Tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia đầu tư năng lượng phục vụ phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Để có thể đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển bền vững, rất cần thiết phải gia tăng các nguồn năng lượng tái tạo vào cơ cấu nguồn điện, do đó cần tạo các điều kiện thuận lợi và cơ hội cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào lĩnh vực này thông qua cơ chế và chính sách giá, vốn hấp dẫn cũng như thủ tục đầu tư thuận lợi.

Tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia đầu tư năng lượng phục vụ phát triển bền vững

Đây là các kiến nghị được các doanh nghiệp và chuyên gia đề xuất tại Diễn đàn “An ninh năng lượng cho phát triển bền vững” do Vụ Dầu khí và Than - Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức sáng nay 22/12, tại Hà Nội.

Đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng

Mục tiêu của Diễn đàn hướng tới thực hiện thực hiện triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các phân ngành năng lượng phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối khu vực và quốc tế được nâng cao; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học - công nghệ và năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến của một nước công nghiệp phát triển hiện đại.

Theo TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đối với Việt Nam, việc bảo đảm an ninh năng lượng được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

Toàn cảnh Diễn đàn “An ninh năng lượng cho phát triển bền vững”

Toàn cảnh Diễn đàn “An ninh năng lượng cho phát triển bền vững”

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ quan điểm “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Đồng thời, Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

“Vì vậy đây là chủ đề có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất cao, nhất là trong bối cảnh việc đảm bảo an ninh năng lượng trên phương diện quốc gia chính là sự duy trì liên tục, ổn định và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng năng lượng với mức giá cả chấp nhận được đối với quốc gia đó. Đặc biệt trong đó các vấn đề về giá cả và sự đa dạng về nguồn cung cấp là những yếu tố có tính quyết định đến an ninh năng lượng xét trên góc độ lợi ích quốc gia”, TS Hiển nhấn mạnh.

Theo đại diện Bộ Công Thương, thực tiễn phát triển năng lượng quốc gia từ năm 2007 đến nay cho thấy, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, đó là các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, cơ cấu đang bị mất cân đối, áp lực phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn;

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi (bao gồm các chỉ tiêu như Tỷ số trữ lượng và sản xuất than, dầu và khí tự nhiên ngày càng giảm; Sự phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên ngày càng tăng; Tỷ trọng chi phí nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên trong tổng thu nhập quốc nội ngày càng tăng.

Đáng chú ý, từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng và xu hướng này ngày càng tăng lên nhanh trong dài hạn; các mối đe dọa liên quan đến an ninh năng lượng ngày càng lớn.

Nguyên nhân chủ yếu là do tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện về cơ bản đã khai thác hết; sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn sau thời gian dài khai thác đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn;

Tuy trữ lượng than còn nhiều nhưng chưa khai thác triệt để do công nghệ còn lạc hậu và điều kiện khai thác ngày càng khó khăn làm tăng giá thành; một số dự án nguồn điện chưa đưa vào vận hành do chậm tiến độ và chậm khởi công so với quy hoạch, hoặc dừng triển khai;

Chưa có một chiến lược và chính sách cụ thể rõ ràng để bảo đảm khả năng tiếp cận được các nguồn năng lượng có khả năng cung cấp dài hạn, có độ tin cậy cao, giá thành hợp lý; giá năng lượng còn chưa theo cơ chế thị trường; khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề cung cấp năng lượng dẫn đến hệ số đàn hồi năng lượng cao…

“Thực tế, Việt Nam hiện nay mới bắt đầu nghiên cứu có tính tổng thể về bài toán đánh giá mức độ đảm bảo an ninh năng lượng. Trong điều kiện hệ thống năng lượng cũng như nền kinh tế Việt Nam có những đặc điểm riêng, cần thiết phải xây dựng cơ sở phương pháp luận và mô hình mô phỏng hệ thống năng lượng Việt Nam với các dấu hiệu phù hợp với điều kiện tự nhiên và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta”, ông Nguyễn Việt Sơn – Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương khuyến nghị.

Cần có cơ chế giá hợp lý, thuận lợi về thủ tục cho nhà đầu tư

Theo ông Sơn, còn nhiều thách thức trong việc cân đối đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo chi phí sản xuất hợp lý trong lĩnh vực năng lượng cũng như các vấn đề về môi trường...

Do đó, ngoài câu chuyện nguồn lực về năng lượng trong nội lực, ông Sơn cho rằng còn phải cân nhắc về nhập khẩu điện. Hiện nay, ngoài thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo cũng được nằm trong cơ cấu nguồn điện và đang phát triển khá nhanh ở Việt Nam, tuy nhiên bộc lộ những bất cập.

Trong cơ cấu nguồn điện 2035 - 2045, Quy hoạch VIII, tăng năng lượng tái tạo, giảm về nhiệt điện, thủy điện.

Đối với các vấn đề về môi trường, hiện nay có hai vấn đề nổi cộm bức xúc đó là vấn đề tro xỉ của nhiệt điện than gây ảnh hưởng đến ô nhiễm không khí, và khó khăn, vướng mắc về tài chính đã gây ra sự chậm trễ các dự án, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng trong việc xử lý môi trường.

Một vấn đề mà các chuyên gia cũng quan tâm là trong khi quy mô thị trường điện và năng lực sản xuất điện còn thấp, thì hiện nay điện gió và điện mặt trời chưa được tham gia đầy đủ vào thị trường điện.

Thị trường điện cạnh tranh đang theo 3 lộ trình: phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh và bán lẻ cạnh tranh. Bán lẻ cạnh tranh thực hiện thí điểm từ 2021 và dự kiến thực hiện từ 2023.

“Tuy nhiên theo cơ chế FIT, chúng ta đang có giá rất cao so với giá bán lẻ, khiến nhiều nhà đầu tư không mặn mà với việc đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Một câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra là cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp DPPA, khi cơ chế này vận hành, các doanh nghiệp làm trực tiếp, EVN chỉ làm nhiệm vụ cung ứng dịch vụ để bên mua và bên bán gặp nhau, tất cả chi phí đều thể hiện rõ ràng cho các bên tham gia thị trường. Do đó rất cần sớm nghiên cứu áp dụng một cách phù hợp vào thực tiễn những điểm ưu việt của cơ chế này để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư”, ông Sơn nhận định.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, trong thời gian gần đây, xuất hiện nhiều dự án điện mặt trời mái nhà, Bộ Công thương nên khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng này.

Theo ông Vy, hiện các doanh nghiệp cũng đã đầu tư và đảm bảo về an ninh năng lượng, tuy nhiên chất lượng điện năng chưa đảm bảo, một số doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu đặc thù đòi hỏi nguồn điện chất lượng cao để phục vụ cho sản xuất, do đó cần phải có giá riêng để đảm bảo nguồn điện năng chất lượng tốt để các doanh nghiệp có động cơ tham gia vào đầu tư.

Ông Vy cũng kiến nghị nên ưu tiên nguồn vốn cho các doanh nghiệp có dự án sản xuất năng lượng sạch, đảm bảo tiêu chí thân thiện môi trường đối với các dự án điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Trưởng ban Điện và Năng lượng tái tạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Huy Vượng cho biết, các dự án của PVN đầu tư về điện có hiệu suất sử dụng cao. Tuy nhiên trong quá trình triển các dự án tập đoàn vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc về thủ tục triển khai.

“Nghị quyết 55 về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia có đề cập đến năng lượng tái tạo tiết kiệm điện là cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Tuy nhiên cơ hội cũng song hành thách thức, để thực hiện được việc triển khai đầu tư các dự án, với thế mạnh khai thác các dự án ngoài khơi xa bờ và tiềm lực về cơ sở hạ tầng, PVN sẽ có lợi thế làm các dự án điện gió nước sâu xa bờ. Tập đoàn mong sớm có chấp thuận từ Chính phủ để PVN có thể triển khai thực thi”, đại diện PVN kiến nghị.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, để có thể đảm bảo cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia, phát triển bền vững, rất cần thiết phải gia tăng các nguồn năng lượng tái tạo vào cơ cấu nguồn điện.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, trong trường hợp cần thiết có thể lập các dự án thực hiện chuyển một số nhà máy từ đốt than sang đốt kèm sinh khối hoặc chuyển từ đốt than sang đốt hoàn toàn bằng sinh khối... để có thể giảm thiểu những nguy cơ về ô nhiễm môi trường.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục