Kỳ vọng NVDR sẽ được triển khai trong năm nay
Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC)
Vốn ngoại có vai trò quan trọng trên TTCK Việt Nam, nên việc thu hút mạnh hơn dòng vốn này tham gia thị trường có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của thị trường không chỉ trong năm nay, mà cả giai đoạn tới. Thế nhưng việc triển khai các giải pháp để thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn ngoại thời gian qua chưa diễn ra như kỳ vọng của các thành viên thị trường.
Kinh nghiệm của các thị trường trong khu vực cho thấy, để thu hút hiệu quả hơn dòng vốn ngoại phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và kéo dài trong nhiều năm. Chẳng hạn với kinh nghiệm của Malaysia, chỉ hạn chế NĐT nước ngoài sở hữu cổ phần ở một số ngành, lĩnh vực, họ cho phép NĐT ngoại sở hữu tối đa cổ phần của các DN niêm yết không thuộc các lĩnh vực cấm, hạn chế NĐT nước ngoài sở hữu cổ phần. Trung tâm lưu ký là đơn vị có trách nhiệm cập nhật và công bố tỷ lệ cổ phần mà NĐT ngoại có quyền biểu quyết, cũng như tỷ lệ không có quyền biểu quyết (phần vượt trên tỷ lệ cổ phần tối đa mà NĐT nước ngoài được phép sở hữu gắn liền với quyền biểu quyết).
Trong bối cảnh TTCK Việt Nam hiện tại, một trong những giải pháp khả thi để thu hút hiệu quả hơn dòng vốn ngoại là trong năm nay cơ quan quản lý nên xem xét cho phép phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). Việt Nam nên tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai sản phẩm mới này theo hướng đơn giản hơn, có tính khả thi cao.
Việc triển khai NVDR không nên bị nhìn nhận là kiểu “lách luật” như một số quan điểm, mà nên coi đây là một trong những giải pháp nhằm thu hút hiệu quả hơn dòng vốn ngoại. Điều này đã được thực tế chứng minh tại TTCK Thái Lan. Nếu Việt Nam tiếp tục chậm chân trong triển khai các giải pháp thu hút hiệu quả hơn dòng vốn ngoại, sẽ khó thúc đẩy TTCK phát triển mạnh mẽ, sôi động và đủ sức hội nhập.
Chính sách nới room cho NĐT nước ngoài hy vọng sớm được ban hành
Ông Nguyễn Băng Tâm , Phó chủ tịch CLB Doanh nghiệp niêm yết
Sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ sẽ tiếp sức cho TTCK phát triển ổn định, tiếp tục phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
Cùng với việc thực hiện quyết liệt tái cấu trúc TTCK, tôi hy vọng thị trường sẽ có những bước khởi sắc hơn trong năm 2015. Thực tế, Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã có những bước chuẩn bị hỗ trợ cho TTCK như thúc đẩy cổ phần hóa các tổng công ty lớn, các tập đoạn và đã có những biện pháp quyết liệt vừa khuyến khích vừa đốc thúc các DN lên sàn niêm yết.
Mặc dù vậy, việc phát triển thị trường, tôi cho rằng cũng nên tập trung nâng cao chất lượng quản lý, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm để đảm bảo niềm tin trong giới đầu tư, đồng thời cải thiện tính tuân thủ trên thị trường.
Về phía DN, chúng tôi tiếp tục hy vọng trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu kỹ hơn để đưa ra các sản phẩm, chính sách hỗ trợ DN… Một trong những chính sách được nhiều NĐT chờ đợi là nới room cho NĐT nước ngoài hy vọng sớm được ban hành, nhằm thu hút nguồn vốn ngoại và tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Cần sớm có lộ trình để từng bước phát triển thị trường phái sinh
Ông Nguyễn Điệp Tùng, Tổng giám đốc CTCK FPTS
Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ mới đây cho thấy, năm 2015 sẽ là năm tập trung hoàn thiện khung thể chế chính sách pháp luật nhằm thúc đẩy TTCK Việt Nam hoạt động hiệu quả và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Điều đó đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển TTCK cùng với mục tiêu phát triển kinh tế.
Nhìn vào tình trạng thực tế cho thấy, lãi suất trong năm 2015 sẽ tiếp tục duy trì ở mức ổn định, thậm chí có xu hướng giảm. Đầu tư công đang có xu hướng điều chỉnh hướng tới các khu vực thúc đẩy tăng trưởng. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã và đang có những tín hiệu khả quan hơn. Như vậy, với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và trong nước, tôi kỳ vọng TTCK trong năm 2015 sẽ tiếp tục lạc quan. Tuy nhiên, để TTCK phát triển và hội nhập quốc tế, theo tôi, cần sớm có lộ trình đề từng bước phát triển thị trường phái sinh, đa dạng hóa sản phẩm để thu hút thêm các dòng vốn đầu tư, đặc biệt là các chính sách thu hút dòng vốn ngoại thông qua biện pháp tinh giảm các thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, quyết tâm của Chính phủ trong việc cổ phần hóa gắn với niêm yết sẽ tăng thêm chất lượng “hàng hóa” cho TTCK.
Tạo cho DN điểm tựa, chúng tôi sẽ phát triển mạnh hơn
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG
Sự kiện Thủ tướng Chính phủ đến chúc Tết đầu năm TTCK Việt Nam đã mang lại niềm động viên và khích lệ rất lớn với các DN, trong đó có TNG. Là DN đưa cổ phiếu lên niêm yết vào năm 2007, giá trị lớn nhất mà TTCK mang lại cho chúng tôi là tạo áp lực minh bạch và quản trị hiệu quả.
Tại TNG, chúng tôi đã xây dựng hệ thống kế toán và quản trị DN đến từng phân xưởng, để có thể nắm bắt và cập nhật tình hình hoạt động thường nhật của các bộ phận Công ty. Đó là lý do khiến TNG đủ khả năng công bố kết quả kinh doanh hàng tháng trên HNX và bản thân tôi có thể giám sát đến chất lượng làm việc của từng nhân viên.
Năng lực cạnh tranh của Công ty được xây dựng từ chính yếu tố quản trị hiệu quả. Quản trị hiệu quả giúp kiểm soát tốt nhân viên, chi phí, thực hiện cam kết với khách hàng.
Hiện TNG có các hợp đồng gia công sản phẩm cho các khách hàng chủ yếu đến từ Mỹ. Tuy nhiên, như thế chưa phải đã thành công, thành công là phải tạo ra sản phẩm và tiêu thụ được sản phẩm tại các thị trường lớn. Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng 1 công ty con, phát triển chuỗi sản phẩm bán tốt tại thị trường nội địa trước, với kỳ vọng 10 năm nữa sẽ bán sang thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ. Các nhà đầu tư quốc tế tính rất rõ lợi ích cho từng công đoạn tạo ra sản phẩm, nên làm gia công hưởng lợi còn nhỏ. Điều tôi mong muốn là Chính phủ, cũng như lãnh đạo địa phương tạo cơ chế đối xử bình đẳng giữa DN trong nước và nước ngoài. Tôi tin nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam đủ sức phát triển nếu nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ Nhà nước.