Tạo môi trường thuận lợi để TTCK bền vững, hiệu quả

(ĐTCK) Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng chia sẻ, Chính phủ có chủ trương sửa đổi đồng bộ Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư để tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một bước đi mạnh dạn và quyết liệt. Với ngành chứng khoán, tuổi 20 là giai đoạn hướng đến sự phát triển bền vững, hiệu quả, trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. 
Để thúc đẩy TTCK phát triển bền vững, một trong những công việc trọng tâm của ngành là thúc đẩy hợp tác quốc tế, mời gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp vào Việt Nam. Để thúc đẩy TTCK phát triển bền vững, một trong những công việc trọng tâm của ngành là thúc đẩy hợp tác quốc tế, mời gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp vào Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam kể từ đầu năm 2019 đến nay?

TTCK Việt Nam từ đầu năm đến nay chịu nhiều tác động từ các yếu tố bên ngoài như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, kinh tế thế giới có dấu hiệu chậm lại, căng thẳng địa chính trị gia tăng ở nhiều khu vực…

Tuy nhiên, TTCK Việt Nam về cơ bản vẫn duy trì được sự ổn định so với TTCK nhiều nước trong khu vực và đạt được những kết quả nhất định.

Tính đến ngày 31/10/2019, quy mô của TTCK tăng 14,3%, tương đương 84,8% GDP và chỉ số VN-Index đạt 998,82 điểm, tăng 11,9%. Tổng mức huy động vốn đạt 225,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường trái phiếu chính phủ cũng có những bước phát triển rất đáng kể với quy mô đạt 27,9% GDP, trong đó quy mô niêm yết đạt 20,9% GDP. Trong 10 tháng, Chính phủ đã huy động được 178 nghìn tỷ đồng trái phiếu, với kỳ hạn bình quân đạt 13,5 năm, cao nhất từ trước đến nay. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã bắt đầu phát triển với tốc độ nhanh từ mức 2,47% năm 2012 lên 10,4% GDP.

Trên TTCK phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân tăng 17%, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh tăng 46% so với cuối năm 2018.

Năm 2019, nhiều sản phẩm mới được đưa vào giao dịch để tạo ra sự đa dạng cho thị trường như: Sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant) bắt đầu được giao dịch vào ngày 28/6/2019 và sản phẩm Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ khai trương vào ngày 4/7/2019. Sản phẩm Covered Warrant đã nhận được khá nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Trong bối cảnh một số TTCK trong khu vực bị rút vốn ròng thì TTCK Việt Nam vẫn thu hút được dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Trong 10 tháng đầu năm, khối ngoại mua ròng 9.401 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu và 14.388 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu.

Chúng ta cũng có thể thấy rằng thanh khoản trên thị trường cổ phiếu hiện nay có giảm nhiều (khoảng 30%) nhưng tôi nghĩ đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó đoán định.

Nhưng tôi tin rằng tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và quyết tâm cải cách của Đảng, Chính phủ vẫn là yếu tố cốt lõi giúp TTCK phát triển ổn định trong thời gian tới.

Một trong những diễn biến quan trọng nhất trên TTCK năm 2019 là việc dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán được hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét, ban hành. Xin ông chia sẻ dự án Luật này sẽ tạo nên những thay đổi lớn nào trên TTCK trong thời gian tới?

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã trải qua nhiều vòng lấy ý kiến, với nhiều hình thức và đối tượng khác nhau, được Chính phủ phê duyệt và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho ý kiến thẩm tra. Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong tháng 11/2019.

So với Luật Chứng khoán hiện hành, Dự thảo Luật có một số điểm mới căn bản. Cụ thể, về quản lý Nhà nước về chứng khoán và TTCK, dự thảo Luật tăng thêm quyền hạn và trách nhiệm cho UBCK để thực thi chức năng quản lý, giám sát hoạt động của TTCK.

Dự thảo Luật bổ sung một số thẩm quyền của UBCK trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; đồng thời nâng mức phạt tiền tối đa trong xử phạt hành chính so với quy định pháp luật hiện hành nhằm tăng tính răn đe đối với các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.

Về chào bán chứng khoán, nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, trong dự thảo điều kiện chào bán chứng khoán đã được sửa đổi, bổ sung, chuẩn hóa cho phù hợp với thông lệ quốc tế; bổ sung quy định nhằm tạo hành lang pháp lý để gắn cổ phần hóa niêm yết, đăng ký giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán.

Về công ty đại chúng, dự thảo Luật nâng tiêu chuẩn về vốn điều lệ đã góp của công ty đại chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng; sửa đổi, bổ sung điều kiện về cơ cấu cổ đông; quản trị công ty...

Cùng với đó, nhiều quy định về thị trường giao dịch chứng khoán, về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán, về tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam, về tổ chức kinh doanh chứng khoán, hay về công bố thông tin cũng có nhiều quy định sửa đổi, bổ sung, theo hướng khắc phục một số hạn chế phát sinh thực tiễn, phù hợp hơn với bối cảnh mới của thị trường và tiệm cận gần hơn với thông lệ quốc tế.

Luật Chứng khoán (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực sẽ tạo lập khung pháp lý đồng bộ, khả thi, hiệu quả, phù hợp và đáp ứng với yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK.

Đây cũng là cơ sở để cải thiện chất lượng nguồn cung, thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước trên TTCK, giúp nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường, tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả; qua đó, tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả hơn cho nền kinh tế.

Liên quan đến việc mở rộng không gian đầu tư cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo Luật Chứng khoán trình Quốc hội kỳ này dường như không làm mới quy định về room? UBCK đang và sẽ có những giải pháp gì để nhà đầu tư quốc tế có thêm niềm tin vào TTCK và có thêm không gian để rót vốn?

Tôi cho rằng, không gian cho nhà đầu tư nước ngoài được tạo ra bởi toàn bộ hệ thống pháp luật, trong đó có Luật Chứng khoán.

Do vậy, chủ trương của Chính phủ lần này là sửa đổi đồng bộ giữa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư để tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, là một bước đi mạnh dạn và quyết liệt.

Và nếu chúng ta nhìn tổng thể vào các nội dung dự kiến sửa đổi của cả 3 Luật thì vấn đề không gian cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung cùng vấn đề room nói riêng sẽ được xử lý triệt để, rõ ràng và minh bạch hơn.

Song song với hoàn thiện cơ sở pháp lý, UBCK cũng tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp.

Thứ nhất, tiếp tục tái cơ cấu cơ sở hàng hóa, tăng cung và cải thiện chất lượng nguồn cung trên TTCK, cụ thể là tăng quy mô và chất lượng hàng hóa trên TTCK thông qua việc thúc đẩy cổ phần hóa gắn với niêm yết và đăng ký giao dịch trên TTCK, tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao tính minh bạch công khai trên thị trường...

Thứ hai, tái cơ cấu cơ sở nhà đầu tư trên TTCK, chú trọng phát triển nhà đầu tư có tổ chức (như các quỹ đầu tư), cải thiện chất lượng cầu đầu tư nhằm hướng tới cầu đầu tư bền vững.

Thứ ba, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức trung gian trên TTCK: Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng quản trị hoạt động, quản trị rủi ro; năng lực tài chính và chất lượng cung cấp dịch vụ của các tổ chức trung gian trên TTCK.

Thứ tư, tiếp tục phối hợp và đề xuất với Ngân hàng Nhà nước các giải pháp đơn giản hóa thủ tục tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài, có các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá...

Năm 2020, TTCK Việt Nam sẽ bước sang năm thứ 20 mở cửa hoạt động. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, năm 2020, TTCK cần hướng đến nhiều mục tiêu lớn như tăng quy mô thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, tăng số lượng nhà đầu tư tham gia TTCK đạt 3% dân số, đổi mới toàn diện và đồng bộ công nghệ giao dịch và thanh toán bù trừ trên TTCK... Ngành chứng khoán đang và sẽ làm gì để đạt các mục tiêu trên, thưa ông?

Với phương châm hướng tới một thị trường phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả, UBCK đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn, để tiếp sức cho TTCK phát triển theo chiều hướng lành mạnh, đi vào chiều sâu theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, UBCK đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm. Một là, tập trung hoàn thiện xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 khoá XIV và tiếp tục dự thảo các Nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo khuôn khổ pháp lý cho TTCK phát triển hiệu quả và bền vững.

Hai là, nỗ lực triển khai các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.

Ba là, triển khai thực hiện Đề án “Thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam” được phê duyệt theo Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 7/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ để quản lý, vận hành TTCK một cách an toàn, hiệu quả.

Bốn là, tăng cường kỷ cương, kỷ luật thị trường, bảo đảm duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của TTCK. Năm là, hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Cùng với đó là tiếp tục phát triển các sản phẩm mới cho thị trường theo kế hoạch, lộ trình đã được phê duyệt, đồng thời tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới, thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế, rà soát và hoàn thiện các giải pháp thu hút nhà đầu tư nước ngoài và giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam.

Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2019 dự kiến sẽ vinh danh gần 40 doanh nghiệp có điểm minh bạch, quản trị công ty và thông tin phát triển bền vững cao nhất vào cuối tháng 11. Mong ông chia sẻ những góp ý, chỉ đạo cho Cuộc bình chọn trở nên có giá trị hơn với chủ thể chính là doanh nghiệp niêm yết, từ đó góp phần xây dựng TTCK Việt Nam minh bạch, bền vững hơn?

Tạo môi trường thuận lợi để TTCK bền vững, hiệu quả ảnh 1

Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết hàng năm là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp xây dựng hình ảnh trong công tác quản trị doanh nghiệp, tuân thủ các nguyên tắc quản trị theo OECD, thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN và các quy định của pháp luật Việt Nam.

Tôi đánh giá cao các tiêu chí tập trung bình chọn các doanh nghiệp niêm yết năm 2019 đã tiếp nối các tiêu chí của Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2018, trong đó đặc biệt là vấn đề quản trị công ty mà Ban tổ chức cuộc thi đã đề ra.

Quản trị công ty tốt giúp các công ty cải thiện hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn và thúc đẩy phát triển bền vững lâu dài.

Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết hàng năm là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp xây dựng hình ảnh trong công tác quản trị doanh nghiệp, tuân thủ các nguyên tắc quản trị công ty theo nguyên tắc của OECD, thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN và các quy định của pháp luật Việt Nam.

Để Cuộc bình chọn trở nên có giá trị thực sự đối với các doanh nghiệp niêm yết, Ban tổ chức phải hết sức công tâm, minh bạch, nỗ lực hết mình để lựa chọn ra được những doanh nghiệp xứng đáng và vinh danh những doanh nghiệp này trên thị trường.

Bên cạnh đó, Cuộc bình chọn phải giúp cho các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản trị công ty trong hoạt động của doanh nghiệp để từ đó tự nguyện và nhận ra trách nhiệm của việc tuân thủ các nguyên tắc quản trị công ty, thông tin minh bạch.

Đặc biệt, trong bối cảnh thúc đẩy phát triển bền vững của doanh nghiệp, Cuộc bình chọn đã và đang thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong phát triển các giá trị môi trường, xã hội với sự phát triển của doanh nghiệp.

Tháng 8/2019, UBCK đã chính thức ban hành Bộ nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất theo thông lệ quốc tế, được xem là một trong những tài liệu tốt nhất hướng dẫn các doanh nghiệp niêm yết và đại chúng có mong muốn đạt được các tiêu chuẩn quản trị công ty quốc tế.

Thông qua Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết, mong rằng Ban tổ chức sẽ tuyên truyền, phổ biến tới các thành viên doanh nghiệp niêm yết nội dung của Bộ nguyên tắc, khuyến khích và hướng dẫn các doanh nghiệp niêm yết tuân thủ các nguyên tắc quản trị công ty để nâng cao số lượng các doanh nghiệp áp dụng nguyên tắc quản trị công ty cũng như chất lượng các doanh nghiệp, từ đó xây dựng TTCK Việt Nam minh bạch, bền vững.

Tường Vi
Đặc san doanh nghiệp niêm yết

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ