
Bà có chia sẻ gì về kết quả “đại chúng hoá” chứng chỉ quỹ tới công chúng đầu tư. Thành tích này tại SSIAM ra sao?
Ngành quản lý quỹ Việt Nam thời gian qua đã phát triển mạnh mẽ, trở nên đại chúng hơn rất nhiều. Số lượng tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ mở năm 2024 tăng 26% so với năm 2023, đạt 1,6 triệu tài khoản. Năm 2024, quy mô của các quỹ mở cũng tăng gấp hơn 2 lần, đạt khoảng 54.000 tỷ đồng, với sự tham gia sâu và rộng hơn của nhà đầu tư.
![]() |
Bà Tô Thùy Linh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) |
Dòng tiền ròng chảy vào các quỹ mở cổ phiếu, quỹ cân bằng và quỹ trái phiếu trên toàn thị trường đạt hơn 19.000 tỷ đồng năm 2024, cho thấy sức hút của sản phẩm quỹ mở với công chúng tăng lên mạnh mẽ. Thành quả này cũng đến từ hiệu suất đầu tư vượt trội của các quỹ mở. Năm 2024, 23 quỹ mở cổ phiếu trên thị trường đạt tỷ suất lợi nhuận cho khách hàng ở mức hai con số và vượt trội so với mức tăng trưởng 12,1% của VN-Index. Một số quỹ đạt hiệu suất đầu tư lên tới trên 30%/năm.
Tại SSIAM, chúng tôi ghi nhận số lượng nhà đầu tư vào các quỹ mở tăng phi mã, đạt 130.000 nhà đầu tư năm 2024, tăng 120% so với năm 2023. Đặc biệt, chúng tôi quan sát thấy một số lượng khá lớn nhà đầu tư trẻ tuổi bắt đầu tham gia vào quỹ với số vốn có thể rất nhỏ. Chúng tôi vui mừng vì những nỗ lực tạo niềm tin cho nhà đầu tư với quỹ mở đã mang lại thành quả, để nhà đầu tư hiểu rằng sự tích lũy nhỏ cùng với thời gian sẽ tạo nên kết quả lớn.
Tại SSIAM, chúng tôi ghi nhận số lượng nhà đầu tư vào các quỹ mở tăng phi mã, đạt 130.000 nhà đầu tư năm 2024, tăng 120% so với năm 2023.
Cuối quý I/2025, số lượng nhà đầu tư quỹ mở ở SSIAM tiếp tục tăng trưởng với tốc độ hơn 35%/năm, lên 141.000 nhà đầu tư. Như tôi đã đề cập ở trên, hiệu suất đầu tư của các quỹ mở đóng vai trò quan trọng trong việc tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Năm 2024, Quỹ đầu tư lợi thế cạnh tranh bền vững SSI (SSI-SCA) và Quỹ Đầu tư tăng trưởng dài hạn Việt Nam (VLGF) của SSIAM đạt hiệu suất đầu tư 33,5% và 29,7%. Quỹ Đầu tư trái phiếu SSI (SSIBF) cho hiệu suất đầu tư vượt lãi suất ngắn hạn cùng kỳ hạn của ngân hàng.
Mặc dù tính đại chúng của quỹ mở đã tăng lên đáng kể, nhưng kết quả này còn rất nhỏ. Hiện nay, quy mô quỹ mở mới chỉ chiếm chưa đến 0,5% GDP và chúng tôi tin rằng quỹ mở sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Trong quá trình phát triển và vận hành quỹ, SSIAM nhận thấy nhu cầu, mong muốn chính của nhà đầu tư cá nhân là gì?
Phần lớn nhà đầu tư đều mong muốn tìm kiếm quỹ đầu tư an toàn, có hiệu suất đầu tư cao để nắm giữ. Khái niệm “an toàn” của nhà đầu tư đôi khi đồng nghĩa với việc quỹ luôn có lãi và việc đầu tư vào quỹ bị lỗ là khó chấp nhận với nhà đầu tư. Kỳ vọng này của nhà đầu tư là hoàn toàn dễ hiểu.
Trong quá trình vận hành, chúng tôi luôn hướng tới thông điệp cho khách hàng về các quỹ đầu tư hiệu quả, thay vì quỹ đầu tư an toàn, trong đó, lợi nhuận đi song hành với rủi ro và điều quan trọng là rủi ro được quản lý một cách chặt chẽ để quỹ có thể linh hoạt ứng biến trong một môi trường kinh tế - xã hội biến động. Ngoài ra, chúng tôi cũng thiết kế nhiều quỹ đầu tư với chiến lược đầu tư và tỷ lệ phân bổ tài sản khác nhau. Với các nhà đầu tư hướng tới bảo toàn nguồn vốn của mình có thể chọn đầu tư vào quỹ trái phiếu, với nhà đầu tư có xu hướng chấp nhận được rủi ro cao hơn có thể chọn các quỹ cổ phiếu.
Hiện nay, xu hướng nắm giữ chứng chỉ quỹ ngắn hạn vẫn khá phổ biến, dẫn tới dòng vốn thiếu bền vững vào các quỹ. Một mặt, chúng tôi trực tiếp phổ biến kiến thức tới nhà đầu tư, hoặc thông qua các đại lý phân phối khuyến khích nhà đầu tư đầu tư dài hạn hơn vào quỹ. Mặt khác, chúng tôi tăng cường mở rộng các đại lý phân phối trong nước và tiếp cận với các đối tác nước ngoài nhằm thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, qua đó, đa dạng hóa sở hữu của nhà đầu tư, ổn định hơn dòng vốn của quỹ.
Chính sách thuế quan diễn biến khó lường, ngành quỹ nói chung và SSIAM nói riêng đang chịu các áp lực ra sao?
Sự bất ổn trong chính sách thuế quan của Mỹ đang gia tăng rủi ro lên hoạt động thương mại toàn cầu và Việt Nam cũng không thoát khỏi ảnh hưởng từ các bất ổn đó. Ảnh hưởng của chính sách thuế quan và rủi ro của dòng vốn nước ngoài tạo áp lực rút vốn lên các quỹ có tỷ trọng sở hữu của khách hàng nước ngoài cao. Ngoài ra, ở một khía cạnh khác, nhà đầu tư nước ngoài thường ưu tiên nắm giữ tỷ trọng lớn các cổ phiếu niêm yết có vốn hóa lớn (Large cap) và cổ phiếu đầu ngành (Bluechip). Vì vậy, khi hoạt động rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài diễn ra mạnh mẽ sẽ ảnh hưởng đến thị giá của các cổ phiếu trên sàn chứng khoán, ảnh hưởng lên giá trị tài sản ròng của các quỹ.
Thời gian qua, trước những yếu tố rủi ro mới của nền kinh tế và thị trường chứng khoán, SSIAM đã thực hiện các hoạt động cơ cấu danh mục đầu tư kịp thời để hạn chế mức độ ảnh hưởng rủi ro lên danh mục đầu tư của Quỹ. Đồng thời, chúng tôi cũng nhanh chóng truyền thông với khách hàng về các rủi ro mới, mức độ ảnh hưởng của các biến số rủi ro và giải pháp của SSIAM trong việc duy trì mục tiêu mang lại giá trị gia tăng tài sản cho khách hàng trong dài hạn. Nhờ vậy, các quỹ mở của SSIAM không ghi nhận ảnh hưởng tiêu cực từ xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua.
Trong trung dài hạn, chúng tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng vững trước các khó khăn hiện hữu và quay trở lại xu hướng tăng trưởng tích cực, đến từ các trụ cột: Thứ nhất, nỗ lực đàm phán của Chính phủ để giảm mức thuế đối ứng chính thức, đi cùng kế hoạch đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết giữa Việt Nam và các đối tác thương mại lớn khác ngoài Mỹ; thứ hai, lộ trình cải cách tính hiệu quả của quy trình phê duyệt dự án đầu tư giúp gia tăng đóng góp của hoạt động đầu tư công và khu vực kinh tế tư nhân; thứ ba, xu hướng nâng cấp chuỗi cung ứng công nghệ - sản xuất nội địa sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong dài hạn.
Triển vọng thị trường chứng khoán tới đây, trong góc nhìn của SSIAM, sẽ như thế nào? Qua đó, nhà đầu tư nên phân bổ tài sản ra sao?
Trong thời gian tới, chiến lược phân bổ tài sản nên nghiêng nhiều hơn về yếu tố quản trị rủi ro khi mức độ biến động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn đang duy trì ở mức cao. Nhà đầu tư nên tập trung vào các yếu tố:
Một là, giảm mức độ ảnh hưởng lên danh mục của các doanh nghiệp niêm yết có mức độ ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp từ rủi ro thuế quan của Mỹ;
Hai là, tăng tỷ trọng các doanh nghiệp niêm yết ít chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thuế quan. Trong đó, chúng tôi nhìn thấy cơ hội từ các doanh nghiệp vốn hóa lớn thuộc ngành tài chính, thép, công nghiệp, công nghệ thông tin và tiện ích;
Ba là, phân bổ tỷ trọng vào các cổ phiếu có mức chiết khấu giá thị trường lớn so với giá mục tiêu.
SSIAM đã và đang triển khai theo các hướng này cho các quỹ mở của chúng tôi.