Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng: Hành động ngay trên bàn đối thoại

(ĐTCK) Những tràng pháo tay vang dội của cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về giảm thiểu nạn thanh kiểm tra, ký ngay tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp đầu giờ chiều 17/5, tạo ra niềm tin mạnh mẽ rằng, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang được lắng nghe và sẽ có thêm nhiều trợ lực thúc đẩy để bứt phá.
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào sự đồng hành, thấu hiểu và hành động của Chính phủ, các cơ quan quản lý Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào sự đồng hành, thấu hiểu và hành động của Chính phủ, các cơ quan quản lý

Bất ngờ bài phát biểu kết luận

13h19 phút chiều 17/5, sau gần 30 ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, địa phương và cả giải đáp của các bộ, ngành, không khí Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), nơi diễn ra cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ và hàng nghìn doanh nghiệp, tưởng chừng như chùng xuống. Song bài  phát biểu kết luận của Thủ tướng Chính phủ đã tạo ra sự phấn chấn, xung lực mạnh mẽ ít người có thể tưởng tượng được.

Đi thẳng vào vấn đề, chứng minh tinh thần chuyển lời nói thành hành động, Thủ tướng tuyên bố lúc 13h, trên bàn chủ tọa Hội nghị này, ông đã ký Chỉ thị số 20 về việc không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Đó là hành động của Chính phủ trước nhiều phản ánh của doanh nghiệp sáng cùng ngày về thanh tra, kiểm tra chồng chất.

Tinh thần và ý chí của những người đứng đầu doanh nghiệp sẽ quyết định rất nhiều đến sự tồn tại và đường hướng kinh doanh. Thông điệp mà Thủ tướng nhấn mạnh tại Hội nghị lần này cho thấy, sẽ có những chuyển biến lớn để các doanh nghiệp không còn nỗi lo đơn độc trên con đường kinh doanh.

“Tôi muốn nói tinh thần lớn với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp yên tâm rằng, Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp; không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả; các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh; môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao, vững chắc để mọi người yên tâm đầu tư và mở rộng kinh doanh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Xây dựng và thẳng thắn

So với Hội nghị lần trước tổ chức tại TP. HCM, Hội nghị năm nay bớt gay gắt hơn rất nhiều. Giới doanh nhân chủ yếu đưa ra các ý kiến góp ý, cách làm cụ thể để giảm phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, trong đó bức xúc nhất là gánh nặng chi phí, bao gồm cả chi phí chính thức và không chính thức.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc 

Việc cải cách thể chế đã giúp giảm chi phí chính thức của doanh nghiệp trên một số khía cạnh, đặc biệt các chi phí tiếp cận dịch vụ công, tạo bước tiến về cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, các loại thuế phí vẫn còn là gánh nặng.

Trong khi đó, tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn nhiều. Những khoản chi phí không chính thức cũng đang là rào cản cho sự cải thiện môi trường kinh doanh, sự phát triển của doanh nghiệp.

“Tình trạng của công chia ba, của nhà chia đôi vẫn còn xuất hiện nhiều trong việc xử lý các thủ tục hành chính”, ông Thân chia sẻ và nhấn mạnh, điều này sẽ bóp méo, làm giảm sút năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cũng như quốc gia, khiến niềm tin của giới kinh doanh giảm sút.

Những tồn tại này, theo người đứng đầu Hiệp hội, xuất phát từ một bộ phận doanh nghiệp không có ý thức thị trường, khả năng kinh doanh kém nên đã chủ động “đi đêm”, “chi ngầm” để tạo lợi thế cạnh tranh. Một số doanh nghiệp cũng vì sự tồn tại, công ăn việc làm phải miễn cưỡng thực hiện.

Trước đó, trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã thẳng thắn nói về những bất cập, trở ngại như vậy trong môi trường kinh doanh. Bên cạnh những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí và khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, ông  đã chỉ ra những vấn đề như chưa giải quyết triệt để, sự không thống nhất giữa các luật dẫn đến vướng mắc trong thực thi, khó khăn trong tiếp cận vốn và các nguồn lực xã hội hay chi phí kinh doanh còn ở mức cao là những điểm nghẽn cần tháo gỡ.

“Những tồn tại như chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội gấp 3 lần so với từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam; chi phí tiếp cận điện năng gấp 49 lần Philippines hay chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4 (39% lợi nhuận làm ra, cao hơn 2 lần Singapore) là những ví dụ điển hình cho vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ.

Ông nhấn mạnh rằng, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và những năm còn lại của nhiệm kỳ, tinh thần và nội dung của Nghị quyết 35 cần phải được quán triệt và triển khai mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa.

Với một diễn đàn quan trọng như sự kiện ngày 17/5, cộng đồng doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội chuyển tải đến các chính khách những đóng góp mang tính xây dựng và thúc giục hành động.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG góp ý, Chính phủ sớm có văn bản cụ thể hóa chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, nâng cao tư duy dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư và khắc phục các rủi ro kinh doanh.

Bà Nga cũng kiến nghị rằng, Chính phủ cần sớm có văn bản cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5, nhằm gia tăng sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp tư nhân với khu vực kinh tế khác.

Chia sẻ quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hoá, ông Nguyễn Hữu Đệ cho rằng, Chính phủ cần tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ sở trực tiếp làm việc với doanh nghiệp khi mà tình trạng chậm trễ trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính vẫn còn phổ biến.

“Ở địa phương, cán bộ đi chơi quá nhiều. Chính phủ cũng cần chọn được người tài như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng để đẩy nhanh việc cải cách”, ông Đệ góp ý.

 “Cái gì tư nhân làm được thì Nhà nước không nên làm nữa, ví dụ tạo cơ chế bình đẳng giữa bệnh viện công và bệnh viện tư. Tránh tình trạng cái gì dễ thì công làm, khó thì đẩy cho tư”, ông Đệ phát biểu như vậy và thẳng thắn kiến nghị thêm các nội dung về trách nhiệm của địa phương trong việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp còn chậm trễ.

Thu hẹp khoảng cách lời nói - hành động

Trong bài phát biểu khai mạc và phần kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, Chính phủ thấy rõ còn nhiều rào cản cho sự phát triển của  doanh nghiệp.  Chính phủ đã nhận diện được vấn đề này, những điểm cơ bản các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp đã nêu ra tại hội nghị.

Đó là, về thể chế chính sách, chưa giải quyết được các vấn đề còn mâu thuẫn trong các văn bản dưới luật, chính sách ban hành chưa  đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Ví dụ, tiêu chuẩn điều kiện yêu cầu trong một số lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, đo không khí, chất thải, bảo vệ môi trường, vấn đề hợp chuẩn… thiếu minh bạch, tốn kém chi phí, sở hữu trí tuệ còn nhiều vấn đề. Để sản phẩm hàng hoá ra thị trường còn rất nhiều vướng mắc, mất thời gian của doanh nghiệp.

Các quy định về công nhận doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có nhiều, nhưng chưa đi vào cuộc sống.

Những bất cập trên đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lấy ví dụ qua sự việc của doanh nghiệp tại Đồng Nai phản ánh một tháng bị thanh, kiểm tra đến 3 lần. Có doanh nghiệp ở địa phương khác bị thanh tra tới 12 lần trong năm.

Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng:  Hành động ngay trên bàn đối thoại ảnh 2

Một số bộ, ngành không gửi kế hoạch thanh, kiểm tra cho địa phương gây khó khăn trong triển khai, thực hiện. Trong khi đó, việc tiếp cận các nguồn lực của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế, từ các thủ tục vay vốn, thủ tục hành chính về đất đai còn rườm rà, kéo dài.

Bởi vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2017 là năm giảm phí cho doanh nghiệp, từ những khoản chi phí chính thức cho tới phi chính thức. Xóa bỏ bất bình đẳng công - tư, thu hồi nguồn lực đang được sử dụng lãng phí để phân bổ lại nhằm cải thiện năng suất.

Các nguồn lực sẽ được chuyển giao cho các thành phần kinh tế để tối ưu hóa, chứ không chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh năng lực quản trị nhà nước, những yêu cầu nâng cao năng lực quản trị theo xu hướng, thời vận mới của bản thân các doanh nghiệp cũng cũng rất cấp thiết và cần sự vào cuộc quyết liệt của mỗi doanh nghiệp.

Chia sẻ tại Hội nghị, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, Chính phủ sẽ kiên quyết dẹp nạn phong bì, loại bỏ chi phí ngoài luồng "hành" doanh nghiệp. Chính phủ sẽ ngăn chặn và chống mọi biểu hiện tiêu cực, quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau, thao túng chính sách để trục lợi; xây dựng văn hoá doanh nhân, đạo đức doanh nghiệp.

Một trong những phương thức để dẹp loạn chi phí ngoài luồng, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là phát triển thanh toán điện tử. "Phải điện tử hóa tất cả các dịch vụ công để tránh tiếp xúc trực tiếp, phát sinh tiêu cực. Bên cạnh đó, cần ủng hộ thanh toán điện tử để chống tham nhũng, chắc chắn sẽ làm cho môi trường thông thoáng hơn nhiều", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Các giải pháp mạnh tay, như lời Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, gồm điều tra, xử lý một số vụ tiêu cực, nhũng nhiễu doanh nghiệp làm gương, để mang tính răn đe, phòng ngừa.

"Doanh nghiệp lo lắng nhất là thủ tục hành chính, dù chúng ta cải cách nhiều nhưng cần mạnh mẽ hơn. Chúng tôi thấy ngành kiểm sát có trách nhiệm bảo vệ những cách làm sáng tạo, kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi quy định pháp luật để khuyến khích sự sáng tạo của doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, người dân, không hình sự hóa các vụ việc kinh tế", ông Trí nói và hứa cùng với Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.

Những tràng pháo tay của cộng đồng doanh nghiệp trước phát biểu và lời hứa của lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo nhiều bộ, ngành tại Hội nghị đã nói lên tất cả: Trong những “trận đánh” lớn nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp trên thương trường, sự đồng hành, thấu hiểu và hành động của Chính phủ và các cơ quan quản lý là vô cùng quan trọng, giúp sức đem đến thành công.

Phong Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục