Tạo cú huých để thương hiệu muối Bạc Liêu phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
Có tuổi đời hơn 100 năm, song nghề làm muối ở Bạc Liêu vẫn còn gặp nhiều thăng trầm trong quá trình duy trì và phát triển, vì vậy cần mở một lối đi mới và tạo đột phá để nâng tầm giá trị kinh tế, văn hóa và thương hiệu cho nghề muối Bạc Liêu vươn xa.
Điểm tham quan cánh đồng muối tại huyện ven biển Đông Hải. Bạc Liêu (Ảnh: Phan Thanh Cường) Điểm tham quan cánh đồng muối tại huyện ven biển Đông Hải. Bạc Liêu (Ảnh: Phan Thanh Cường)

Thăng trầm nghề muối Bạc Liêu

Nghề muối Bạc Liêu được hình thành và phát triển hơn 100 năm. Muối Bạc Liêu xưa gọi là muối Ba Thắc - thương hiệu dân gian nổi tiếng gắn liền với sinh kế của nhiều diêm dân và đã trở thành nghề truyền thống của người dân xứ biển Bạc Liêu. Muối Bạc Liêu không chỉ được nhiều người ưa chuộng, sử dụng rộng rãi trong nước mà còn được xuất khẩu, nhất là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc... Tuy được công nhận chỉ dẫn địa lý, công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nhưng diêm dân chưa thể giàu lên từ muối.

Mặc dù chất lượng và hương vị đặc thù của muối Bạc Liêu luôn được đánh giá cao hơn muối của các khu vực khác trong và ngoài nước; diêm dân vẫn kiên trì bám trụ sản xuất; tiềm năng và dư địa phát triển lớn song nghề làm muối ở Bạc Liêu vẫn còn gặp nhiều thăng trầm trong quá trình duy trì và phát triển (giá trị hạt muối vẫn chưa được đề cao; điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa do ảnh hưởng biến đổi khí hậu vẫn còn tái diễn; việc mua, bán muối chưa có được sự liên kết theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp chế biến muối với các hợp tác xã, tổ hợp tác và diêm dân).

Với gần 1.500 ha, Bạc Liêu là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước, sản lượng hằng năm đạt hơn 15.000 tấn. Muối được sản xuất tại Bạc Liêu có hương vị đậm đà, độc đáo vì trong muối có hàm lượng magiê, canxi, sunfat... rất thấp, không gây vị đắng, chát; trong khi đó hàm lượng natriclorua rất cao. Điều này đã làm cho muối Bạc Liêu nổi tiếng từ xưa đến nay và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Muối Bạc Liêu có tiếng là vậy, nhưng làm muối vẫn là một nghề đã và đang trải qua rất nhiều thăng trầm. Mặc dù năm 2013 muối Bạc Liêu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý muối ăn Bạc Liêu, được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2020 “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhưng đời sống của diêm dân vẫn còn gặp khó và diện tích làm muối giảm dần. Nếu như năm 2011, toàn tỉnh có hơn 3.000 ha sản xuất muối, khoảng 1.300 hộ trực tiếp làm muối thì đến năm 2015 giảm xuống còn hơn 2.600 ha và năm 2022 chỉ còn 1.411 ha.

Tình trạng này là do việc sản xuất muối không mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các mô hình sản xuất khác nên nhiều diêm dân đã chuyển đổi mô hình sản xuất để có thu nhập cao hơn. Nghề muối ở Bạc Liêu tồn tại trên 100 năm nhưng cư dân xứ biển chưa thể giàu lên từ hạt muối. Nguyên nhân là do diện tích canh tác của từng gia đình không nhiều, giá cả bấp bênh, khâu tiêu thụ còn bất cập và nhiều lý do khác.

Trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp thu mua, chế biến muối nhưng các doanh nghiệp này chưa có nhiều hoạt động liên kết tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm cho các HTX, tổ hợp tác và diêm dân. Diêm dân chủ yếu bán muối thô cho doanh nghiệp hoặc thương lái thông qua thỏa thuận về giá cả giữa các bên.

Chính quyền, doanh nghiệp và diêm dân cùng vào cuộc

Những khó khăn, tồn tại nêu trên đã được lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bạc Liêu nhận diện, quan tâm chỉ đạo sát sao từ rất sớm với định hướng chung: phải bảo tồn và phát triển nghề muối Bạc Liêu tương xứng với tiềm năng và lợi thế đặc thù của tỉnh, từng bước nâng cao giá trị hạt muối giúp diêm dân sống và làm giàu từ nghề muối.

Với mục tiêu đó thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ bà con nông dân phát triển bền vững với nghề làm muối và nâng cao giá trị hạt muối. cụ thể như: Gửi hồ sơ đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý muối ăn Bạc Liêu được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đề nghị và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

Tỉnh còn triển khai các chính sách để hỗ trợ bà con diêm dân như: Xây dựng đề án Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu theo Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ; từ đó tỉnh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ triển khai thực hiện dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối Đông Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021-2025, với tổng số vốn trên 127 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Dự án này hoàn thành sẽ giúp cơ sở hạ tầng đồng muối tỉnh Bạc Liêu được nâng cấp, việc sản xuất, vận chuyển mua bán muối của bà con diêm dân được thuận lợi, giảm chi phí, giá tăng lợi nhuận; hỗ trợ diêm dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất muối nhằm nâng cao năng suất, lợi nhuận và đa dạng hóa sản phẩm muối từ đó tạo ra giá trị gia tăng cho hạt muối cao hơn (hỗ trợ đầu tư mô hình sản xuất muối trải bạt trên nền sân kết tinh; Triển khai thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm muối spa…).

Bên cạnh đó, Tỉnh phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nghề muối, nâng cao hiệu quả sản xuất và chế biến muối; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của 6 hợp tác xã hiện có (2 cũ, 4 thành lập mới) với các nội dung sau:

Tư vấn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, kế hoạch và các nội dung cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX diêm nghiệp (tập trung thúc đẩy liên kết hợp tác, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, đã mời được 2 doanh nghiệp chế biến muối trên địa bàn tỉnh: Công ty cổ phần muối Bạc Liêu và Công ty cổ phần muối Đông Hải tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho diêm dân với giá cả hợp lý giúp diêm dân yên tâm sản xuất).

Tập huấn nâng cao năng lực quản trị HTX cho Giám đốc và cán bộ quản lý HTX về kỹ năng quản trị và phát triển hợp tác xã; quản lý thương hiệu, nhãn hiệu tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất chế biến muối; liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tập huấn cho xã viên và người dân về kỹ thuật, quy trình sản xuất muối sạch chất lượng cao, kiến thức về thị trường, kiến thức về khai thác du lịch trải nghiệm nâng cao thu nhập cho diêm dân. Hỗ trợ kho bảo quản, mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất muối; Hỗ trợ bao bì, nhãn hiệu đối với các sản phẩm chế biến muối cho các HTX, cơ sở sản xuất muối theo chính sách khuyến diêm (Nghị định số 40/2017/NĐ-CP) và hỗ trợ phát triển HTX (quy định tại Quyết định 1804/QĐ-TTg).

Tập trung khai thác Di sản phi vật thể Quốc gia đối với nghề làm muối của tỉnh theo hướng phát triển các loại hình du lịch ngành nghề, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm tại vùng sản xuất muối (hiện nay tỉnh đang hợp tác với tổ chức UNDP triển khai Dự án Bảo tồn và nâng cao giá trị nghề muối truyền thống gắn phát triển du lịch vùng ven biển huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, kết quả bước đầu rất khả quan).

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu cho biết, ngành đã hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm muối cho sản phẩm muối của các HTX, doanh nghiệp tham gia liên kết. Tham gia chương trình xúc tiến thương mại, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu trong nước và quốc tế; phát triển tài liệu hướng dẫn; xây dựng diễn đàn chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong các vùng nguyên liệu; xây dựng Website, thiết lập và vận hành cổng kết nối thương mại sản phẩm muối Việt Nam...

Chung tay để thương hiệu muối Bạc Liêu vươn xa

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, để thuyết phục được diêm dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất muối từ phương pháp truyền thống sang hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật mới để hạt muối làm ra trắng đẹp hơn, sản lượng cao hơn so với cách làm truyền thống, ngay từ năm 2009, Sở đã chủ động tuyên truyền tập huấn và cho triển khai thử nghiệm mô hình sản xuất muối trải bạt trên sân kết tinh với diện tích 5 ha tại huyện Đông Hải, và hiệu quả mang lại của mô hình này là rất lớn (năng suất cao hơn 40%, lợi nhuận tăng gấp đôi) nên được nhiều hộ làm muối trong địa bàn huyện mạnh dạn đầu tư sản xuất. Tính đến vụ mùa 2023-2024, diện tích muối sản xuất theo mô hình trải bạt trên sân kết tinh là 257 ha (tăng 252 ha so năm 2009).

Bên cạnh hiệu quả mang lại (năng suất, lợi nhuận cao hơn sản xuất truyền thống) mô hình vẫn còn điểm nghẽn chung, đó là nguồn vốn đầu tư tương đối lớn so với mặt bằng và điều kiện sản xuất hiện có của diêm dân. Đây là một trong những rào cản làm nghề muối Bạc Liêu phát triển chậm so với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

"Để giúp diêm dân, doanh nghiệp, HTX tiếp cận được nguồn vốn để phát triển sản xuất muối bằng kỹ thuật hiện đại, thời gian qua tỉnh Bạc Liêu ban hành Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 của HĐND tỉnh khóa IX về phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Quyết định số 350/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt Đề án Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do đến nay chưa có doanh nghiệp, HTX hay cá nhân nào của tỉnh xây dựng được dự án theo đúng tiêu chí quy định để được nhận hỗ trợ theo chính sách trên. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ có đề xuất để tháo gỡ tồn tại này", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu nhấn mạnh.

Cùng với sự cần cù của diêm dân, sự hỗ trợ của chính quyền và đồng hành của doanh nghiệp, HTX, sản phẩm muối đa dạng nhất là sản phẩm dùng trong ăn uống, thực phẩm. Hiện nay, các doanh nghiệp và cơ sở chế biến muối trên địa bàn tỉnh đã sản xuất rất nhiều sản phẩm từ muối (đã có 11 sản phẩm của 3 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 8 sản phẩm 4 sao và 3 sản phẩm 3 sao) như: Muối tinh Bạc Liêu; Muối tôm Bạc Liêu; Muối chay Bạc Liêu; Muối hạt Bạc Liêu; Muối Iod Bạc Liêu; Muối ớt Bạc Liêu; Muối tiêu Bạc Liêu; Muối hạt sạch; Muối hạt sạch sấy; Muối tinh sấy Iod.

Các sản phẩm chủ yếu được bán cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, các siêu thị lớn trong nước. Ngoài ra, Công ty cổ phần muối Bạc Liêu đã có một số sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiện trên thị trường, muối đen có giá 900 đồng/kg, muối trải bạt cao nhất cũng chỉ 1.200 đồng/kg, tất cả món ăn không thể thiếu vị mặn mòi của muối, nhưng người tiêu dùng cũng không thể ăn một lúc quá nhiều, cho nên lượng tiêu thụ không lớn. Vì vậy muốn bán được muối với số lượng lớn, giá trị cao phải nghĩ ra cách đa dạng sản phẩm, gia tăng hàm lượng chất xám, công nghệ và giá trị gia tăng cho hạt muối Việt Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều chia sẻ: muối Bạc Liêu có giá 900 đồng/kg, trong khi Singapore đưa công nghệ vào chế biến bán 1,8 triệu đồng/100gr muối làm đẹp! Đây là loại muối đã qua công nghệ chế biến và đưa trí tuệ vào để làm, do đó tỉnh rất cần có thêm các đối tác chế biến sản phẩm như vậy từ muối ở Bạc Liêu để bán ra thế giới, nâng giá trị hạt muối. Để tiến hành, rất cần sự cộng lực của các nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà quản lý và dĩ nhiên bản thân người làm muối đã và luôn sẵn sàng, bởi khát khao làm giàu từ hạt muối luôn cháy bỏng ở những con người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” này.

Mới đây, phát biểu tại buổi Họp báo công bố Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2024 dự kiến tổ chức vào 26 - 28/12/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều kỳ vọng, cùng với sự phối hợp hỗ trợ tích cực của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, cộng với quyết tâm tổ chức thành công festival lần đầu tiên về nghề muối Việt Nam của chính quyền, diêm dân và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu, các sự kiện trong chuỗi hoạt động sẽ được tổ chức chu đáo, đặc trưng nhằm tôn vinh, quảng bá, giới thiệu và xây dựng hình ảnh đặc trưng, thế mạnh các sản phẩm muối, mở ra hướng đi mới cho nghề muối Bạc Liêu và cả nước, nâng tầm giá trị kinh tế, giá trị văn hóa, bảo tồn và phát huy quảng bá thương hiệu muối Bạc Liêu; đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Bạc Liêu và mở ra triển vọng mới phát triển nghề muối Việt Nam trong tương lai.

Huy Tự
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục