Tàu 67... “nhảy” lên bờ

Khí thế hồ hởi một thời của ngư dân khi được tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP để đóng tàu hiện đại vươn khơi xa đã không như kỳ vọng. Cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền đã dần lùi vào dĩ vãng.
Xưởng sửa chữa tàu đánh bắt cá xa bờ tại Quảng Ngãi. Ảnh: H.M Xưởng sửa chữa tàu đánh bắt cá xa bờ tại Quảng Ngãi. Ảnh: H.M

Lỗ

Còn nhớ, cách đây gần 4 năm, lễ hạ thủy tàu đánh cá đầu tiên thực hiện theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) tại Quảng Ngãi đã được tổ chức tưng bừng. Ruy băng đỏ được cắt, champagne được tưới lên mạn tàu, những tràng vỗ tay vang lên và chiếc tàu từ từ rời đà trượt theo ray hòa vào lòng biển, mang theo bao hy vọng của ngư dân!

Thế rồi cũng tại vị trí đó, cũng chiếc tàu đó nay đang nằm lầm lì trước những đợt sóng biển dập dềnh. Ngư dân Võ Văn Hân, người tiên phong đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 tại Quảng Ngãi mặt cũng “lầm lì” như chiếc tàu QNg 90999-TS đang xuống cấp, hoen gỉ...

“16 tỷ đồng đóng hoàn thiện đến ngày hạ thủy. Đi được vài chuyến thì liên tục gặp sự cố, thu không đủ chi, lỗ bạc mặt, nên hơn một năm nay, tàu nằm bờ”, ông Võ Văn Hân đau xót nói.

Tính đến ngày 30/6/2017, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 993 tàu (593 tàu vỏ gỗ, 333 tàu vỏ thép và 67 tàu vỏ vật liệu mới), chiếm 92% tổng số hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu. Tổng số tiền cam kết cho vay là 9.814 tỷ đồng; giải ngân cho vay theo tiến độ đóng mới, nâng cấp tàu đạt 8.928 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.762 tỷ đồng.

(Nguồn: Báo cáo Tổng kết 3 năm thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản ngày 1/8/2017)

Xuôi từ Quảng Ngãi, ngang qua Bình Định vào Phú Yên, đến đâu, cũng nghe “bài ca” 67 với “chất giọng” “nhão” hơn dòng nhạc Bolero. Tại cảng cá phường 6 (TP. Tuy Hòa), tàu công suất lớn PY 98976TS của ông Võ Văn Lành được vay theo Nghị định 67 đã neo đậu từ nhiều tháng.

Trước khi đóng tàu theo Nghị định 67, nhà ông Lành có 4 tàu cá, khai thác cá ngừ mỗi năm đều lãi cao, nên được ưu tiên vay vốn. “Vậy mà, khi có tàu lớn hơn, lại rơi vào cảnh lỗ vốn chồng chất... Lao động thiếu, ra khơi thất thu, ngư trường hẹp, làm ăn thua lỗ, nên để tàu nằm bờ”, ông Lành chia sẻ.

Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP. Tuy Hòa cho biết, hai năm qua, 9 tàu đóng mới theo Nghị định 67 của phường đều báo lỗ, càng đi càng lỗ, nên đành phải neo bờ.

Nợ

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Phú Yên, chỉ tiêu phân bổ cho tỉnh Phú Yên là 190 tàu theo Nghị định 67. UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 20 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn theo chương trình này, với tổng mức đầu tư 289,793 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng Agribank Phú Yên, tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67 là gần 88 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay đóng tàu mới hơn 84,3 tỷ đồng.

Trong khi đó, Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Yên, đơn vị đầu tiên ký kết hợp đồng tín dụng cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh, đã thẩm định và tài trợ vốn cho ngư dân đóng mới 12 tàu cá, với tổng số tiền đã giải ngân là 162 tỷ đồng. Dư nợ hiện tại là 152 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu là 30,8 tỷ đồng; nợ nhóm 2 là 91,3 tỷ đồng, chiếm 79,8% dư nợ cho vay theo Nghị định 67.

Còn tại Đà Nẵng, theo ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong số 9 “tàu 67”, chỉ 2 tàu cải hoán hoạt động hiệu quả, 7 tàu đóng mới lại gặp trở ngại. 9 tàu cá này được cam kết giải ngân hơn 120 tỷ đồng, đã cho vay hơn 118 tỷ đồng, nhưng dư nợ đã hơn 111 tỷ đồng.

Và bị khởi kiện

Chiều muộn một ngày trung tuần tháng 10, ngồi trên “tàu 67” của mình đang nằm bờ ở cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (TP. Quảng Ngãi), vợ chồng ngư dân Ao Xuân Tiến lục lại đống giấy tờ của tàu mà lòng nặng trĩu âu lo. Trong đó, có giấy thông báo khởi kiện xử lý tài sản đảm bảo là tàu cá QNg-90599TS để thu hồi toàn bộ nợ vay và phần tiền lãi ngân sách nhà nước đã cấp bù từ Vietcombank Quảng Ngãi.

Khoản tiền vợ chồng ông Tiến đang nợ đã lên đến hơn gần 8 tỷ đồng, nợ gốc là hơn 7 tỷ đồng. “Món nợ này đã bị Tòa án Nhân dân huyện Bình Sơn gửi giấy báo tiếp nhận đơn khởi kiện từ ngân hàng”.

Cùng chung tâm trạng, 3 ngư dân Trần Ngọc Đông, Võ Ngọc Trang và Dương Cao Hoan (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) phát sinh nợ xấu trên 30,9 tỷ đồng và đã bị Agribank Khánh Hòa kiện.

Nghị định 67 được xem là “phao cứu sinh” cho những ngư dân thực sự muốn vươn khơi, nhưng hạn chế về nguồn lực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại phát sinh nhiều bất cập, nhất là nợ xấu có xu hướng tăng nhanh. Ngoài lý do khách quan là nguồn lợi hải sản suy giảm, thời tiết diễn biến bất thường, thì cũng có tình trạng ngư dân cho đây là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nên chây ỳ, thiếu trách nhiệm trả nợ ngân hàng và việc tuyên truyền “có vấn đề”.

Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên thừa nhận: “Công tác thông tin tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện các chính sách theo Nghị định 67 chưa đến được đa số chủ hộ, chủ tàu. Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương với các ngân hàng thương mại chưa thật sự tốt và đồng bộ. Tàu hiện đại, nhưng thuyền trưởng, thuyền viên không ổn định, thiếu lao động, yếu tay nghề, nên một số tàu hoạt động chưa hiệu quả, trả nợ không đúng hạn. Một số tàu đóng mới cũng thường xuyên xảy ra sự cố kỹ thuật, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác của ngư dân…”.

Giãn nợ, chuyển đổi tàu cho người khác... là những giải pháp đang được nhiều địa phương đề xuất để tháo gỡ tình trạng nhiều ngư dân gặp khó với tàu cá xa bờ.

Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, ông Trần Đình Tùng cho hay, tỉnh đã báo cáo Chính phủ tình hình nợ xấu (hơn 200 tỷ đồng) liên quan đến tàu 67 trên địa bàn; kiến nghị xem xét cụ thể những trường hợp chậm trả nợ để gia hạn.

Trong khi đó, tại Quảng Trị, chính quyền địa phương vận động ngư dân chấp hành theo hợp đồng đã ký với ngân hàng, vì đây là hợp đồng dân sự, nên tỉnh không thể can thiệp.

“Cùng với vận động ngư dân tích cực trả nợ, chúng tôi đề nghị phía ngân hàng chia sẻ với bà con. Việc khởi kiện, thu hồi tàu không có lợi cho cả hai phía”, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói.

Hà Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục