Tiền thu từ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước bị chiếm dụng

Xác định sai giá trị doanh nghiệp, cố tình bán bớt vốn Nhà nước trước khi chuyển về cho SCIC... là những lý do cản đường cổ phần hoá.
Quá trình thoái vốn Nhà nước ghi nhận trường hợp cố tình xác định sai giá trị doanh nghiệp để trục lợi. Quá trình thoái vốn Nhà nước ghi nhận trường hợp cố tình xác định sai giá trị doanh nghiệp để trục lợi.

Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể về báo cáo giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Theo kết quả giám sát, đã có 571 doanh nghiệp cổ phần hoá trong 6 năm qua, các chỉ số kinh doanh tại hầu hết doanh nghiệp Nhà nước đều tăng sau bán vốn Nhà nước, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu 29%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%... 

Đến cuối 2015, các tập đoàn tổng công ty Nhà nước đã thoái vốn được gần 10.000 tỷ đồng, thu về hơn 11.000 tỷ đồng cho ngân sách. 

Song không phải việc cổ phần hoá ở mọi nơi đều diễn ra thuận lợi. Quá trình định giá doanh nghiệp tại một số đơn vị chưa theo đúng nguyên tắc thị trường, dẫn tới sai lệch nhằm trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn Nhà nước. 

Báo cáo của Quốc hội minh chứng bằng trường hợp xảy ra tại Công ty TNHH MTV Tổng cổng ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVCab) và Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV), Kiểm toán Nhà nước xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm gần 15.700 tỷ đồng, trong đó Saigontourist tăng 12.018 tỷ đồng và VTVCab hơn 3.666 tỷ. 

Ngoài ra, có doanh nghiệp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường.

Thực tế này xảy ra tại Vinaconex, khi doanh nghiệp chưa tính giá trị khu đất, tài sản trên đất số 47 Điện Biên Phủ (TP HCM) vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá, UBND TP HCM đã ban hành quyết định cho phép chuyển sang thuê đất trả tiền một lần.

Cũng liên quan tới giá trị đất đai, kết quả giám sát chỉ ra nhiều sai phạm khi doanh nghiệp sử dụng quyền sử dụng đất để góp vốn sản xuất, kinh doanh với nhà đầu tư khác nhưng lại thỏa thuận giá trị thấp hơn giá theo thị trường.

Một số doanh nghiệp khác thì sử dụng nhiều diện tích đất tại nhiều địa phương chưa thống nhất được phương án sử dụng đất với địa phương trước khi cổ phần hóa, vụ lùm xùm tại Hãng phim truyện Việt Nam là một ví dụ.

Báo cáo giám sát cũng nêu, có trường hợp tập đoàn, tổng công ty cố tình chậm nộp tiền cổ phần hoá để chiếm dụng vốn, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp, phát triển doanh nghiệp sai mục đích. 

Danh sách này có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chậm nộp 1.922 tỷ đồng; Công ty Thuốc lá Thăng Long 58 tỷ đồng; Vinachem sử dụng không đúng mục đích, đối tượng khoản tiền 282 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp... 

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Dệt may (Vinatex), Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam…lại đem tiền Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp gửi ngân hàng, không hạch toán phần thu lãi tiền gửi này vào tăng Quỹ mà đưa vào  thu nhập, phân phối chi tiêu.

Đoàn giám sát của Quốc hội cũng phát hiện doanh nghiệp cố tình bán bớt vốn Nhà nước tại các công ty con, công ty liên kết trước khi bàn giao vốn của công ty mẹ về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), như Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Bộ Công Thương) bán bớt vốn nhà nước tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân;

Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thoái vốn tại Công ty cổ phần Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc. 

Hay Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GELEX) đã không bàn giao về SCIC mà phát hành thêm cho cổ đông chiến lược là Công ty Chứng khoán Bản Việt để tăng vốn điều lệ từ 1.400 tỷ lên 1.550 tỷ đồng, làm giảm vốn nhà nước từ 87,17% xuống 78,74% vốn điều lệ…

Hạn chế tiếp theo được nêu trong báo cáo giám sát của Quốc hội, có những doanh nghiệp thua lỗ, vướng mắc về quyền lợi của các cổ đông... nên rất khó cổ phần hóa thành công. Nhiều trường hợp không thể cổ phần hóa được nếu không có biện pháp tháo gỡ, đoàn giám sát nhấn mạnh. 

Danh sách này gồm Đạm Ninh Bình, Nhôm Lâm Đồng, Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất, Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội)...

Chia sẻ với báo chí, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển - Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội nhấn mạnh, điểm nhấn giám sát lần này phải chỉ ra được những cơ chế, chính sách hiện đã đủ điều kiện, là “điểm tỳ pháp lý” cho các doanh nghiệp Nhà nước hay chưa?

Do đó, đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cấm và xử lý nghiêm các trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước, cũng như làm rõ kết quả xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu.

Các Bộ được đề nghị bàn giao phần vốn hiện quản lý về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo lộ trình; nộp đầy đủ các khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định...


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục