Trả lời:
Theo quy định tại Nghị định 67, đối tượng vay vốn là các chủ tàu đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể, được Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương phê duyệt; có nhu cầu vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ và vay vốn lưu động phục vụ khai thác hải sản xa bờ.
Việc cho vay theo Nghị định 67 được thực hiện theo quy định chung về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng (hiện nay là Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2017 của NHNN). Ngoài ra, chủ tàu vay vốn phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Đối với cho vay đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần khai thác hải sản:
+ Tàu đóng mới phải có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên; nâng cấp tàu có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên và nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên;
+ Chủ tàu có tên trong danh sách phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể;
+ Chủ tàu cam kết mua đầy đủ bảo hiểm theo quy định đối với thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu (bảo hiểm mọi rủi ro) sau khi hoàn thành việc đóng mới, nâng cấp tàu và trước khi đưa vào sử dụng;
+ Phương án vay vốn được ngân hàng thương mại thẩm định có hiệu quả, khả thi.
- Đối với cho vay vốn lưu động:
+ Chủ tàu đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và phương án sản xuất kinh doanh cụ thể;
+ Phương án vay vốn được ngân hàng thương mại thẩm định có hiệu quả, khả thi.