Tập trung thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm các loại hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ dễ trà trộn vào thị trường, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Tập trung thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm cuối năm

Theo thông lệ, vào những tháng cuối năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao cũng kéo theo nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Nếu không kiểm soát tốt, tình trạng mất an toàn thực phẩm sẽ diễn biến phức tạp.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, trong tháng 10/2024, cả nước ghi nhận 10 vụ ngộ độc thực phẩm, với 183 người bị ảnh hưởng, trong đó có 1 người tử vong. Tính chung 10 tháng của năm 2024, cả nước xảy ra 99 vụ ngộ độc với 3.561 người bị nhiễm độc, trong đó có 12 trường hợp tử vong.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã kiểm tra 5.820 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố từ đầu năm 2024, bao gồm các cơ sở tại lễ hội, hội chợ, khu du lịch và các điểm công cộng. Kết quả kiểm tra cho thấy, có 83,7% cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, hơn 16% vi phạm quy định và bị xử phạt.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng kiểm tra 35.146 lượt cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố, với 84,5% đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Những cơ sở vi phạm đã bị nhắc nhở và xử phạt.

Mới đây, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra cơ sở Bò nhúng dấm 555 (địa chỉ: 138A, phường Giảng Võ, quận Ba Đình). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Thanh tra Sở Y tế đã ra quyết định xử phạt chủ cơ sở với số tiền 12,5 triệu đồng.

Tương tự, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thế giới hải sản (số 06/H1, Khu đô thị mới Yên Hòa, quận Cầu Giấy) bị phát hiện vi phạm quy định về chế độ kiểm thực 3 bước (gồm kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, kiểm tra quá trình chế biến, kiểm tra trước khi sử dụng) và không lưu mẫu thức ăn đúng quy định. Công ty này đã bị phạt 16 triệu đồng.

Trong tuần qua, lực lượng quản lý thị trường TP. Hà Nội ra quân kiểm tra và thu giữ gần 70.000 lọ nước yến chưng không nhãn mác và hơn 1,6 tấn chân giò lợn không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Đây là một hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn thực phẩm vào dịp cuối năm.

Mặc dù đã phân cấp quản lý an toàn thực phẩm đến các địa phương, nhưng nhiều vụ ngộ độc tập thể vẫn xảy ra, cho thấy thiếu sót trong công tác kiểm tra và quản lý. Một số cơ sở hoạt động không có giấy phép kinh doanh, chỉ bị phát hiện khi gây ra vụ ngộ độc lớn.

Sau 12 năm Luật An toàn thực phẩm được ban hành, cùng với Nghị định 15/2018/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn, hiện có 3 cơ quan cùng tham gia quản lý thực phẩm là Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, sự phân cấp chưa rõ ràng, dẫn đến tình trạng chồng chéo, giảm hiệu quả giám sát.

Bộ Y tế cũng ghi nhận nhiều cơ sở chưa tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều cơ sở không đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên và không tuân thủ quy trình kiểm thực 3 bước.

Việc không tuân thủ quy trình vệ sinh trong chế biến, bảo quản và vận chuyển thực phẩm cũng là một yếu tố nguy cơ lớn. Các thao tác như rửa tay không đúng cách, dụng cụ nhà bếp không được vệ sinh sạch sẽ, hoặc thực phẩm không được nấu chín kỹ có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến nguy cơ ngộ độc.

Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể.

“Hà Nội cam kết ngăn chặn việc lưu thông các sản phẩm không an toàn, yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải có biện pháp khắc phục nếu muốn tiếp tục hoạt động. Thành phố cũng sẽ công khai thông tin về các cơ không đạt yêu cầu an toàn thực phẩm trên các phương tiện truyền thông để người dân biết và lựa chọn thực phẩm an toàn”, ông Phong khẳng định.

Tương tự, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin, những tháng cuối năm, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra các “điểm nóng” về gian lận thương mại, đặc biệt chú trọng đến việc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên các nền tảng thương mại điện tử, lĩnh vực đang gây nhiều lo ngại về sự khó kiểm soát.

Mộc An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục