Tasco có nhiều sai sót tại Dự án BOT Quốc lộ 1 qua Quảng Bình

Không chỉ chấp hành chưa nghiêm các quy định quản lý nhà nước, Công ty cổ phần Tasco còn để xảy ra nhiều sai sót về chất lượng tại Dự án BOT đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Tasco chấn chỉnh công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, trong đó có hạng mục thí điểm công nghệ thu phí không dừng, cân tải trọng xe. Ảnh: Đức Thanh Kiểm toán Nhà nước đề nghị Tasco chấn chỉnh công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, trong đó có hạng mục thí điểm công nghệ thu phí không dừng, cân tải trọng xe. Ảnh: Đức Thanh

Dấu ấn “xám”

Cho đến thời điểm này, trong số các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ được Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán thì Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km597+549 - Km605 và đoạn Km617 - 641, tỉnh Quảng Bình theo hình thức hợp đồng BOT có kết quả vào loại “tối” nhất.

Đây là dự án do Công ty cổ phần Tasco - một trong những đơn vị có kinh nghiệm làm các công trình hạ tầng theo hình thức xã hội hóa, làm nhà đầu tư; Ban quản lý dự án 6 được giao làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Dự án có mục tiêu nâng cấp 30 km Quốc lộ 1 từ 2 làn lên 4 làn xe, bề rộng nền đường 20,5m, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 2.004 tỷ đồng. Theo Thông báo số 142/TB - KTNN vừa được Kiểm toán Nhà nước ban hành, “dấu ấn” mà Tasco để lại tại Dự án là khá quan ngại.

Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, trong phần công địa tại Dự án có tới 6 đoạn đường bê tông asphalt đã bị hư hỏng, lằn lún vệt có độ sâu lớn hơn 2,5 cm với tổng diện tích 15.600 m2. Tính đến giữa tháng 10/2015 - thời điểm Kiểm toán bắt đầu vào cuộc và sau 4 tháng thông xe, Tasco mới “chữa cháy” bằng cách cào tạo phẳng đảm bảo giao thông 6.200 m2, phần còn lại chưa được xử lý.

Công tác lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng do Tasco thực hiện cũng được phát hiện là có khá nhiều “sạn”. Kiểm toán Nhà nước cho rằng, đối với các gói thầu xây lắp, quá trình thực hiện đã không thực hiện đầy đủ Quyết định số 58/QĐ - Tasco ngày 22/7/2013 (kế hoạch này đã báo cáo Ban quản lý dự án 6 và Bộ GTVT theo quy định của Hợp đồng BOT).

Trong số các phân đoạn tại Dự án, chỉ có đoạn Km617 - Km625 + 300 được thi công bởi Công ty cổ phần Xây dựng Tasco (Công ty con của Tasco), các đoạn còn lại, nhà đầu tư đã giao cho một số đơn vị khác như: Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí PVC Trường Sơn thi công đoạn Km597 + 549 - Km600; Công ty cổ phần Hùng Đức thi công đoạn Km600 - Km650; Công ty cổ phần Bắc Phương thi công đoạn 626 + 700 - Km632…

Đối với các gói thầu thiết bị, Tasco thậm chí còn tổ chức thực hiện khi chưa lập, thẩm định phê duyệt kế hoạch đấu thầu và lựa chọn nhà thầu; chưa gửi thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu cho Bộ GTVT theo quy định khoản 21.1, điều 21 của Hợp đồng số 12818/HĐ.BOT - BGTVT được ký với Bộ GTVT vào ngày 28/11/2013.

“Trách nhiệm này thuộc về Công ty cổ phần Tasco và đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là Ban quản lý dự án 6”, Phó tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành kết luận.

Nguy cơ thất thoát phí

Được biết, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện giảm trừ số tiền 3,5 tỷ đồng; trong đó sai khối lượng là 1,96 tỷ đồng, sai định mức là 0,55 tỷ đồng, sai đơn giá là 0,98 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sai sót là do trong quá trình nghiệm thu thanh toán cho các nhà thầu, tư vấn giám sát, Tasco đã “lỏng tay” trong việc kiểm soát khâu tính toán lại khối lượng theo hồ sơ hoàn công. Đặc biệt, qua kiểm tra công tác quản lý lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí, Kiểm toán phát hiện quy định hiện hành của Nhà nước để quản lý số lượng phương tiện qua trạm thu phí chưa đầy đủ, không đảm bảo chặt chẽ.

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc xác định chỉ tiêu lưu lượng phương tiện trong quá trình lập phương án tài chính chỉ căn cứ vào kết quả khảo sát thực tế trong vòng… 2 ngày của đơn vị tư vấn, trong khi lưu lượng xe lưu thông thực tế trên các tuyến đường trong các ngày là khác nhau, không có quy luật, phụ thuộc vào nhu cầu, thời tiết. Đó là chưa kể đến việc, có rất nhiều phương tiện cá nhân qua trạm thu phí không lấy vé, do vậy có rủi ro tiềm tàng khá lớn về số liệu báo cáo tài chính liên quan đến số lượng phương tiện và doanh thu thực tế của doanh nghiệp thu phí.

Được biết, vào tháng 10/2015, Bộ GTVT đã có quyết định giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương xây dựng biện pháp quản lý, kiểm soát, giám sát chống thất thoát doanh thu tại trạm thu phí BOT. Tuy nhiên, cho đến thời điểm Kiểm toán Nhà nước ra thông báo kết luận, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường bộ vẫn chưa thực hiện yêu cầu này.

Đối với các sai sót, tồn tại của Dự án, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ GTVT yêu cầu Tasco rút kinh nghiệm trong việc chưa thực hiện đầy đủ quy định đối với công tác lựa chọn nhà thầu; tiến hành giảm thanh toán 3,5 tỷ đồng khi quyết toán.

Điều đáng lưu ý là Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT bị đề nghị kiểm điểm trách nhiệm do chưa đưa ra được các giải pháp khắc phục triệt để việc thiết kế cơ sở có cao độ mặt đường cao hơn cao độ nền nhà dân bên đường tại một số đoạn tại Dự án.

“Các đơn vị liên quan phải báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị về Kiểm toán Nhà nước trước ngày 30/6/2016”, ông Thành yêu cầu.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục