Kinh tế tăng trưởng tốt sẽ không cần lãi suất thấp
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tiếp nối đà giảm lãi suất từ cuối năm 2023, xu hướng giảm lãi suất huy động và cho vay được duy trì sang năm 2024. Tính đến đến cuối tháng 3 năm nay, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,7 - 9,9%/năm.
Giám đốc Công ty TNHH Nhựa Bao bì ở Đồng Nai cho biết, BIDV đang “mời chào” cho vay với lãi suất từ 5%/năm, nhưng Công ty không có kế hoạch vay, bởi nhu cầu về sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường nội địa giảm mạnh, bên cạnh xuất khẩu vẫn “èo uột”.
“Thông thường, từ tháng 1 đến tháng 7, doanh thu của Công ty chiếm tới 70% doanh thu cả năm, nhưng tính đến cuối tháng 3 năm nay, doanh thu mới đạt 20%. Một tuần chỉ sản xuất 4 ngày và không sản xuất cả ngày nên doanh nghiệp không thể đầu tư thêm, thậm chí cái gì có thể cắt giảm được là cắt hết, co cụm hết sức có thể”, vị giám đốc Công ty Nhựa Bao bì nói và cho biết thêm, doanh nghiệp ông có 2 ha đất phục vụ sản xuất - kinh doanh ngay mặt đường, trước đây cho thuê với giá 100 - 200 triệu đồng/tháng, hiện nay bỏ trống vì không ai thuê, dù giảm giá hết cỡ, xuống còn 0 đồng.
Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ chia sẻ: “Trước đây, mỗi năm doanh nghiệp xuất khẩu hơn 5.000 container, nhưng sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh quý I/2024 sụt giảm, dự báo cả năm 2024 chỉ đạt khoảng 1.000 container. Do đó, tôi đã lên phương án bán và giảm giá hai phần ba doanh nghiệp, nhưng chưa tìm được người mua”.
Chủ một dãy nhà trọ với 100 phòng cho thuê tại Đồng Nai cho hay, những năm trước, cứ người này trả phòng là có người khác đến thuê, chứ không có chuyện phòng trống, nhưng hiện nay dư 30% là chuyện bình thường.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp khác tại Đồng Nai hiện lo ngại về tình trạng hoạt động khó khăn có thể kéo dài, không biết liệu có cầm cự được đến tháng 9 năm nay hay không. Có doanh nghiệp dự báo, đến tháng 6/2025 mới có hy vọng phục hồi.
“Chúng tôi luôn kỳ vọng lãi suất thấp khoảng 7 - 8%/năm là ổn, nhưng trong một nền kinh tế tăng trưởng sẽ không cần lãi suất thấp. Nếu hoạt động sản xuất - kinh doanh mang về doanh thu 15 - 20%, doanh nghiệp sẵn sàng vay với lãi suất 9 - 10%/năm. Vấn đề hiện nay không phải là câu chuyện lãi suất, mà là không có cơ hội để nâng cao doanh thu trong sản xuất”, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết.
“Những ngày qua, thị trường ‘nóng’ câu chuyện vàng, nhưng với những người sản xuất - kinh doanh như chúng tôi đều hiểu, nếu nền kinh tế tăng trưởng thực sự, hoạt động kinh doanh tốt, người dân sẽ có kênh đầu tư và thị trường vàng không có cơ hội ‘dậy sóng’, lãnh đạo doanh nghiệp không nhẩn nha đi đánh golf và lãnh đạo ngân hàng không ‘kêu trời’ bởi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn chưa hoàn thành”, vị giám đốc Công ty Nhựa Bao bì nói.
Góc nhìn lạc quan
Vấn đề hiện nay đối với nhiều doanh nghiệp không phải là câu chuyện lãi suất, mà là không có cơ hội để nâng cao doanh thu trong sản xuất.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 13,78%, hoàn thành mục tiêu. Trong quý I/2024, tăng trưởng tín dụng đạt gần 0,9%, cải thiện so với mức giảm 0,72% tính đến cuối tháng 2/2024, nhưng lực cầu tín dụng trong nền kinh tế vẫn rất yếu.
“Việc thúc đẩy tín dụng trong những tháng cuối năm 2023 (riêng tháng 12 tăng thêm 2,48%) nhằm đạt được mục tiêu đề ra trong bối cảnh nhu cầu chưa thực sự phục hồi đã kéo theo tăng trưởng tín dụng giảm tốc trong 2 tháng đầu năm 2024”, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận xét.
Ở góc nhìn lạc quan, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, tăng trưởng tín dụng năm 2024 có thể đạt mục tiêu 14 - 15%. Những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng đầu năm nay được kỳ vọng sẽ tiếp diễn, các đơn hàng tiếp tục quay trở lại. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu sẽ đạt mức tăng trưởng từ 10 - 12% trong năm 2024.
Với thị trường bất động sản, bà Hiền cho biết, có những dấu hiệu “ấm” dần khi giá chung cư tại một số khu vực thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM tăng cùng với nhu cầu gia tăng. Một trong những lý do là nguồn cung bị hạn chế trong 2 năm gần đây khi gần như không có dự án mới được phê duyệt. Điều này kỳ vọng có thể thúc đẩy tín dụng trong thị trường bất động sản thứ cấp, từ đó giúp mảng cho vay mua nhà phục hồi.
“Việc duy trì mức lãi suất thấp như hiện tại của Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ hoạt động đầu tư máy móc, thiết bị cùng với gia tăng trữ lượng hàng tồn kho, giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong 6 tháng tới. Lãi suất cho vay mua nhà được ghi nhận tại một số ngân hàng thương mại có vốn nhà nước như Vietcombank, BIDV giảm xuống mức thấp kỷ lục”, bà Hiền nói và cho hay, MBS điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2024 của hầu hết ngân hàng niêm yết trong danh sách theo dõi, với kỳ vọng cả mảng cho vay khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân đều sẽ có sự chuyển biến tích cực hơn.
Cụ thể, nhóm khách hàng doanh nghiệp có thể dẫn dắt tín dụng ít nhất đến hết quý II/2024, chủ yếu nhờ hoạt động xuất khẩu và đầu tư cơ sở hạ tầng, trước khi tiêu dùng bán lẻ phục hồi và thúc đẩy mức tăng trưởng tín dụng của toàn ngành. Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn như Techcombank, MB, VPBank có tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn dự kiến đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn toàn ngành trong 6 tháng đầu năm 2024.
Ngoài ra, những ngân hàng có chi phí vốn thấp nhờ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao như Techcombank, MB, Vietcombank, hoặc có các khoản vay hợp vốn chi phí rẻ như HDBank, VIB sẽ có lợi thế cạnh tranh tín dụng trong việc giảm lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ tăng cường thu hút tín dụng từ nhóm khách hàng cá nhân trong nửa cuối năm 2024.
Trong diễn biến có liên quan, bà Hiền cho rằng, môi trường lãi suất huy động thấp như hiện tại là điều kiện tiên quyết cần được duy trì trong 6 tháng tiếp theo, khi mà nhu cầu tín dụng vẫn còn yếu. Điều này sẽ tạo động lực cho các ngân hàng hạ lãi suất cho vay nhằm kích thích nhu cầu tín dụng và chi phí vốn (COF) theo đó được neo giữ ở mức thấp. Đây sẽ là cơ hội cho các ngân hàng cải thiện biên lãi ròng (NIM).