Thị trường khó đoán định hơn
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn thách thức về nguồn nguyên liệu, nhu cầu giảm, cạnh tranh tăng, rào cản thị trường tăng.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP cho biết, năm 2024 dù có nhiều khó khăn đối với ngành thủy sản nhưng nhờ tinh thần sáng tạo, khả năng thích ứng linh hoạt, ngành đã đạt được thành tích ấn tượng với giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2023.
Bước sang năm 2025, xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn, có thể vượt mốc 10 tỷ USD và trở lại mốc 11 tỷ USD của năm 2022.
Tuy nhiên, năm 2025 cũng là năm ngành thủy sản sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Trong đó, việc giải quyết thẻ vàng IUU, thích ứng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các rào cản từ thị trường… là yếu tố quan trọng doanh nghiệp cần quan tâm.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP cho rằng, mặc dù kết quả xuất khẩu thủy sản năm 2024 là ấn tượng, ngành thủy sản Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng và bất định.
Một trong những vấn đề nổi bật mà thiết nghĩ các Bộ, ban ngành và doanh nghiệp cần xem xét đó là 5-6 năm qua, kết quả xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng chỉ cầm chừng 8-10 tỷ USD/năm (ngoại trừ năm 2022). Trong khi chiến lược phát triển ngành đến 2030 (ban hành theo QĐ 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021) với kết quả mục tiêu mong muốn là 14-16 tỷ USD/năm 2030. Tức là phải giữ được tốc độ tăng trưởng 2 con số (10-15%/năm).
Hiện dự báo tăng trưởng tiêu thụ thủy sản toàn cầu chỉ đạt mức 5-6%/năm trong khi ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 2 con số trong thời gian tới. Vì vậy, theo ông Nam, để đạt được mục tiêu này, ngành không chỉ cố gắng giữ vững thị phần, tăng hàm lượng chế biến giá trị gia tăng mà ngành cần nghiên cứu để có một mô hình tăng trưởng mới phù hợp.
Ngành thuỷ sản nhận định, cần nghiên cứu để có một mô hình tăng trưởng mới phù hợp. (Ảnh: Lê Toàn) |
Đồng tình với ý kiến, bà Nguyễn Kim Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sa Kỳ (Saky Foods) nhận định, ngành thủy sản quốc tế sẽ tiếp tục tăng trưởng, song sẽ đối mặt với các quy định khắt khe hơn về các điều khoản về bảo vệ môi trường và khai thác bền vững, tạo ra thách thức lớn cho những nhà cung cấp Việt.
“Năm 2025 dự báo sẽ là một năm “khó đoán” với nhiều biến động và yếu tố khó lường trước, mặc dù những tín hiệu tích cực từ năm 2024 đã mang lại kỳ vọng lớn. Biến động về chi phí vận chuyển vốn đã xảy ra trong năm 2024 có khả năng tái diễn, trong khi tình trạng khan hiếm nguyên liệu tôm chúng tôi dự báo sẽ kéo dài đến giữa năm 2025. Cùng với đó, ngành thủy sản Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ các đối thủ quốc tế”, bà Thanh cho hay.
Cần trợ lực
Trước những thách thức đặt ra trong năm 2025 và giai đoạn tới, ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất, các Bộ, ban ngành cần tạo động lực cho nông, ngư dân nuôi trồng, khai thác; đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế, đàm phán song phương, xúc tiến thương mại và đơn giản hoá các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp trong chế biến và xuất khẩu.
Đặc biệt, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh tín dụng xuất khẩu, gói tín dụng dành cho lâm - thủy sản như đã triển khai hiệu quả 2 năm qua sau Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với VASEP và Hiệp hội gỗ ngày 13/4/2023.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số và có quy chế ràng buộc các chủ thể tham gia ngành thuỷ sản phải quan tâm và có giải pháp kiểm soát, hạn chế và trung hoà phát thải để ngành phát triển ổn định và bền vững.
Về phía doanh nghiệp, nhằm nâng cao nội lực, đón đầu cơ hội và vượt qua thách thức trong năm 2025, Saky Foods xác định chiến lược trọng tâm là mở rộng năng lực sản xuất, đầu tư vào nhà máy và nghiên cứu để đa dạng hóa sản phẩm.
Theo bà Thanh, hiện doanh nghiệp đảm bảo chất lượng từ khâu đánh bắt, nuôi trồng đến sản xuất, tuân thủ các tiêu chuẩn khai thác bền vững và bảo vệ môi trường như những gì doanh nghiệp đã và đang làm.
“Song song với áp dụng công nghệ trong quản lý, chăm sóc khách hàng, năm 2025 cũng là thời điểm chúng tôi mở rộng thị trường nội địa, mục tiêu là mang đến cho người tiêu dùng trong nước những sản phẩm chất lượng quốc tế với sự đa dạng và phù hợp, hướng đến việc trở thành giải pháp đáng tin cậy cho các bạn trẻ năng động Việt Nam”, bà Thanh chia sẻ.