Tạo động lực từ chính sách đất đai

Những rào cản về thủ tục, những yêu cầu chồng chéo trong quy định pháp luật, trong thực hiện dự án đã được hội thảo mới đây về pháp luật và thực tiễn về tiếp cập đất đai “điểm mặt, gọi tên”. Thực tế này đòi hỏi phải sớm có biện pháp điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh mới nếu muốn thu hút nhiều hơn vốn từ nhà đầu tư, doanh nghiệp vào nông nghiệp.
Tạo động lực từ chính sách đất đai

Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản có vị thế nhất định trên thế giới, song nông sản của Việt Nam chủ yếu được nuôi trồng, canh tác theo mùa vụ, sản xuất vẫn phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện tự nhiên.

Vì thế, cho dù xuất khẩu nhiều về số lượng, đa dạng về chủng loại, nhưng giá trị gia tăng nhiều mặt hàng nông sản còn thấp, sản xuất nông nghiệp nói chung vẫn điệp khúc “được mùa - rớt giá”…

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nguyên nhân được nhiều chuyên gia kinh tế và nhà hoạch định chính sách nhắc tới gần đây là chính sách hạn điền chưa phù hợp. 

Luật Đất đai năm 1993 quy định hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 3 ha.

Năm 2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 1126/2007/NQ-UBTVQH11 về hạn mức sử dụng đất nông nghiệp, theo đó, đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối không quá 6 ha/hộ gia đình; cá nhân ở khu vực Đông Nam bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực còn lại tối đa là 4 ha.

Năm 2007 cũng là thời điểm Việt Nam chính thức hội nhập kinh tế thế giới bằng việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hội nhập kinh tế quốc tế đồng nghĩa, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nói chung, nông sản nói riêng làm ra không phải chỉ để tiêu dùng nội địa, mà phải hướng về xuất khẩu.

Song muốn xuất khẩu được nông sản thì bắt buộc phải sản xuất lớn, áp dụng công nghệ, máy móc trong sản xuất, bảo quản, chế biến, vận chuyển và chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây là điều mà nền sản xuất nhỏ, sản xuất manh mún và từng người nông dân không thể làm được. 

Đó cũng là lý do khiến khi xây dựng Luật Đất đai năm 2013, rất nhiều chuyên gia nông nghiệp, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, người dân và đại biểu Quốc hội kiến nghị bãi bỏ chính sách hạn điền hoặc ít nhất phải nâng mức hạn điền tối thiểu lên 20 lần.

Tuy nhiên, lấy lý do bảo đảm cho người nông dân có đất để sản xuất, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, tận dụng được lao động nông nghiệp tại chỗ ở nông thôn, Ban Soạn thảo đã không tiếp thu ý kiến đóng góp này, đồng thời thu hẹp hạn điền so với năm 2007. 

Cụ thể, theo Luật Đất đai năm 2013, hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 3 ha ở khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2 ha ở khu vực còn lại.

Trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp cũng không được vượt quá 10 lần hạn mức. 

Thực tiễn 5 năm qua cho thấy, rất có thể, chính sách hạn điền chưa hợp lý là một trong những yếu tố hạn chế sự phát triển của dự án nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại, có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Hơn thế, điều đáng nói nữa là nhiều loại nông sản của Việt Nam tuy xuất hiện tại nhiều thị trường thế giới, nhưng không phát triển được thương hiệu, phải bán với giá rất rẻ so với sản phẩm cùng loại của nước khác.

Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo chu trình khép kín, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo ra sản phẩm có đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới không thể tích tụ, tập trung được ruộng đất.

Sản xuất nhỏ, manh mún khiến thu nhập bình quân của 21,6 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chậm được cải thiện, hiện chỉ bằng khoảng 38% mức năng suất lao động chung của nền kinh tế.

Hàng triệu lao động nông thôn bỏ ruộng, bỏ vườn đi làm công việc khác, nhưng lại không chuyển quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp sản xuất lớn… 

Chính sách hạn điền không sai, nhưng có lẽ chỉ thích hợp cho từng giai đoạn phát triển kinh tế. Vì vậy, đã đến lúc cần xem xét lại chính sách này sao cho hợp lý, tạo điều kiện cho nhà đầu tư kết hợp cùng nông dân phát triển các dự án nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại.

Một chính sách hạn điền hay tích tụ, tập trung đất đai hợp lý còn góp phần xóa bỏ rào cản bất hợp lý trong tiếp cận đất đai, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời giúp chính những người nông dân có tiềm lực tài chính, có tư duy “làm ăn lớn” mở rộng quy mô dự án thay vì chỉ bó hẹp sản xuất trên diện tích đất canh tác 2-3 ha như hiện nay.

Hàn Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục