Thách thức lớn của các ngân hàng trung ương châu Á trong năm 2025

(ĐTCK) Các ngân hàng trung ương ở châu Á phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan vào năm 2025.

Sự gia tăng không ngừng của đồng đô la Mỹ đã khiến các tiền tệ châu Á như đồng yên Nhật, won Hàn Quốc, nhân dân tệ Trung Quốc và rupee Ấn Độ lao dốc xuống mức thấp nhất trong nhiều năm so với đồng tiền này.

Mặc dù tiền tệ rẻ hơn về nguyên tắc có thể khiến hàng xuất khẩu có sức cạnh tranh ngay khi Tổng thống đắc cử Donald Trump áp thuế quan, nhưng các ngân hàng trung ương ở châu Á sẽ cần đánh giá tác động của điều này đối với lạm phát nhập khẩu và tránh các tình trạng đầu cơ vào sự suy yếu kéo dài của tiền tệ có thể làm phức tạp việc hoạch định chính sách.

Đồng đô la Mỹ đã tăng giá mạnh kể từ khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, đã tăng khoảng 5,39% kể từ cuộc bầu cử vào ngày 5/11/2024.

Một phần lý do đằng sau sức mạnh của đồng đô la Mỹ là các chính sách mà ông Trump đã cam kết trong chiến dịch tranh cử, bao gồm thuế quan và cắt giảm thuế được các nhà kinh tế xem là nguyên nhân có thể thúc đẩy lạm phát trở lại.

Các nhà hoạch định chính sách Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại cuộc họp vào tháng 12 đã bày tỏ lo ngại về lạm phát và tác động mà các chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể gây ra, và cho biết họ sẽ chậm lại trong việc cắt giảm lãi suất vì sự không chắc chắn.

Việc đánh giá lại triển vọng chính sách tiền tệ của Fed đã nới rộng khoảng cách lợi suất giữa trái phiếu Mỹ và một số trái phiếu châu Á.

Chênh lệch lãi suất đã làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản có lợi suất thấp hơn, khiến các tiền tệ chính của châu Á giảm giá và thúc đẩy một số ngân hàng trung ương bao gồm Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) có biện pháp can thiệp.

James Ooi, chiến lược gia thị trường tại công ty chứng khoán Tiger Brokers cho biết, đồng đô la mạnh sẽ khiến các ngân hàng trung ương châu Á khó quản lý nền kinh tế hơn.

“Đồng đô la Mỹ mạnh hơn có khả năng gây ra thách thức cho các ngân hàng trung ương châu Á bằng cách gia tăng áp lực lạm phát thông qua chi phí nhập khẩu cao hơn và gây căng thẳng cho dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương nếu họ cố gắng hỗ trợ tiền tệ của mình thông qua các biện pháp can thiệp… Nếu một quốc gia đang đối mặt với lạm phát cao và đồng tiền mất giá, việc hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế có thể phản tác dụng", ông cho biết.

Đồng nhân dân tệ

Đồng nhân dân tệ trong nước của Trung Quốc đã chạm mức thấp nhất trong 16 tháng là 7.3361 mỗi đô la vào ngày 7/1 khi chịu áp lực từ việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và đồng đô la mạnh hơn.

Đồng nhân dân tệ yếu hơn về mặt lý thuyết sẽ khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc cạnh tranh hơn và góp phần kích thích tăng trưởng ở nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Nhưng Lorraine Tan, Giám đốc nghiên cứu vốn chủ sở hữu khu vực châu Á tại Morningstar cho biết, đồng đô la mạnh hơn sẽ hạn chế khả năng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBPC) hạ lãi suất mà không gây rủi ro gia tăng dòng vốn chảy ra, cũng như giúp nền kinh tế trong nước có sự linh hoạt hơn về tiền tệ.

Trung Quốc đã phải chật vật để hỗ trợ nền kinh tế kể từ tháng 9 năm ngoái, với một số biện pháp kích thích bao gồm giảm lãi suất và hỗ trợ cho thị trường chứng khoán và bất động sản. Gần đây nhất, nước này đã mở rộng chương trình đổi hàng tiêu dùng nhằm thúc đẩy tiêu dùng thông qua việc nâng cấp thiết bị và trợ cấp.

Ngoài ra, trong thế giới cạnh tranh xuất khẩu thường có tổng bằng không, sự suy yếu rõ rệt của đồng nhân dân tệ có thể khiến các nền kinh tế châu Á khác khó khăn hơn trong việc tăng sức hấp dẫn của sản phẩm và dịch vụ của họ đối với người mua nước ngoài.

Trong báo cáo triển vọng năm 2025 của Citi Wealth, việc đồng tiền của Trung Quốc mất giá mạnh có thể gây tổn hại đến các nền kinh tế cạnh tranh trực tiếp hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc, chẳng hạn như Hàn Quốc và các nền kinh tế Đông Nam Á.

Đồng yên

BOJ đã chi hơn 15,32 nghìn tỷ yên (97,06 tỷ USD) để hỗ trợ đồng yên trong năm 2024, sau khi đồng yên giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vào tháng 7 và chạm mức thấp nhất là 161,96 mỗi đô la. Mặc dù vậy, đồng yên hiện vẫn đang ở mức khoảng 158 so với đồng đô la.

Các quan chức tài chính Nhật Bản đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về những động thái một chiều và biến động của đồng yên, gần đây nhất là vào ngày 7/1.

Sau nhiều thập kỷ chật vật để giải quyết tình trạng giảm phát, lạm phát ở Nhật Bản đã vượt mục tiêu 2% của BOJ trong 32 tháng liên tiếp. BOJ đã thừa nhận rằng đồng yên yếu có thể dẫn đến lạm phát nhập khẩu tăng.

Đồng won

Tại Hàn Quốc, ngân hàng trung ương của nước này gần đây đã can thiệp để hỗ trợ đồng won. Mặc dù số tiền cụ thể không được tiết lộ, nhưng nó đủ để khiến dự trữ ngoại hối của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm.

Đồng won đã liên tục mất giá so với đồng đô la kể từ chiến thắng bầu cử của ông Trump và chạm mức khoảng 1.476 mỗi đô la vào tháng 12, mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc dường như ưu tiên kích thích tăng trưởng trong nước mặc dù đồng won suy yếu, thông qua việc bất ngờ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp gần đây nhất vào tháng 11.

Tuy nhiên, tất cả các biện pháp này đã bị lu mờ bởi sự không chắc chắn khi Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố, sau đó bãi bỏ thiết quân luật vào đầu tháng 12, và bị luận tội.

Đồng rupee

Đồng rupee Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 85,86 vào ngày 8/1, do áp lực từ đồng đô la mạnh và việc bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài vào tháng 10 và tháng 11.

Điều này xảy ra vào thời điểm nước này đang đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm lại, với số liệu tăng trưởng GDP gần đây nhất của Ấn Độ là 5,4% trong quý tài chính thứ hai kết thúc vào tháng 9, không đạt kỳ vọng và đánh dấu mức thấp nhất kể từ quý IV/2022.

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ gần đây nhất vào tháng 12, RBI đã giữ nguyên lãi suất ở mức 6,5%.

Nếu Ấn Độ quyết định cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng - điều này sẽ làm suy yếu đồng rupee - thì RBI có đủ khả năng để đối phó với tình trạng dòng vốn nước ngoài đột ngột chảy ra và bất kỳ sự sụt giảm mạnh nào của đồng rupee.

Citi Wealth cho biết: "dự trữ ngoại hối lớn của ngân hàng trung ương đã mang lại sự ổn định hơn cho đồng rupee Ấn Độ".

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục