Tập trung giám sát IPO mới chống được thất thoát tài sản

Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 vừa được các đại biểu Quốc hội thảo luận đã chỉ ra rất nhiều bất cập của khu vực kinh tế này.
Khách sạn Kim Liên nằm trong khu “đất vàng” của Thủ đô. Ảnh: Đức Thanh. Khách sạn Kim Liên nằm trong khu “đất vàng” của Thủ đô. Ảnh: Đức Thanh.

Lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước không bằng lãi suất tiết kiệm

Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ.

Tổng tài sản và vốn tăng, nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước tăng chậm (bình quân 3%/năm), trong khi tổng số nợ phải trả cao (tăng 26% so với năm 2011), nên chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. 

Hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 2,1% - thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (5,5%).

Hiệu quả đầu tư cũng đạt thấp so với doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với hệ số ICOR của khối doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2011 - 2016 cao hơn nhiều so với hai khu vực doanh nghiệp còn lại (năm 2016, cao gấp 1,58 lần so với doanh nghiệp ngoài nhà nước, 1,86 lần so với doanh nghiệp FDI).

Ngoài ra, tỷ suất lợi nhuận của khu vực 100% vốn nhà nước giảm trong giai đoạn 2011 - 2016, với tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm 39%, tỷ suất lợi nhuận/tài sản (ROA) giảm 30%. Một số doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng. 

Điều đáng nói là, tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước không chỉ xảy ra tại các doanh nghiệp nhỏ, mà xảy ra tại nhiều “quả đấm thép” của nền kinh tế như PVN, Vinachem,  Vinacomin…, khiến dư luận xã hội bất bình.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Hoàng Quang Hàm cho biết, cử tri huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) rất bức xúc khi mà 50 ha “bờ xôi, ruộng mật” của người dân đã phải “hiến” cho Nhà máy Ethanol Phú Thọ, nhưngdự án này đã dừng triển khai 5 - 6 năm nay,  khi đã bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng đầu tư. 

Nhà máy Ethanol Phú Thọ chỉ là một trong hàng chục dự án đầu tư thua lỗ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo ông Hàm, cần rà soát và tập trung xử lý dứt điểm các công trình, dự án do doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. 

Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tồn tại, hạn chế trong quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp ngày càng nghiêm trọng, đã dẫn đến những hậu quả nặng nề, khó khắc phục. 

Theo ông Sơn, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này xuất phát từ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước còn lỏng lẻo, chủ yếu căn cứ vào các báo cáo của doanh nghiệp mang tính thống kê, báo cáo, kể công thành tích thay vì chỉ rõ hạn chế, tồn tại để tìm cách khắc phục.

Tham gia thảo luận Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, cũng như hầu hết các đại biểu khác, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, ông Hoàng Văn Cường rất bức xúc trước việc thất thoát tài sản nhà nước tại không ít doanh nghiệp nhà nước. 

“Kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến thua lỗ, làm thất thoát tài sản nhà nước là do trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp yếu kém. Điều đáng nói là, doanh nghiệp lỗ, nhưng không thấy ai phải chịu trách nhiệm, chưa có ai bị mất chức hay xử lý hình sự vì quản lý yếu kém để doanh nghiệp lỗ”, ông Cường nói.

Có thất thoát vốn nhà nước trong xác định giá trị doanh nghiệp khi CPH?

Dẫn chứng trường hợp giá khởi điểm bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty cổ phần Khách sạn Kim Liên chỉ có 30.600 đồng, giá cổ phần trúng đấu giá lên đến 274.200 đồng, hay giá khởi điểm Công ty cổ phần Ong trung ương là 15.000 đồng, giá cổ phần trúng đấu giá 116.000 đồng, theo ông Nguyễn Minh Sơn, là đã có hiện tượng thất thoát tài sản nhà nước do không tính giá trị lợi thế quyền sử dụng đất thuê vào giá trị doanh nghiệp. 

Theo ông Sơn, nhiều doanh nghiệp nắm giữ vị trí đắc địa, có diện tích rất lớn, nhưng không tính vào giá trị doanh nghiệp. Vì thế, nhà đầu tư sẵn sàng trả giá gấp nhiều lần giá khởi điểm - được xác định trên giá trị doanh nghiệp do tổ chức có chức năng xác định giá trị doanh nghiệp tư vấn. 

“Xác định giá trị doanh nghiệp chưa sát thị trường, Nhà nước có mất vốn không?”, ông Phạm Quang Dũng (đại biểu tỉnh Nam Định) nêu vấn đề. Giá trị doanh nghiệp gồm giá trị vô hình và giá trị hữu hình.

Với giá trị vô hình của doanh nghiệp (thương hiệu, kinh nghiệm, bề dày lịch sử…), theo ông Dũng, ngay cả tổ chức thẩm định giá có kinh nghiệm trên thế giới cũng khó xác định; còn giá trị hữu hình, đối với doanh nghiệp Việt Nam, đó chủ yếu là giá trị quyền sử dụng đất.

Giá trị quyền sử dụng đất cũng khó có thể định giá một cách chính xác, vì mỗi mảnh đất định vị ở một vị trí khác nhau. Vì vậy, xác định giá trị doanh nghiệp chỉ mang tính tương đối, làm cơ sở xây dựng giá khởi điểm khi IPO.

“Không có chuyện thất thoát trong xác định giá trị doanh nghiệp, mà thất thoát (nếu có) nằm ở khâu IPO. Tôi cho rằng, cần tập trung giám sát quá trình IPO mới chống được thất thoát tài sản nhà nước khi CPH, chứ không phải là việc xác định giá trị doanh nghiệp, vì giá trị doanh nghiệp do thị trường xác định khi IPO được thực hiện công khai, minh bạch”, ông Dũng phát biểu.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Trần Văn Minh  cho rằng, xác định giá trị doanh nghiệp còn thiếu chính xác cũng có khả năng dẫn tới thất thoát tài sản nhà nước.

“Việc xác định giá trị doanh nghiệp không chính xác, một phần do quy trình thực hiện không hợp lý; năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá trị còn… non. Và không loại trừ cả động cơ trục lợi trong việc định giá doanh nghiệp thấp quá xa so với giá trị thực tế trên thị trường", ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, để bảo đảm giá trị doanh nghiệp được xác định sát giá thị trường, cần có quy định chế tài cụ thể đối với trường hợp tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về xác định giá trị doanh nghiệp;

Nghiêm cấm và xử lý nghiêm trường hợp cố tình xác định giá trị doanh nghiệp để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn của Nhà nước.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cũng cho rằng, việc xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp trước khi CPH gây bức xúc trong dư luận xã hội vì gây ra thất thoát tài sản nhà nước.

Theo bà Tuyết, tình trạng doanh nghiệp sau khi CPH không sử dụng “đất vàng” đúng phương án CPH đã được phê duyệt, mà phục vụ liên doanh, liên kết, cho đơn vị khác thuê để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, trái với quy hoạch sử dụng đất diễn ra không hiếm. 

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương sớm rà soát và thu hồi những diện tích đất mà doanh nghiệp sử dụng chưa phù hợp, không đúng quy hoạch, đồng thời chấn chỉnh cách tính giá thuê đất sát với giá thị trường để tránh gây thất thoát tài sản nhà nước và tạo ra bức xúc trong dư luận xã hội”, bà Tuyết đề xuất.

“Doanh nghiệp CPH phải rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng”

Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trong thời gian CPH trước đây, đặc biệt trước khi có Nghị định 01/2017/NĐ-CP, nguyên nhân chính dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước từ nguồn lực đất đai là do nhiều doanh nghiệp sau khi CPH sử dụng đất đai không lớn như trong phương án CPH trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, khiến việc khai thác, sử dụng đất đai được giao, cho thuê lãng phí.

Sau khi chuyển thành công ty cổ phần, nhiều doanh nghiệp đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất với lý do rất hợp lý là để tránh lãng phí. Diện tích đất được chuyển đổi mục đích sử dụng không đem ra đấu giá công khai, mà thu tiền sử dụng đất theo giá do UBND cấp tỉnh quy định thường có giá thấp hơn nhiều so với giá đất giao dịch trên thị trường.

Trước tình hình đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 01/2017/NĐ-CP, trong đó quy định, doanh nghiệp CPH có trách nhiệm phải rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi CPH.

Đối với doanh nghiệp CPH trước khi Nghị định 01/1/2017/NĐ-CP có hiệu lực, chúng tôi đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm tra tất cả các dự án đang sử dụng “đất vàng”, nếu phát hiện việc được giao, cho thuê diện tích đất nào đó thiếu minh bạch, xác định giá đất không phù hợp phải có những biện pháp xử lý thích hợp.

“Doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả do "vừa đá bóng, vừa thổi còi””

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương:

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả là do có hiện tượng "vừa đá bóng, vừa thổi còi". 

Cụ thể, hàng loạt chủ trương, cơ chế, chính sách trong phát triển các lĩnh vực kinh tế, ngành kinh tế cũng như quy hoạch và chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực không phải do cơ quan quản lý nhà nước đề xuất, nghiên cứu, xây dựng, mà do chính doanh nghiệp nhà nước đề xuất, nghiên cứu và xây dựng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi” dẫn đến tình trạng chất lượng dự án đầu tư, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hiệu quả thấp. Trong quá trình tổ chức triển khai dự án, có hiện tượng lãng phí, thậm chí sai phạm.Phải đẩy mạnh quá trình CPH một cách thực chất.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:

Những kết quả yếu kém ở khu vực doanh nghiệp nhà nước so với khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tồn tại trong một thời gian dài và phổ biến không chỉ ở nước ta, mà ở tất cả các nền kinh tế trên thế giới.

Điều đó cho thấy, nguyên nhân gốc rễ nằm ở vấn đề sở hữu và động lực phát triển doanh nghiệp.

Nếu tỷ trọng sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp vẫn được duy trì ở mức cao (bình quân 81,1%), thì những nỗ lực cải cách khác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước như hoàn thiện hệ thống pháp lý cho bớt chồng chéo, tăng tính chủ động của doanh nghiệp, xác lập tiêu chí đánh giá hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp hay tăng cường công tác thanh tra kiểm tra cũng không có nhiều ý nghĩa và không thể đem lại kết quả như mong muốn. 

Theo tôi, phải đẩy mạnh quá trình CPH một cách thực chất và thoái vốn nhà nước ra khỏi hầu hết các lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không cần nắm giữ.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục