Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đối với 2 đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng và các nhà đầu tư BOT giao thông.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Công ty TNHH Thu phí tự động VETC tiếp tục làm việc với các ngân hàng thương mại để mở rộng dịch vụ liên thông tài khoản; Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam sớm hoàn thiện giải pháp kết nối tài khoản thông qua hệ thống ví điện tử Viettel Pay tạo thuận lợi cho người sử dụng, tăng cường hiệu quả hệ thống.
Nếu triển khai việc kết nối thành công sẽ giúp người sử dụng dịch vụ không phải nạp tiền cố định vào tài khoản giao thông như hiện nay.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông về lợi ích của dự án cũng như công khai minh bạch các thông tin liên quan đến dự án để người dân, doanh nghiệp đồng thuận, sẵn sàng sử dụng dịch vụ để đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án. Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải phối hợp cùng các doanh nghiệp BOT rà soát bổ sung biển báo, chỉ dẫn rõ ràng, khoa học kết hợp phân luồng giao thông tại các trạm thu phí đảm bảo các cửa thu phí không dừng chỉ dành cho các phương tiện đã dán thẻ, hạn chế ùn tắc giao thông.
Được biết, hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT do Bộ GTVT là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền được chia làm 2 giai đoạn; được đầu tư theo hình thức BOO (Xây dựng – Sở hữu – Vận hành). Giai đoạn 1 áp dụng đối với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, một số tuyến cao tốc và quốc lộ khác (Dự án BOO1) do VETC làm chủ đầu tư. Giai đoạn 2 áp dụng các trạm còn lại trên toàn quốc (Dự án BOO2) do Liên doanh Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần đầu tư công nghệ Hạ tầng Vietin, Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ viễn thông Việt Vương, Công ty Cổ phần công nghệ Tiên Phong (VietinF) là nhà đầu tư.
Tuy nhiên do việc đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng là hình thức đầu tư mới, phức tạp cả về công nghệ và thủ tục pháp lý, liên quan đến nhiều chủ thể tham gia thực hiện, quản lý chưa có nhiều kinh nghiệm dẫn đến trong quá trình triển khai thực hiện còn một số tồn tại, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, cũng như vẫn còn có ý kiến chưa đồng thuận về phương thức triển khai thực hiện…; đồng thời do Viettel không thành lập được doanh nghiệp dự án đã dẫn đến chậm trễ triển khai dự án BOO2.
Để khắc phục các tồn tại, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện thời gian qua, cũng như để đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thành dự án, Bộ GTVT đã có nhiều giải pháp đồng bộ như tăng cường tuyên truyền lợi ích của hệ thống để tạo sự đồng thuận của xã hội, tổ chức phân luồng giao thông tại các trạm thu phí đã lắp đặt thiết bị thu phí không dừng để tăng hiệu quả hệ thống thu phí không dừng cũng như khuyến khích chủ phương tiện tham gia dịch vụ, hoàn thiện hành lang pháp lý.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, ngày 17/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng thay thế cho Quyết định số 7/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017; đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định cho phép Viettel được thành lập doanh nghiệp Dự án để triển khai Dự án BOO2 (Liên doanh nhà đầu tư BOO2 cũng đã khẩn trương hoàn thiện thủ tục thành lập Công ty Cổ phần giao thông số Việt Nam (VDTC).
Những Quyết định của Thủ tướng có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính quyết định trong việc tháo gỡ các tồn tại vướng mắc của dự án thu phí không dừng trong quá trình triển khai ban đầu.
Tính đến tháng 11/2020, tại Dự án BOO1, VETC đã rà soát, điều chỉnh lại quy mô đầu tư dự án theo hướng tách riêng 4/5 dự án do VEC quản lý ra khỏi dự án BOO1 (riêng tuyến Cầu Giẽ-Ninh Bình vẫn thuộc BOO1 do đã triển khai thực hiện) đồng thời bổ sung các trạm địa phương đã kết nối với dự án. Sau khi điều chỉnh, dự án gồm 50 trạm thu phí, trong đó có 32 trạm trên các tuyến quốc lộ, 3 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc (cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội - Hải Phòng) và 15 trạm kết nối với dự án do 7 địa phương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Đến thời điểm này tất cả các trạm thu phí thuộc phạm vi dự án BOO1 đều đã được lắp đặt và vận hành hệ thống thu phí ETC. Để lắp đặt tự động tại tất cả các cửa theo chỉ đạo của Thủ tướng, VETC và các nhà đầu tư BOT cần lắp đặt khoảng 50 cửa thu phí không dừng (VETC lắp 20 cửa, các nhà BOT lắp 8 cửa và VEC lắp 22 cửa). Hiện nay, VETC và các nhà đầu tư BOT đã có đủ thiết bị để lắp đặt, dự kiến hoàn thành đúng tiến độ; riêng 22 cửa còn lại của dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình không thể thực hiện trong năm nay do vướng mắc về vốn (Theo dự án được phê duyệt Cầu Giẽ - Ninh Bình phải lắp đặt 37/37 cửa thu phí, hiện nay đã lắp đặt 15/37 cửa). Như vậy, đến hết năm 2020 cơ bản dự án BOO1 hoàn thành đúng chỉ đạo.
Đối với Dự án BOO2 gồm 33 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, do trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ GTVT nhận thấy có 8 trạm thu phí có tính đặc thù dẫn đến việc không thể triển khai hoặc chưa thể triển khai thu phí tự động không dừng ngay trong năm 2020 như: 2 trạm có doanh thu quá thấp (cầu Mỹ Lợi, cầu Thái Hà), 3 trạm có thời gian thu phí còn lại ngắn (3 trạm trên QL51) và 3 trạm còn vướng mắc trong việc thu phí (QL3, T2-QL91 và QL14 Quang Đức). Nội dung này đã được Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
Như vậy, sau khi cập nhật, điều chỉnh số trạm thuộc dự án BOO2 phải lắp đặt trong năm 2020 là 25 trạm (VDTC lắp đặt 20 trạm, 5 trạm do NĐT BOT lắp đặt). Hiện nay, VDTC đã hoàn thiện toàn bộ công tác thiết kế, đang sản xuất, lắp đặt giá long môn và hệ thống trung tâm dữ liệu (Back-end) của dự án; đã đặt mua thiết bị thu phí không dừng tại trạm (20 trạm/108 cửa), đã bắt đầu triển khai lắp đặt từ ngày 16/11/2020. Theo báo cáo, đến 30/11/2020 sẽ lắp đặt vận hành 12 trạm và 8 trạm tiếp theo trước ngày 20/12/2020. Các NĐT BOT cũng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm chung rất cao và cam kết lắp đặt và vận hành đúng tiến độ đối với 5 trạm còn lại .
Liên quan đến phương án kết nối liên thông giữa 2 dự án, Bộ GTVT cho biết là 2 nhà đầu tư Dự án BOO1 và BOO2 đã hoàn thiện hệ thống phần mềm, bắt đầu kết nối thử để đảm bảo vận hành trong tuần cuối tháng 11/2020.
Theo Bộ GTVT, số lượng dán thẻ các phương tiện trong thời gian qua có tăng (đã dán khoảng 1 triệu thẻ), tuy nhiên chưa đạt kỳ vọng. Theo báo cáo dự án BOO2 dự kiến bắt đầu tổ chức dán thẻ trong tháng 11/2020. Để tăng cường công tác dán thẻ, Bộ GTVT đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị gương mẫu tổ chức dán thẻ cho các phương tiện công thuộc cơ quan và các phương tiện cá nhân thuộc cán bộ, công chức của đơn vị. Để phát huy tinh thần gương mẫu, đề nghị Bộ trưởng giao Văn phòng, phối hợp VETC tổ chức dán thẻ cho các phương tiện thuộc Bộ GTVT và của cán bộ công chức Bộ GTVT.
Do thời gian còn lại để hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc còn lại còn lớn nên lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan đơn vị phải khẩn trương bám sát tiến độ hoàn thành của từng hạng mục; tăng cường giám sát, đôn đốc tình hình triển khai các dự án thu phí tự động không dừng; chủ động xử lý các vướng mắc phát sinh của dự án thuộc thẩm quyền; đẩy nhanh đàm phán ký kết phụ lục Hợp đồng BOT và các Hợp đồng dịch vụ cho phù hợp với phương án tài chính điều chỉnh đã được phê duyệt.
“Tất cả các đơn vị liên quan phải nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao nhất để hoàn thành Dự án đúng tiến độ yêu cầu sau khi được rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tế”, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.