TTCK ASEAN hợp sức để thu hút vốn ngoại

(ĐTCK) “Các Sở GDCK trong khu vực ASEAN đang tăng cường hợp tác để nâng quy mô của thị trường, qua đó thu hút nguồn vốn đầu tư từ các khu vực khác trên thế giới hiệu quả hơn”, ông Lê Hải Trà, Ủy viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP. HCM (HOSE) trao đổi với ĐTCK bên lề sự kiện SET in the City 2014 vừa diễn ra tại Thái Lan.
Ông Lê Hải Trà (thứ ba từ trái sang), Ủy viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thường trực HOSE, cùng đoàn tham dự triển lãm chứng khoán tại Thái Lan Ông Lê Hải Trà (thứ ba từ trái sang), Ủy viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thường trực HOSE, cùng đoàn tham dự triển lãm chứng khoán tại Thái Lan

Các Sở GDCK của Singapore, Malaysia và Thái Lan đã thiết lập hệ thống giao dịch liên thông giữa 3 thị trường này, tạo thuận lợi cho NĐT trong quá trình đầu tư. Vì sao TTCK Việt Nam chưa tham gia kết nối vào hệ thống này, thưa ông?

Sự hợp tác giữa các Sở GDCK ASEAN gần đây liên tục được tăng cường và đi vào chiều sâu. Một trong những kết quả nổi bật của sự hợp tác này là 3 Sở GDCK lớn nhất trong khu vực: Singapore, Malaysia và Thái Lan đã thiết lập hệ thống hạ tầng kết nối giao dịch liên thông, nên NĐT có thể dễ dàng tham gia các hoạt động đầu tư vào 3 thị trường này.

3 Sở GDCK khác là Indonesia, Việt Nam và Philippines chưa kết nối với hệ thống này vì một số nguyên nhân.

Đối với Việt Nam, một trong những lý do là đang hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của toàn thị trường. Tuy nhiên, thông qua việc đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với các Sở GDCK ASEAN, Việt Nam cam kết sẽ tham gia kết nối trong thời gian tới.

Để chuẩn bị cho việc kết nối trên, Việt Nam cần tháo gỡ một số bất cập, nhằm giúp hệ thống chính sách có thể thuận lợi “khớp nối” với các thị trường trong khu vực. Ngoài ra, hợp lý hóa các quy định về quản lý ngoại hối, quản lý dòng tiền ngoài Việt Nam ra vào thị trường… 

Việc kết nối trên sẽ góp phần giúp TTCK ASEAN thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư từ các khu vực trên thế giới, đặc biệt là từ các định chế đầu tư lớn?

Các Sở GDCK ASEAN gần đây tăng cường các hình thức hợp tác là xuất phát từ thực tế quy mô của mỗi thị trường trong khu vực hiện tại khá nhỏ, nên kém sức hút với các định chế đầu tư lớn trên thế giới.

3 Sở GDCK lớn nhất trong khu vực ASEAN hiện nay là Singapore, Malaysia và Thái Lan, xét về quy mô thị trường chỉ xếp ở vị trí hơn 20 trên thế giới, nghĩa là thứ hạng khá thấp, nên khó thu hút sự chú ý của giới đầu tư toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu 3 thị trường này cộng với 3 thị trường là Việt Nam, Philippines và Indonesia, thì quy mô lên tới gần 3.000 tỷ USD, xếp thứ 8 trên thế giới. Điều này rất có ý nghĩa trong việc thu hút sự quan tâm của cộng đồng NĐT quốc tế, nhất là các tổ chức đầu tư lớn.

Hiện trên website của các Sở GDCK ASEAN là www.asean exchanges.org thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến giao dịch của 180 mã cổ phiếu đại diện cho 6 Sở GDCK trong khu vực (mỗi Sở đề cử 30 mã cổ phiếu hàng đầu trên thị trường của mình). Điều này sẽ tạo cơ sở hình thành các bộ chỉ số, từ đó hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới như quỹ ETF của khu vực ASEAN, tiến tới các công cụ phái sinh như hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn dựa trên chỉ số được xây dựng từ 180 mã cổ phiếu đó.

Tuy nhiên, để sớm hiện thực hóa các lợi ích này, Việt Nam cần có các giải pháp để giải tỏa một số điểm nghẽn hiện tại, trong đó có quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐT nước ngoài. Trong khi việc nới “room” trực tiếp không dễ được thực hiện, thì từ kinh nghiệm thành công của TTCK Thái Lan, Việt Nam nên nghiên cứu cho phép phát hành chứng chỉ không có quyền biểu quyết (NVDR).

Để tăng sức hấp dẫn cho các TTCK trong khu vực ASEAN, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, các Sở GDCK ASEAN có kế hoạch phối hợp với các công ty hàng đầu trong khu vực triển khai nhiều chương trình giới thiệu cơ hội đầu tư tại nhiều nơi trên thế giới. Kế hoạch gần nhất là vào tháng 3/2015, các Sở GDCK ASEAN sẽ phối hợp với các doanh nghiệp lớn tổ chức sự kiện giới thiệu cơ hội đầu tư vào TTCK ASEAN tại Mỹ. 

Liệu TTCK Việt Nam có được hưởng lợi từ hiệu ứng tích cực này, thưa ông?

Nếu không có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các Sở GDCK ASEAN, thì dòng vốn trong khu vực này sẽ vẫn chảy vào Việt Nam thông qua việc NĐT trong khu vực mở tài khoản giao dịch tại các CTCK, hoặc bỏ vốn vào các quỹ đầu tư để đầu tư vào TTCK Việt Nam.

Tuy nhiên, sự hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu của các Sở GDCK ASEAN tạo ra hiệu ứng tích cực kép. Đó là tạo thuận lợi cho các dòng vốn trong khu vực ngày càng dịch chuyển thuận lợi hơn thông qua các bước chuẩn hóa về quy định, thủ tục giao dịch giữa các thị trường, đồng thời cải thiện hình ảnh cũng như quy mô của thị trường, qua đó thu hút các định chế đầu tư lớn trên toàn cầu tham gia đầu tư.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục