Chị Ngọc, một nhà đầu tư chứng khoán có thâm niêm 7 năm trên TTCK cho biết, mỗi khi một tổ chức nước ngoài nào đó đưa ra cảnh báo như TTCK Việt Nam đã quá “nóng”, chỉ số P/E quá cao… thì thị trường lập tức điều chỉnh giảm, thậm chí còn giảm mạnh hơn nếu thị trường đang nằm trong xu hướng điều chỉnh. Đơn cử như việc chỉ số VN- Index đã mất gần 100 điểm ngay sau khi Tổ chức Merrill Lynch đưa ra thông tin bất lợi cho TTCK Việt Nam . Tuy nhiên, trong lúc thị trường giảm mạnh, nhà đầu tư trong nước “bán tháo” cổ phiếu thì khối nhà đầu tư nước ngoài lại tăng cường mua vào.
Quá trình mua cổ phiếu với giá thấp của họ kéo dài tới vài tháng cho thấy đến nay, những nhà đầu tư này đã thu lợi nhuận đáng kể khi thị trường phục hồi trở lại. Với kết quả đó, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ thể hiện được đẳng cấp chuyên nghiệp của mình, mà còn chứng minh hiệu quả của quá trình đầu tư trung và dài hạn. Tất nhiên, nguồn vốn dồi dào của những nhà đầu tư này là một lợi thế mà những nhà đầu tư trong nước khó có được. Theo các chuyên gia chứng khoán, để tận dụng được lợi thế so sánh về vốn cũng như thu gom được cổ phiếu ở mức giá rẻ thì nhà đầu tư nước ngoài cần có những thông tin hỗ trợ. Việc họ tận dụng các tổ chức nước ngoài để tạo sức ép tâm lý và tạo dư luận là cách làm tất yếu. Điều này được thực hiện ở nhiều TTCK trên thế giới.
Riêng đối với TTCK Việt Nam, việc đưa thông tin và những phân tích theo hướng “tiêu cực” ra công chúng dưới hình thức cung cấp riêng cho những nhà đầu tư của các tổ chức là “mánh” của một số tổ chức nước ngoài. Thực ra, cách làm này đã khá phổ biến ở những giai đoạn thị trường phát triển và điều chỉnh trước đây. Cụ thể, sau sự kiện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo rằng, TTCK Việt Nam đang phát triển quá nóng thì đầu năm 2007, các chỉ số chung lập tức giảm mạnh. Lúc đó, chỉ số P/E mà tổ chức này thu thập và phân tích từ 20 công ty đứng đầu có số vốn chiếm tới 99% thị trường là 73. Đây là một chỉ số vô cùng cao, nhưng điều đáng nói là chỉ số này đã được các đơn vị của Việt Nam “đính chính” và thị trường đã kịp phục hồi sau khi VN - Index rơi mất hơn 100 điểm. Và thực tế, như một kịch bản được dựng sẵn, vào thời điểm đó, khối nhà đầu tư nước ngoài cũng đã “vớ” được một “mớ” cổ phiếu giá rẻ nhờ tăng mua, giảm bán.
Qua thực tế nêu trên, có người ví von rằng, nhận định và phân tích của một số tổ chức nước ngoài có nhiều “tạp âm”. Đáng nói là thứ “tạp âm” này lại tồn tại khá lâu. Vừa qua, một tờ báo điện tử đã viết lại và phân tích bài viết của một tác giả đăng trên tờ nhật báo tài chính lớn nhất nước Mỹ. Báo điện tử nêu trên nhắc lại và cho rằng, chỉ số P/E “nghiệt ngã” trước đây là môt… kết quả đúng. Đến nay, tuy không thể đo được mức độ tin tưởng của giới đầu tư nước ngoài, nhưng sự phản hồi và thắc mắc về chỉ số trên đã được giới đầu tư trong nước nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần. Gần đây, “tạp âm” này được nhắc tới trong buổi giới thiệu về chỉ số VN30 Index- một chỉ số được coi là phản ánh chính xác hơn hiệu quả đầu tư tổng thể trên TTCK Việt Nam của Quỹ đầu tư Dragon Capital. Từ đó, nhiều nhà đầu tư tỏ ra e ngại về tính trung thực của chỉ số trên vì nó bao hàm cho cả 3 thị trường gồm Hà Nội, TP HCM và OTC, nhất là khi nguồn thông tin được Dragon Capital thu thập chủ yếu từ hai công ty chứng khoán.
Theo giới phân tích, việc Dragon Capital tung ra thị trường chỉ số VN30 Index là một yếu tố tích cực, giúp nhà đầu tư có sự so sánh tốt hơn giữa các mã chứng khoán với nhau hay các mã chứng khoán với chỉ số chung của thị trường. Vì thế, sự nghi ngờ của giới đầu tư về những thông tin của các tổ chức nước ngoài nói chung và Dragon Capital nói riêng cho thấy, tác động của những “tạp âm” vẫn ảnh hưởng lớn tới tâm lý của nhà đầu tư. Có thể nói, thận trong trước những nguồn tin từ nước ngoài sẽ là việc không thừa với các nhà đầu tư chứng khoán trong nước.ª