuất giảm thiểu sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên khoáng sản không thể tái tạo;
- Trong quá trình sản xuất giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường;
- Trong quá trình sản xuất tham gia tích cực vào việc xử lý chất thải của ngành sản xuất khác.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com