Kỳ vọng thoát “ma trận” thủ tục
Trao đổi bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), ông Huỳnh Minh Quốc, Tổng giám đốc Công ty Văn phòng phẩm quốc tế ISC cho biết, Luật Hỗ trợ DNNVV được thông qua là điều mà các doanh nghiệp mong mỏi, nhưng để Luật đi vào cuộc sống là một chặng đường dài.
“Theo tìm hiểu của tôi, dù cùng một văn bản pháp luật, một hướng dẫn thi hành, nhưng mỗi địa phương, mỗi sở, ban, ngành lại hiểu và xử lý khác nhau. Điều này gây trở ngại cho doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV, doanh nghiệp FDI”, ông Quốc nói.
Theo ông Quốc, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong tạo ra hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp, song điều doanh nghiệp kỳ vọng là các văn bản dưới luật sớm được ban hành, các quy định trở nên thực tế và cụ thể hơn. Doanh nghiệp cũng mong nhận được sự hỗ trợ của các hội doanh nghiệp để việc tiếp cận thông tin được thuận lợi hơn.
Lấy ví dụ cụ thể, lãnh đạo ISC cho biết, sản phẩm của Công ty chủ yếu để xuất khẩu, nên điều quan tâm nhất hiện nay là chính sách thuế.
“Hiện nay, chúng tôi đang gặp trở ngại về khung thuế nhập khẩu và cần có chính sách rõ ràng để xác định hiệu quả kinh doanh”, ông Quốc bày tỏ.
Ông Quốc cho hay, nhiều doanh nghiệp, trong đó có công ty ông, vẫn lúng túng với chính sách thuế mỗi khi làm việc với cơ quan hải quan hay cơ quan thuế. Vướng mắc nếu chưa được xử lý triệt để sẽ gây đình trệ thủ tục, cũng như hướng giải quyết cho doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, nhiều khi như rơi vào “ma trận”.
“Hy vọng Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời, với khung pháp lý rõ ràng, sẽ giúp doanh nghiệp thoát khỏi ma trận này”, ông Quốc nói.
Theo ông Quốc, để tháo gỡ việc thủ tục bị đình trệ, cơ quan thực thi pháp luật cần tham mưu cho Chính phủ thành lập một kênh thông tin giữa doanh nghiệp và các cơ quan thực thi, để Chính phủ có thể đưa ra các chính sách điều chỉnh kịp thời, sát với thực tế. Hiện nay, nếu doanh nghiệp có kiến nghị thì không biết gửi đi đâu, cơ quan này chuyển cho đơn vị kia, mất rất nhiều thời gian mà vẫn không có câu trả lời.
“Nếu như một container hàng đông lạnh để ngoài cảng 1 tháng chỉ để chờ quyết định từ các cơ quan giải quyết thủ tục thì thiệt hại trước mắt thuộc về doanh nghiệp”, ông Quốc ví dụ. Vì vậy, doanh nghiệp mong chờ các chính sách được cụ thể hóa để tránh “gánh nợ” do sự trì trệ của thủ tục.
Doanh nghiệp cần lộ trình, hành động cụ thể
Ông Trần Tuấn Phong, đại diện Công ty VILAF cho rằng, Luật Hỗ trợ DNNVV mới chỉ tạo ra khung pháp lý, trong khi điều doanh nghiệp chờ đợi là các giải pháp cụ thể, đâu là cơ quan đầu mối giải quyết những thắc mắc của doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp không thể đi khắp nơi gõ cửa xin hỗ trợ.
Ông Phong cho biết, hiện nay, 97% doanh nghiệp tại Việt Nam là DNNVV và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khu vực này được đặc biệt quan tâm.
“Luật Hỗ trợ DNNVV góp phần tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, là đòn bẩy để doanh nghiệp tư nhân đi lên, nhưng Luật cần được cụ thể hóa hơn, có lộ trình thực hiện rõ hơn”, ông Phong chia sẻ.
Để Luật Hỗ trợ DNNVV có tác động thiết thực hơn, theo ông Phong, Luật cần đi vào những yếu tố cụ thể như có cơ quan, đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, có quỹ đầu tư, ngân hàng cấp vốn, tổ chức thiết kế chính sách tiếp cận các nguồn lực xã hội về lao động, đất đai, khoa học công nghệ…
“Mọi thứ cần được cụ thể hóa, đưa ra lộ trình thực thi nhất định theo quý, theo năm… Nếu không đưa vào khuôn khổ, không áp dụng cho những con người, tổ chức cụ thể, Luật sẽ khó phát huy tối đa hiệu quả”, ông Phong nhìn nhận.
Tại Diễn đàn VPF, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sắp tới sẽ thành lập Ủy ban Quốc gia về tạo thuận lợi thương mại, kết nối các thông tin hỗ trợ doanh nghiệp.
… cần môi trường đầu tư minh bạch
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), điểm tích cực mà Luật Hỗ trợ
DNNVV mang lại là đã hệ thống hóa được các định hướng phát triển, định hướng hỗ trợ và xác lập một số khung chính sách để thúc đẩy phát triển DNNVV. Tuy nhiên, vì là luật khung nên các quy định trong Luật chưa tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, cần phải thay đổi về pháp luật chuyên ngành, cũng như các chương trình, kế hoạch cụ thể của Chính phủ và chính quyền địa phương.
“Chúng ta đều hiểu muốn hỗ trợ DNNVV cần phải có nguồn lực nhất định, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Trong điều kiện ngân sách khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp không thể trông chờ nhiều vào các nguồn lực này. Tôi cho rằng, biện pháp tích cực nhất để hỗ trợ DNNVV và thúc đẩy khối doanh nghiệp này phát triển là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để đảm bảo rằng, các doanh nghiệp siêu nhỏ hay hộ gia đình khi chuyển đổi thành DNNVV sẽ có lợi hơn. Lúc đó, họ sẽ đi theo mô hình này”, ông Lộc chia sẻ.
Ông Lộc nhấn mạnh: “Sự thay đổi về thể chế, môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, bình đẳng, thuận lợi và chi phí thấp là định hướng chính để hỗ trợ phát triển DNNVV”.
Về hỗ trợ tài chính, lãnh đạo VCCI phân tích, chỉ có thể nhắm đến những mục tiêu nhất định như hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp… Tuy nhiên, ông Lộc khẳng định, những hỗ trợ này hạn chế, quan trọng nhất vẫn là định hướng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi, thân thiện cho các doanh nghiệp.
Cũng theo ông Lộc, việc thực thi hỗ trợ DNNVV phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực của chính quyền địa phương. Trên thực tế, do nguồn lực tài chính hạn chế nên phạm vi triển khai không lớn, biện pháp trọng tâm để hỗ trợ DNNVV vẫn là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Những biện pháp này không mất nhiều chi phí, nhưng vẫn mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
“Nếu chỉ trông chờ các biện pháp hỗ trợ tài chính sẽ không thực tế với hoàn cảnh kinh tế hiện nay. Nhiều DNNVV mong muốn cần có môi trường thuận lợi, thân thiện, bình đẳng để doanh nghiệp được phát triển, sự hỗ trợ về mặt tài chính chỉ là thứ yếu. Theo tôi, đây phải là tư duy xuyên suốt của tất cả các hành động hỗ trợ DNNVV”, ông Lộc cho hay.
“Hỗ trợ không có nghĩa là đưa tiền cho doanh nghiệp”
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Chia sẻ tại một cuộc tọa đàm được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, Luật Hỗ trợ DNNVV được xây dựng từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, tìm hiểu và đánh giá những điều mà doanh nghiệp còn thiếu và yếu, từ đó đưa ra các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp như các vấn đề về pháp luật, khoa học công nghệ, thông tin thị trường, vốn, đất đai...
Như câu chuyện về vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), người dân không xác định được nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, Nhà nước sẽ giúp củng cố chuỗi giá trị, cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường trên cơ sở khảo sát thị trường, khả năng cạnh tranh theo mùa vụ, tổng nhu cầu, khả năng đáp ứng… để người dân chủ động có giải pháp.
Ông Đông cho biết, không có chuyện cầm tiền đến từng hộ nuôi lợn, hộ trồng vải để giúp đỡ, mà Nhà nước sẽ hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân cung cấp các dịch vụ về thông tin, khoa học công nghệ và vốn, thông qua doanh nghiệp có hướng phát triển.
Về chính sách tài chính, ông Đông khẳng định, Luật không áp đặt các ngân hàng phải cho DNNVV vay, mà chỉ khuyến khích các ngân hàng cố gắng dành định mức khoảng 30% tổng dư nợ tín dụng trong hệ thống của mình để hỗ trợ các DNNVV.