Tăng trưởng tín dụng gấp 3 lần GDP là một rủi ro

(ĐTCK) Thông tin được đưa ra từ một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 12, tín dụng toàn ngành tăng trưởng khoảng 15% so với đầu năm. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay theo các chuyên gia chắc chắn đạt được. 
Tính đến giữa tháng 12, tín dụng toàn ngành tăng trưởng khoảng 15% so với đầu năm Tính đến giữa tháng 12, tín dụng toàn ngành tăng trưởng khoảng 15% so với đầu năm

Trong những ngày cuối năm, các ngân hàng vẫn liên tiếp công bố các gói tín dụng. Chẳng hạn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố dành gói tín dụng ưu đãi tối thiểu 50.000 tỷ đồng để phục vụ phát triển nông nghiệp sạch.

Theo đó, đối tượng khách hàng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn được Agribank thực hiện ưu đãi cho vay.

Lãi suất cho vay, tùy theo mức độ tham gia các khâu trong chuỗi cung ứng vật tư đầu vào - sản xuất - tiêu thụ, khách hàng được áp dụng mức lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5 - 1,5% so với lãi suất cho vay thông thường của Agribank.

VietinBank cũng ký kết hợp đồng hỗ trợ tín dụng với 104 khách hàng doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM với tổng giá trị các hợp đồng gần 33.000 tỷ đồng. Dự kiến, đến ngày 31/12/2016, doanh số giải ngân của ngân hàng cho các hợp đồng ký kết thuộc Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp TP.HCM sẽ đạt hơn 100.000 tỷ đồng.

SHB vừa đưa ra một loạt gói giải pháp tài chính toàn diện và tối ưu được thiết kế riêng cho từng đối tượng khách hàng doanh nghiệp, chẳng hạn như “SHB đồng hành phát triển cùng CC1”.

Đây là chương trình dành riêng cho Tổng công ty Xây dựng số 1, các công ty con, doanh nghiệp trực thuộc CC1, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ trực tiếp cho CC1 và các cán bộ nhân viên của Tổng công ty. Theo đó, SHB sẽ hỗ trợ về vốn với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,5%/năm.

Cũng từ mức lãi suất ưu đãi 6,5%/năm, SHB dành gói tín dụng 250 tỷ đồng cho các nhà phân phối sản phẩm Vinamilk có nhu cầu vay vốn để kinh doanh. Tham gia chương trình này, các khách hàng sẽ được SHB tài trợ vốn với nhiều hình thức đa dạng: cho vay theo hạn mức, cho vay theo món, bảo lãnh thanh toán, thấu chi tài khoản.

Các doanh nghiệp có thể vay không tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo đa dạng: bất động sản, hàng hóa, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị hoặc các tài sản đảm bảo khác… Tỷ lệ đảm bảo tối đa đến 85% giá trị tài sản. 

Chặn sớm nguy cơ tăng nóng

Theo ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng tín dụng cả năm nay có thể đạt khoảng 18%. Trong đó, tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản tăng khoảng 12,5%, chiếm 8,4% tổng tín dụng. Tín dụng tiêu dùng tăng khoảng 39%, chiếm 11,4% tổng tín dụng, trong đó, đáng chú ý là tới 50% tín dụng tiêu dùng là cho vay sửa chữa, mua nhà để ở.

Trong khi đó, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một số ngân hàng khẳng định đã trót “tiêu” hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp cho cả năm từ vài tháng trước, nhưng vẫn không được Ngân hàng Nhà nước nới quota. Để có thể tiếp tục cho vay, ngân hàng phải thu hồi nợ cũ nhưng việc này trong thời gian điểm cuối năm cận kề là rất khó khăn.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, đến thời điểm hiện tại, room tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng gần như đã kịch trần và con số tăng trưởng thực tế toàn hệ thống ngân hàng có thể đã lên đến 19%.

“Tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng tôi đến giữa tháng 12 đã đạt trên 19% và vẫn còn những hợp đồng với tổng trị giá cho vay vài nghìn tỷ đồng nữa nhưng chưa được phép ký”, vị tổng giám đốc trên tiết lộ.

Dựa trên số liệu đã công bố của Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phân tích, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức cao làm dấy lên quan ngại về tăng rủi ro đối với ổn định tài chính trong trung hạn.

Để theo đuổi chỉ tiêu chính thức về tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã phải nới lỏng chính sách cẩn trọng vĩ mô, bao gồm điều chỉnh trọng số rủi ro và hệ số vốn vay dài hạn trên tiền gửi ngắn hạn, làm tăng thanh khoản để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 19% (so với cùng kỳ năm trước).

Tăng trưởng tín dụng cao gấp gần ba lần so với tốc độ tăng trưởng GDP có thể làm tăng những rủi ro hiện hữu về ổn định tài chính, đặc biệt với tỷ lệ tín dụng trên GDP hiện ở mức 12%, vốn đã cao cho quốc gia ở mức thu nhập như Việt Nam.

“Những quan ngại trên là có cơ sở trong điều kiện các món nợ xấu trước đây vẫn chưa được xử lý triệt để và vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nhiều ngân hàng. Một vấn đề cần quan tâm nữa là dung lượng tín dụng cho tăng trưởng dường như đang bị đẩy lên do lượng tín dụng tăng nhanh, nhưng lại tạo ra mức tăng trưởng kinh tế không cao như dự kiến”, ông Sebastian Eckardt khuyến nghị.  

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục