Nguồn vốn tái bảo hiểm thị trường quốc tế tiếp tục dư thừa
Tại Việt Nam, hoạt động tái bảo hiểm vẫn chưa thực sự sôi động khi thị trường chỉ có 2 cái tên: Vinare và PVI Re. Tình hình kinh doanh của cả 2 doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi diễn biến không chỉ tại thị trường trong nước, mà còn ở quốc tế.
Sự biến động của thị trường bảo hiểm trong và ngoài nước cùng nguồn vốn tái bảo hiểm thị trường quốc tế tiếp tục dư thừa dẫn đến sự cạnh tranh cao trong lĩnh vực tái bảo hiểm cùng với những tổn thất khó lường trước cũng được coi là những thách thức đối với các nhà tái bảo hiểm.
Tính đến hết tháng 3/2015, nguồn vốn này vẫn tiếp tục dư thừa, tuy tổn thất không quá lớn, ngoài một số vụ tổn thất máy bay thì tổn thất mang tính thảm họa không nhiều trừ vụ bão tuyết tại Nhật Bản gây thiệt hại cho ngành bảo hiểm hơn 1 tỷ USD.
Còn tại thị trường trong nước, theo ông Phạm Công Tứ, Tổng giám đốc Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia (Vinare), ngoài những rủi ro về các dự báo phát triển kinh tế xã hội, thì đó còn là thách thức liên quan đến cạnh tranh.
“Đó là những cạnh tranh trong lĩnh vực tái bảo hiểm bao gồm cả các doanh nghiệp tái bảo hiểm trong nước lẫn quốc tế, môi giới tái bảo hiểm. Vẫn còn đó những cạnh tranh trong bảo hiểm gốc (liên quan đến mở rộng điều kiện, điều khoản và giá phí), chi phí khai thác dịch vụ cao, xuất hiện yêu cầu bảo hiểm cho các rủi ro mới trong điều kiện cạnh tranh phí giảm”, ông Tứ nói.
Trong khi đó, tình hình tổn thất/bồi thường vẫn báo động ở một vài nghiệp vụ truyền thống như tài sản, thân tàu… Chưa kể đó còn là những tồn tại bất cập của thị trường liên quan đến chiến lược, quản lý, nguồn nhân lực, trục lợi bảo hiểm...
Trong đó, với riêng Vinare thì có thêm rủi ro về thay đổi chính sách liên quan đến nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tàu cá. Hiện tại, Vinare được Chính phủ chỉ định tham gia vào các chương trình bảo hiểm lớn như bảo hiểm thủy sản theo Nghị định 67; tiếp tục triển khai mở rộng bảo hiểm nông nghiệp cũng như bảo hiểm rủi ro thiên tai...
Vinare có hơn 20 năm kinh nghiệm, còn với PVI Re mới thành lập nên không lạ khi lãnh đạo doanh nghiệp này cũng thừa nhận việc các đối tác trong nước dè chừng nhượng tái bảo hiểm. Đây là thách thức với nhà tái bảo hiểm này, dẫn đến nguồn từ trong nước giảm. Đồng thời, xu hướng thị trường bảo hiểm ngày càng cạnh tranh gay gắt đòi hỏi PVI Re phải không ngừng nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ và quy mô tài chính để phát triển trong nước và mở rộng thị trường ra nước ngoài.
“Tại thị trường trong nước, chúng tôi sẽ gia tăng khai thác, tập trung vào các khách hàng đã mang lại hiệu quả tốt cho PVI Re như PJICO, PTI, MIC, VBI... Còn với thị trường nước ngoài sẽ theo hướng thận trọng, tuân thủ chặt chẽ quy chuẩn”, lãnh đạo PVI Re nói.
Rủi ro lớn từ lãi suất
Với các khoản đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng, không khác các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lẫn nhân thọ, cả hai nhà tái bảo hiểm cũng phải chịu tác động giảm hiệu quả đầu tư tài chính bởi xu hướng lãi suất tiền gửi giảm tiếp tục diễn ra. Tính đến thời điểm 31/12/2014, gần như toàn bộ các khoản đầu tư của PVI Re đều là đầu tư ngắn hạn với giá trị trên 1.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, áp lực cũng vơi dần khi quý I/2015, PVI Re cho biết đã đạt kết quả khả quan với hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh vượt kế hoạch, đặc biệt chỉ tiêu lợi nhuận ước đạt 53,8 tỷ đồng, hoàn thành 168% kế hoạch. Tổng doanh thu ước là 492,7 tỷ đồng, hoàn thành 114% kế hoạch, tăng 15% so với năm 2014. Trong đó, doanh thu nhận tái bảo hiểm ước là 407,8 tỷ đồng, hoàn thành 116% kế hoạch, tương đương 105% cùng kỳ năm 2014.
Trước đó, năm 2014, nhờ đầu tư tiền gửi cùng với đầu tư phái sinh (swap) và tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi, PVI Re đã lãi 85 tỷ đồng từ đầu tư tài chính, đóng góp 71% lợi nhuận trước thuế của Công ty.
Còn Vinare thì ước giảm 40 tỷ đồng doanh thu trong năm 2015 do lãi suất huy động giảm. Ngoài ra, Vinare còn chịu ảnh hưởng bởi giảm thu từ Công ty bảo hiểm Samsung Vina (SVI) sau khi Vinare buộc phải giảm vốn sở hữu tại doanh nghiệp này từ 50% xuống còn 25%.
Tính chung, năm 2015, Vinare ước giảm mạnh lợi nhuận trước thuế, tương đương giảm gần 200 tỷ đồng, chủ yếu do giảm thu từ SVI (140 tỷ đồng so với 2014), giảm thu do lãi suất huy động như trên, giảm hoàn nhập dự phòng đầu tư dài hạn khoảng 10 tỷ đồng; giảm do tác động của thay đổi chính sách phân bổ hoa hồng tái bảo hiểm (chênh lệch 42 tỷ đồng).
Cơ hội từ thị trường phi nhân thọ tăng trưởng hai con số
Năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo đạt 6,2%, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số với nhiều chuyển biến tích cực, các dự án lớn được giải ngân, đầu tư ra nước ngoài gia tăng...
Theo nhận định của ông Tứ, đây là những cơ sở tốt cho Vinare phát triển kinh doanh năm 2015. Thị trường còn nhiều tiềm năng với nhu cầu bảo hiểm của nền kinh tế còn nhiều, môi trường pháp lý kinh doanh bảo hiểm/tái bảo hiểm ngày càng hoàn thiện. Các chính sách, chế độ của Nhà nước góp phần gia tăng nguồn thu bảo hiểm như bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm nông nghiệp...
Với PVI Re, việc một số công ty trong nước có hợp đồng cố định giảm năng lực (capicity), giảm hoa hồng tại kỳ tái tục cũng là cơ hội cho nhà tái bảo hiểm này khai thác tốt hơn các dịch vụ tái bảo hiểm tạm thời. Việc thay đổi chính sách từ Bộ Tài chính, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm không được đồng bảo hiểm sau đơn tạo điều kiện thuận lợi để PVI Re lựa chọn tham gia tái bảo hiểm trong nước tốt hơn. Chưa kể, việc một số doanh nghiệp trong nước vẫn còn áp lực doanh thu nhận tái bảo hiểm hơn hiệu quả cũng là cơ hội để các nhà tái bảo hiểm trao đổi dịch vụ.
Còn tại thị trường quốc tế, CEO của PVI Re, ông Vũ Văn Thắng nhận định, thị trường Nga thiếu thị trường nhận tái bảo hiểm đã mang lại cơ hội cho PVI Re, nguồn vốn tái bảo hiểm dư thừa cũng là cơ hội để tăng hoa hồng nhượng tái bảo hiểm. Ngoài ra, trong tư cách nhà tái bảo hiểm mới 3 năm tuổi, cơ hội đối với PVI Re theo ông Thắng chính là cơ hội từ tận dụng lợi thế của người đi sau, chọn lọc những kinh nghiệm của các đối tác đi trước, giúp Công ty có những định hướng về phát triển chuyên môn.
Cơ hội từ sự hậu thuận lớn của cổ đông
Có một điểm thú vị, mặc dù tại Việt Nam chỉ có 2 công ty tái bảo hiểm, nhưng mục tiêu và sứ mệnh không trùng lắp. Vinare đặt mục tiêu trở thành nhà đứng đầu nhận tái bảo hiểm tại Việt Nam và khu vực. Còn PVI Re thì định hướng trở thành nhà tái bảo hiểm quốc tế chuyên nghiệp.
Về cơ cấu sở hữu, ngoài cổ đông ty mẹ là PVI Holdings, PVI Re còn có thêm cổ đông Bảo hiểm PVI đang tăng trưởng mạnh về doanh thu phí bảo hiểm gốc sẽ tạo lợi thế cạnh tranh trong nhượng tái bảo hiểm cũng như trong trao đổi dịch vụ. Năm 2014, Bảo hiểm PVI đóng góp 991 tỷ đồng doanh thu, chiếm 61% doanh thu của PVI Re.
Còn tại Vinare, cổ đông chiến lược nước ngoài duy nhất Swiss Re - cũng là nhà tái bảo hiểm hàng đầu thế giới đã không ngừng hỗ trợ Vinare trong hoạt động. Ông Beat Schnegg, đại diện vốn của Swiss Re cho biết, Swiss Re cam kết tiếp tục hỗ trợ Vinare về mặt nhân lực qua việc cử một chuyên gia của Swiss Re sang đảm nhận cương vị Phó Tổng giám đốc tại Vinare.
Tuy nhiên, vai trò của Swiss Re lớn hơn nhiều những cam kết đó. Trong quá khứ, việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược Swiss Re năm 2008 tăng vốn điều lệ của Vinare từ 343 tỷ đồng lên 672 tỷ đồng được nhận định là “nuôi sống” Vinare suốt thời gian qua. Nguồn thặng dư vốn phát hành lên tới 1.137 tỷ đồng, một số tiền không nhỏ. Ngoài Swiss Re, Vinare còn nhận được một sự hỗ trợ khác từ SCIC trong vai trò đại diện vốn Nhà nước tại Công ty.
Năm 2014, Vinare là doanh nghiệp chi trả cổ tức cao nhất ngành bảo hiểm với mức 15% và tiếp tục duy trì kế hoạch này năm 2015. PVI Re cũng không tỏ ra thua kém “đàn anh” khi đặt kế hoạch trả cổ tức 12%. Tuy nhiên, thách thức vẫn sẽ song hành, cùng các nhóm giải pháp được đưa ra liên quan đến thị trường, quản trị, công nghệ và nhân sự, các nhà tái bảo hiểm hi vọng sẽ góp sức nhiều hơn nữa cho thị trường bảo hiểm Việt.