Cần tập trung đầu tư hạ tầng và kinh tế số
Hôm nay (21/2), lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành cùng đại diện các hiệp hội và hàng trăm doanh nghiệp tham dự Phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) năm 2022, nhằm tập trung thảo luận các biện pháp phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới.
Trao đổi tại Phiên kỹ thuật VBF 2022 hôm 18/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đại dịch vừa qua tác động mạnh đến doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì cùng các bộ, ngành tham mưu cho Thủ tướng nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Thủ tướng cũng đã thành lập 2 tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư và người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong năm qua, song nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương 2,58%, lạm phát được kiểm soát, các chính sách tài chính tiền tệ được điều hành linh hoạt, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội với quy mô hỗ trợ lớn. “Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình này”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đặt vấn đề.
Một trong các giải pháp được các nhóm công tác VBF tập trung thảo luận và đưa ra khuyến nghị để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển là thu hút vốn đầu tư vào các dự án quy mô lớn.
Theo ông Bruno Sivanandan, Thành viên Ban Quản trị Nhóm công tác Kinh tế số, trong khi các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh trực tiếp và tại chỗ gặp nhiều khó khăn trong đại dịch, những ngành nghề dựa trên nền tảng công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông như giải pháp họp trực tuyến, thương mại điện tử, dịch vụ trực tuyến, dịch vụ giao nhận đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ.
Ông Bruno Sivanandan cho biết, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào Việt Nam ngày càng tăng. Đặc biệt, ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ coi Việt Nam là điểm đến đầu tư tiếp theo.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghệ thông tin đạt 4 tỷ USD cho 2.355 dự án trong năm 2021, đứng thứ 10 về quy mô đầu tư và vẫn tiếp tục tăng. “Với xu hướng này, Việt Nam có cơ hội phát triển nền kinh tế số và phát triển phần mềm”, ông nhận định.
Đề cập nhu cầu vốn cho cơ sở hạ tầng trong thời gian tới, ông Trần Tuấn Phong, Đồng trưởng nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng cho biết, ước tính mỗi năm, Chính phủ Việt Nam có thể tài trợ từ 15 - 18 tỷ USD (tương đương 7% GDP) cho chi tiêu cơ sở hạ tầng trong tổng nhu cầu đầu tư hàng năm từ 25 - 30 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng (bao gồm cả ngành điện).
Do đó, mỗi năm, dự kiến Việt Nam thiếu tới 15 tỷ USD tài trợ cho hạ tầng, trong đó tài chính và tài trợ của khu vực tư nhân sẽ có vai trò thiết yếu khi trần nợ công của Việt Nam được thiết lập ở mức 60% GDP.
“Chìa khoá” vẫn là chính sách
“Chiến lược quan trọng nhất mà Chính phủ có thể áp dụng để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế - xã hội là tiên phong chuyển đối số và khuyến khích quá trình thay đổi. Không còn chỗ cho lãng phí trong công tác quản lý hành chính, các chính phủ giờ đây cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiếp cận công nghệ giúp đơn giản quy trình, giảm thiểu chi phí hành chính và hỗ trợ đổi mới để tạo ra các dịch vụ hiệu quả với chi phí hợp lý cho người dân”, ông Bruno Sivanandan nói.
Nhấn mạnh vấn đề pháp lý, ông Bruno Sivanandan cho rằng, cần xây dựng khung pháp lý vững chắc và cơ chế thực thi hiệu quả về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giảm gánh nặng thuế, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn bằng cách thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm đến Việt Nam.
Cùng quan điểm cần đa dạng hoá và tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn, ông Trần Tuấn Phong cho rằng, Việt Nam đã phát triển được công suất đáng kể điện gió và điện mặt trời trong những năm gần đây, nhưng chủ yếu được thực hiện với tài trợ của các ngân hàng trong nước và khu vực hoặc các ngân hàng đánh giá rủi ro doanh nghiệp chứ không phải rủi ro dự án.
Cơ cấu tài trợ cũng thường dựa trên hình thức giảm thiểu rủi ro tín dụng, thường là bảo lãnh của ngân hàng trong nước hoặc nhà tài trợ dự án.
Do đó, Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng đề nghị Chính phủ bắt đầu thực hiện chương trình cải thiện sự tham gia trong nửa đầu năm 2022 với các tổ chức hàng đầu thuộc khu vực tư nhân và các định chế tài chính đa phương để giải phóng nguồn tài trợ dự án cần thiết cho các dự án cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2030.
Một số ý kiến khác tại phiên thảo luận cũng bày tỏ băn khoăn về việc, có nhiều cơ chế, chính sách được triển khai có hiệu quả tại các hghị quyết được ban hành thời gian qua, nhằm khắc phục khó khăn do Covid-19, nhưng khi đại dịch qua đi, các cơ chế, chính sách này sẽ triển khai thế nào.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, các tiền lệ, thông lệ tốt chắc chắn sẽ được các bộ, ngành tiếp tục kiến nghị giao các cơ quan để thể chế hoá bằng các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, kiến nghị Thủ tướng giao các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện thể chế chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH
Khuyến khích việc tiếp tục giảm bớt thủ tục giấy tờ
Ông Seck Yee Chung, Trưởng nhóm công tác Đầu tư và Thương mại
Chúng tôi bày tỏ sự cảm kích trước những nỗ lực không ngừng của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thủ tục đầu tư, đưa ra các chính sách ưu đãi và chủ trương thu hút đầu tư và kinh doanh vào Việt Nam.Chúng tôi khuyến khích việc tiếp tục giảm bớt thủ tục giấy tờ đối với quy trình nộp hồ sơ và xét duyệt. Điều này có thể đạt được bằng cách thực hiện các thủ tục trực tuyến, chấp nhận chữ ký điện tử, bao gồm cả chữ ký điện tử của các nhà cung cấp nước ngoài và giảm bớt các chứng từ gốc cần hợp pháp hoá lãnh sự.Cộng đồng doanh nghiệp cam kết hỗ trợ quá trình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam cũng như đồng hành, tiếp tục đầu tư vào thị trường này. Chúng tôi tin rằng, những cải tiến và đổi mới liên tục này sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong bối cảnh bình thường mới.
Cần tập trung nâng cao kỹ năng số của lực lượng lao động trong nước
Ông Bruno Sivanandan, Thành viên Ban Quản trị Nhóm công tác Kinh tế số
Hiện tại, trình độ kỹ năng số của Việt Nam vẫn chưa bắt kịp một số quốc gia láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore. Nếu Việt Nam không đáp ứng được số lượng lao động có tay nghề cao trong quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng, thì nền kinh tế có thể mất tới 2 triệu việc làm vào năm 2045. Trong trường hợp vấn đề này vẫn không được giải quyết, có thể tạo ra những gián đoạn và chênh lệch lớn, có thể gây ra nhiều hậu quả về kinh tế và xã hội.
Để duy trì sức cạnh tranh trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam cần tập trung nguồn lực vào việc nâng cao kỹ năng số của lực lượng lao động trong nước. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ của người lao động để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của các doanh nghiệp đối với lao động có tay nghề. Chính phủ cũng cần hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân trong vấn đề này.
Các dự án điện mới phải nâng cao năng lực của địa phương và khu vực tư nhân
Ông John Rockhold, Trưởng nhóm công tác Điện và Năng lượng
Từ góc độ phát triển kinh tế, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ đảm bảo rằng, các dự án điện mới phải nâng cao năng lực của địa phương và khu vực tư nhân. Những khoản đầu tư quốc tế quy mô lớn không chỉ mở rộng nguồn thu thuế và cung cấp năng lượng cần thiết cho tăng trưởng kinh tế, mà còn đào tạo, phát triển thế hệ lãnh đạo kỹ thuật và quản lý trong tương lai của Việt Nam.
Do đó, tất cả các dự án mới nên thu hút nhân tài địa phương nếu có thể, từ lập kế hoạch đến xây dựng và vận hành cũng như nâng cao năng lực và thể chế trong quá trình thực hiện. Đây phải là ưu tiên cho các dự án điện mới.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn trong thu hút doanh nghiệp Việt Nam tham gia các dự án quốc tế quy mô lớn có tính chất tương tự là phải đảm bảo các doanh nghiệp đó đáp ứng yêu cầu thẩm định tài chính quốc tế. Các nhà đầu tư quốc tế sẽ không hỗ trợ những công ty không thể chứng minh năng lực quản lý và trách nhiệm giải trình theo tiêu chuẩn quốc tế.