Tập trung cho giải pháp tái khởi động kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
Thu hút dòng vốn đầu tư mới, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu và rộng vào chuỗi giá trị là những cơ hội để Việt Nam tái khởi động kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
Tập trung cho giải pháp tái khởi động kinh doanh

Việt Nam là cơ hội trong xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị

Theo khảo sát của EY Capital Confidence Barometer (thành viên Ernst & Young - một trong Big Four kiểm toán) thực hiện đầu năm 2020, khoảng 74% các doanh nghiệp Nhật Bản được khảo sát cho rằng họ sẽ thay đổi chuỗi cung ứng hiện có sau đại dịch Covid-19. “Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam thu hút vốn đầu tư từ dự định này”, các chuyên gia của EY Việt Nam nhận định.

Đó cũng là lý do để Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cùng EY Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ trong tuần qua, nhằm thúc đẩy các cơ hội đầu tư hướng tới các nhà đầu tư là khách hàng, đối tác của EY trên toàn thế giới mong muốn đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Với mức tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 2,12%, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức tăng trưởng dương duy nhất ở khu vực ASEAN và là một trong số ít quốc gia, vùng lãnh thổ đạt mức tăng trưởng dương trên thế giới. Bức tranh kinh tế khởi sắc ngay trong thời điểm khó khăn nhất, phần nào làm vơi bớt những lo ngại trước đó về khả năng tăng trưởng GDP thấp của quý II có thể chưa phải là mức đáy, nếu các hoạt động kinh tế không có chuyển mình rõ rệt trong quý III.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, nền kinh tế nước ta đã đi qua đáy trong quý II/2020 và đang phục hồi theo hình chữ V. Những “điểm sáng” được người đứng đầu Chính phủ chỉ ra là kỷ lục xuất siêu 17 tỷ USD, hay thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 21 tỷ USD trong bối cảnh khó khăn.

“Việt Nam cũng ưu tiên các dự án công nghệ tiên tiến, dự án xanh, dự án có hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Ông David John Whitehead, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (AusCham) cho biết, giống như các công ty khác trên thế giới vào thời điểm này, doanh nghiệp Australia đang rà soát, đánh giá và định hình lại hoạt động ở phạm vi trong nước cũng như nước ngoài. “Tuy vậy, một số doanh nghiệp Australia, đặc biệt là những doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững chắc, quản lý thông minh và hỗ trợ công nghệ tiên tiến, sẽ tận dụng được lợi thế trong bối cảnh này để đẩy mạnh đầu tư, phát triển tại Việt Nam cùng các nước lân cận”, ông Whitehead cho hay.

Đề cập Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, việc thực thi đầy đủ một hiệp định toàn diện và tham vọng như vậy có thể thúc đẩy sản xuất, thương mại và đầu tư phát triển trở lại và tạo điều kiện cho Việt Nam phục hồi nền kinh tế nhanh hơn và bước sang trạng thái bình thường mới.

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh

Để đón cơ hội từ làn sóng dịch chuyển chuỗi giá trị, trong những năm qua, Việt Nam đã “bền bỉ” cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2020, có 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, trên 6.776/9.920 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, đơn giản hóa; tổng chi phí xã hội tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương khoảng 6.300 tỷ đồng.Ngoài ra, các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.

Nghị quyết 68/NQ-CP được Thủ tướng ký ban hành tháng 5/2020 xác định, trong giai đoạn 2020 - 2025 sẽ cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan hoạt động kinh doanh.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng công tác cải cách thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Kết quả cải cách đó đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong các xếp hạng thế giới, cụ thể như: Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế và xếp thứ 5 trong ASEAN; Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 do Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018 -2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 trong ASEAN; Tạp chí US News & World Report xếp Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc 10 quốc gia tốp đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư.

Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, các thành viên của tổ chức này mong muốn được tham gia thoái vốn nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng. “Chúng tôi mong sớm nhận được hướng dẫn minh bạch về việc gỡ bỏ giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các trường hợp này”, đại điện AmCham nói.

Ông Sudo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, ông từng có dịp tới thăm một địa phương của Việt Nam cùng với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và được lãnh đạo tỉnh giải thích về sáng kiến của họ trong việc đặt ra tôn chỉ “lời hứa”. Đó là đảm bảo cung cấp điện 24/24 giờ; cấp giấy phép đầu tư trong vòng 3 ngày làm việc; đơn giản hóa thủ tục hành chính; hỗ trợ tạo điều kiện thay đổi giấy phép đầu tư và thủ tục mở rộng kinh doanh, thiết lập đường dây nóng tại UBND tỉnh...

“Tôi vô cùng ngạc nhiên và ấn tượng, bởi những ‘lời hứa’ này gần như bao hàm hầu hết các thách thức mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình phát triển kinh doanh tại Việt Nam”, ông Sudo chia sẻ.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục