Gần đây nổ ra cuộc tranh luận về việc lấy tên giáo sỹ Alexandre de Rhodes, được cho là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho chữ quốc ngữ Việt Nam đặt tên cho một con đường ở Đà Nẵng.
Người viết không có ý định đứng về phe nào, mà chỉ tự hỏi về một khía cạnh khác: Tại TP.HCM từ lâu đã có đường Alexandre de Rhodes ở quận 1, nhưng thử hỏi, người dân TP.HCM có mấy ai có thể không tra cứu mà ghi chính xác tên của vị giáo sỹ này giống như bảng tên đường? Có mấy ai phát âm chính xác? Và nếu ghi tên đường không chính xác, thì giao dịch hành chính sẽ thế nào, khi có tranh chấp dân sự hay các vấn đề luật pháp khác liên quan đến địa chỉ thì giải quyết sao?
Không nhiều người dân TP.HCM có thể đọc đúng và viết đủ tên con đường
Alexandre de Rhodes
Đó mới chỉ là một ví dụ nhỏ về chuyện tên Tây ở ta.
Vừa rồi, xảy ra mấy vụ cháy chung cư, mới nhất là vụ cháy Chung cư Xi Grand Court ở quận 10, TP.HCM (trước đó là vụ Chung cư Carina ở quận 8). Xem truyền hình phát tin, bố tôi bảo: “Mới nghe tên chung cư, cứ tưởng ở bên Tây. Nghe tiếp hóa ra tại Sài Gòn. Sao giờ chung cư nào cũng tên Tây vậy nhỉ?”.
Cái đó thì mời cụ đi hỏi mấy công ty xây dựng, vì chính họ đặt tên. Mà các đơn vị ấy thì chắc chắn sẽ quảng cáo sản phẩm của họ là “sang trọng, quý phái, đẳng cấp châu Âu, Mỹ”, tất nhiên phải đặt tên Tây rồi.
Từ hàng chục năm nay, tôi đã rất dị ứng với các bảng hiệu không có chút tiếng Việt. Tôi ủng hộ để cả hai thứ tiếng, nhưng tiếng Việt phải để lên trên.
- Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Huế (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
Thử điểm qua vài cái tên chung cư ở TP.HCM hay Hà Nội sẽ thấy có vô số chung cư mang tên Tây như tại TP.HCM là Saigon South Residences ở huyện Nhà Bè, Lovera Vista ở huyện Bình Chánh, Ricca quận 9, Park Legend quận Tân Bình, Sunshine Diamond River quận 7, Masteri An Phú quận 2…; còn tại Hà Nội là Aqua Central ở Yên Phụ, Sunshine Garden ở Vĩnh Tuy, Le Grand Jardin ở Long Biên; The Matrix One ở Mễ Trì… Ngay tòa nhà tôi đang ở cũng có tên một loài hoa của nước ngoài, với hàm ý chung cư Việt Nam, nhưng theo phong cách Nhật, Hàn.
Có cậu shipper (đúng ra là người đưa hàng, nhưng giờ cả xã hội nói xíp-pơ, bảo người đưa hàng có khi lắm người lại không hiểu) bảo: "Gớm, bác ở cái chung cư tên Tây khó đọc, khó tìm quá, làm sao em tới được? Tôi đành nói đơn giản là “tòa nhà CT15” khu đô thị ABC thì cậu ta mới à lên “chỗ đó em biết chứ”.
Chuộng “giá trị Tây” trong thời buổi đi đâu cũng nghe nói đến hai từ “hội nhập” cũng không có gì lạ.
Không chỉ tên tòa nhà chung cư, dự án bất động sản, các đồ vật, thậm chí trẻ con bây giờ có nhiều cháu được bố mẹ “thưởng thêm” cho một cái tên tây tây như Kevin, Felix, Tom, Andy đứng bên cạnh Tí, Tèo, Mít, Na. Ngay cả bố mẹ chúng, nickname trên mạng cũng nửa Tây nửa ta. Nào là Kevin Lê, Selvy Trang, Jimmy Ngô, Tony Bùi… Ca sỹ, diễn viên lắm người cũng bỏ đi tên thật, có thể theo họ hay các bầu sô của họ là“quê mùa”, “Hai lúa”, để gắn thêm những “nghệ danh” hoặc như Tây, hoặc như kiếm hiệp Hồng Kông, hoặc ảo ảo kiểu Hàn Quốc…
Tâm lý sính ngoại, sính Tây có ở khắp mọi nơi. Đi trên đường phố Hà Nội hay TP.HCM, có thể thấy ngay sự “cuồng Tây” ở trên các loại bảng hiệu. Ra khu phố cổ Hà Nội, mặc dù mang danh “cổ”, nhưng các bảng hiệu toàn chữ Tây: Cửa hàng đồ lưu niệm Amazing Hanoi, cửa hàng lụa Thảo Silk; Outdoor Adventure Shop (nghe tên tiếng Anh loằng ngoằng như thế nhưng chỉ đơn giản là bán đồ đi phượt. Chắc viết thế là chỉ chọn bán cho Tây). Hay như cửa hàng cho thuê, bán đồ cưới mà nhiều khả năng khách hàng chỉ là người Việt, nhưng bảng hiệu thì không có đến nửa từ tiếng Việt: Lily Wedding Dress.
“Từ hàng chục năm nay, tôi đã rất dị ứng với các bảng hiệu không có chút tiếng Việt. Tôi ủng hộ để cả hai thứ tiếng, nhưng tiếng Việt phải để lên trên”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Huế (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chia sẻ với phóng viên.
Tên đường, tên chung cư, tên người, hay bảng hiệu dù gì vẫn chỉ là cái tên, dù là tên Tây, nhưng tâm lý sính ngoại không chỉ dừng lại ở những cái tên, mà còn xuất hiện trong các danh xưng thể hiện “đẳng cấp”.
Chúng ta bây giờ có đủ thứ danh xưng kiểu đó: Trường quốc tế, trung tâm thẩm mỹ quốc tế, bệnh viện quốc tế, phòng khám quốc tế, mặc dù đa số phục vụ khách hàng Việt Nam. Điều này rõ ràng bắt nguồn từ tâm lý sính ngoại của chính người tiêu dùng. Thử hỏi, mấy ai đến phòng khám quốc tế hay bệnh viện quốc tế, mấy ai cho con nhập học trường quốc tế biết rõ nội hàm “quốc tế” mà người cung cấp dịch vụ quảng cáo cụ thể là gì, thể hiện cụ thể trong dịch vụ ở những điểm nào và những thứ đó có đúng chuẩn “quốc tế” hay không? Có lẽ, cái mà ai cũng nhận thấy là mấy thứ gắn mác “quốc tế” đều thu phí dịch vụ cao hơn hẳn so với những thứ không có mác quốc tế. Vậy thì dại gì mà không gắn?
Hội nhập quốc tế, văn hóa thế giới du nhập là lẽ đương nhiên, chỉ có điều, du nhập có văn hóa, có chọn lọc khác với tâm lý cuồng Tây, sính ngoại. Văn hóa nước ngoài cũng có nhiều thứ hay, nhiều thứ đáng để chúng ta học hỏi, nhưng cũng không vì thế mà quay ra vứt bỏ cả những nét đẹp truyền thống của ông cha đã đúc kết, đã tồn tại trong hàng ngàn năm.
Một danh sỹ Hà Nội xưa từng nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”, là để nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng Việt nói riêng và văn hóa Việt nói chung.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com