Cách đây không lâu, nội dung cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Tài chính được đăng tải đậm nét trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát đi một thông điệp mạnh mẽ về cải cách thủ tục thuế, hải quan.
Sau cuộc làm việc này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 119 ngày 25/8 sửa đổi 7 thông tư, giảm hơn 200 giờ thủ tục thuế trong một năm (từ 500 giờ xuống 300 giờ) cho doanh nghiệp. Cũng từ cuộc làm việc đó, Chính phủ đang xem xét ban hành một Nghị định sửa đổi một số điều của 4 nghị định nhằm hỗ trợ và tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh rằng, cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo động lực mới thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đây là một thứ động lực mà để tạo ra không phải tiêu tốn nhiều tiền, song đòi hỏi phải vượt lên chính mình, đổi mới mạnh mẽ tư duy và phát huy cao độ đạo đức công vụ mới có thể thực hiện được.
Về thủ tục đầu tư – kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có thể nói trong gần 10 năm qua kể từ khi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2005 được ban hành, đã có những cải cách quan trọng theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Đối với thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đã thiết lập cơ chế liên thông một cửa, gồm đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và các thủ tục liên quan đến con dấu. Cơ chế này đã giúp giảm thời gian thực hiện 3 thủ tục cơ bản của quá trình gia nhập thị trường từ 32 ngày làm việc trong giai đoạn trước năm 2005 xuống còn 15 ngày làm việc vào năm 2007 và chỉ còn tối đa 5 ngày từ năm 2008 đến nay. Báo cáo kinh doanh năm 2011 của Ngân hàng Thế giới đã xếp Việt Nam đứng thứ tư trong 10 nước được đánh giá có cải cách mạnh mẽ nhất về đăng ký thành lập doanh nghiệp trong giai đoạn 2009 – 2010.
Về thủ tục đầu tư, cùng với việc phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy Chứng nhận đầu tư (GCNĐT) cho Ủy ban Nhân dân và Ban Quản lý KCN cấp tỉnh, nhiều thủ tục đầu tư đã được đơn giản hóa. Đặc biệt, đã bãi bỏ yêu cầu nhà đầu tư trong nước phải thực hiện thủ tục cấp GCNĐT đối với dự án đầu tư dưới 15 tỷ đồng và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện; cho phép nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện cơ chế đăng ký cấp GCNĐT đối với dự án dưới 300 tỷ đồng và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện…
Những tiến bộ nói trên là rất đáng ghi nhận, song cũng còn thừa nhận rằng thủ tục đầu tư – kinh doanh vẫn còn không ít bất cập. Hệ thống pháp luật về đầu tư – kinh doanh vẫn còn thiếu đồng bộ, không ít quy định chưa cụ thể, thiếu minh bạch và nhất quán; thủ tục đầu tư – kinh doanh còn rườm rà. Kết quả rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, để triển khai dự án đầu tư sử dụng đất, nhà đầu tư phải thực hiện trung bình 18 thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường… được quy định tại 5 Luật, 10 Nghị định, 9 Thông tư và nhiều văn bản hướng dẫn khác.
Các con số nói trên cho thấy thủ tục đầu tư – kinh doanh không chỉ là cấp GCNĐT hay Đăng ký kinh doanh mà còn hàng loạt các thủ tục khác liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Và đây chính là lý do mà tại cuộc làm việc, sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Thủ tướng Chính phủ đã dành nhiều thời gian để nghe ý kiến nhiều bộ, ngành, nhất là Bộ Xây dựng về thủ tục cấp phép xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường về thủ tục đất đai, Bộ Công an về vấn đề con dấu và thủ tục phòng cháy chữa cháy…
Cải cách thủ tục hành chính không phải là câu chuyện mới. Cái mới đang tạo ra nhiều kỳ vọng trong cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư là cách tiếp cận vấn đề, sự tâm huyết, thái độ và cách thức chỉ đạo kiên quyết của Thủ tướng Chính phủ. Một loạt công việc đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành thực hiện theo một lộ trình cụ thể nhằm tạo đột phá về cải cách thủ tục hành chính.
Đối với những thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quan điểm và tư duy đổi mới đã được thể hiện cụ thể trong nội dung Dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sắp trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc sửa đổi, bổ sung 2 đạo luật này phải tạo cơ sở pháp lý để người dân và doanh nghiệp được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013. Nếu Dự thảo 2 luật này được Quốc hội thông qua, sẽ không còn việc ghi ngành nghề trên Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh, thủ tục Đăng ký kinh doanh sẽ được liên thông với thủ tục đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội, khắc dấu; các lĩnh vực cấm và hạn chế đầu tư kinh doanh cũng sẽ được quy định cụ thể và rõ ràng hơn…
Những động thái nói trên cho thấy, Chính phủ đang mở nhiều mặt trận để tấn công vào “ma trận thủ tục hành chính” rối rắm, phiền hà, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, mặt khác nâng cao năng lực quản lý nhà nước để loại bỏ những hành vi gây tổn hại đối với lợi ích đất nước, người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Trong quá trình đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ là điều hết sức cần thiết để tạo nên bước đột phá trong cuộc chiến không ít cam go này.