Tăng trưởng tín dụng năm nay khó đạt mục tiêu

(ĐTCK) Vấn đề đặt ra có lẽ hơi bất ngờ khi phần lớn mọi nhận định trước đây đều cho rằng không những tăng trưởng tín dụng đạt mà còn vượt mục tiêu đặt ra từ đầu năm…
Tín dụng vẫn được định hướng vào lĩnh vực ưu tiên là sản xuất, doanh nghiệp khởi nghiệp,…. Tín dụng vẫn được định hướng vào lĩnh vực ưu tiên là sản xuất, doanh nghiệp khởi nghiệp,….

Tín dụng tăng khó dù ngân hàng có nhiều ưu đãi

Các ngân hàng vẫn tiếp tục tung ra các chương trình ưu đãi cho vay, nhưng số liệu cho thấy thanh khoản tiếp tục dư thừa, một chỉ báo thể hiện nguồn vốn ngân hàng dư dả. Điều này phù hợp với con số mới nhất của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, đó là đến 23/8/2016, tín dụng nền kinh tế tăng 9,09% so với cuối năm 2015, tức là mới bằng một nửa so với kế hoạch là 18-20% năm nay.

Đáng chú ý trong đó, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến tháng 8/2016 ước đạt khoảng 900.000 tỷ đồng, tăng 6,64% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 18% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Tín dụng dành cho lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, sản xuất,… phản ánh thực chất nhất về định hướng tín dụng và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Do đó, luôn được quan tâm đánh giá.

Trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2016, được công bố cuối tháng 8 vừa qua, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) nhấn mạnh: “Tín dụng các khu vực ưu tiên tăng trưởng thấp hơn mức chung của toàn hệ thống. Cụ thể, tính đến hết tháng 7, tín dụng tăng trưởng 9,45% so với đầu năm, trong đó cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chỉ tăng 6,1% so với đầu năm, cho vay xuất khẩu tăng trên 3%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3,3%. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao”.

Cũng theo báo cáo này, tính đến cuối tháng 8/2016, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 10,5% so với đầu năm 2015. Vốn huy động từ hệ thống các tổ chức tín dụng tăng khoảng 11% so với đầu năm, song tín dụng chỉ tăng ở mức tương đương so với cùng kỳ năm trước (9,2%) và chưa có dấu hiệu bứt phá trong quý III/2016. 

Thanh khoản tiếp tục dư thừa

Theo các số liệu được công bố, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 8 vẫn khá dư thừa. Biểu hiện ở việc mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm khoảng 0,3-0,5 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn so với tháng trước và duy trì ở mức thấp, trong khi khối lượng giao dịch bình quân giảm 24% so với tháng trước.

Đáng chú ý là Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cung tiền đồng để mua ngoại tệ, đồng thời phát hành tín phiếu kỳ hạn ngắn (14 ngày) để hút lượng tiền dư thừa ngoài thị trường về. Lượng hút ròng qua thị trường mở (OMO) tính đến 22/8 là hơn 128.000 tỷ đồng.

Do thanh khoản dư thừa, các tổ chức tín dụng cũng tăng cường đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Tính chung 8 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã huy động được gần 240.00 tỷ đồng trái phiếu, gần đạt kế hoạch phát hành cả năm (đạt 95,7%). Trong đó, riêng tháng 8 là hơn 32.000 tỷ đồng.

Phó tổng giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một ngân hàng thương mại cho rằng, điểm khác biệt trong đấu thầu trái phiếu năm nay so với năm ngoái đó là trái phiếu dài hạn (có loại kỳ hạn tới 30 năm) vẫn được đặt mua.

“Nếu không phải vì thanh khoản dư thừa, tiền không cho vay được thì ngân hàng cũng không ‘dại’ đẩy nhiều tiền vào mua trái phiếu chính phủ, đặc biệt là những trái phiếu kỳ hạn lên tận 30 năm”, vị phó tổng giám đốc nói và nhận định: “Nếu tình hình này tiếp diễn, có thể khẳng định năm 2016, tăng trưởng tín dụng không đạt được mục tiêu”.

Theo quy luật hàng năm thì giải ngân của các ngân hàng thường dồn vào những tháng cuối năm do có yếu tố “mùa vụ kinh doanh”. Có những năm tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng thêm khoảng 2%/tháng mỗi tháng trong quý IV. Do vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay khó tăng mạnh, nhưng được dự báo không quá xa kế hoạch đặt ra.

Đây có thể là lý do trong chỉ đạo mới đây của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này vẫn dành sự ưu tiên vào mục tiêu kiểm soát chất lượng tín dụng và các cân đối vĩ mô. Cụ thể, trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng không chủ quan với diễn biến của lạm phát.

Về định hướng nguồn vốn vẫn hướng vào các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khởi sự doanh nghiệp; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện các giải pháp tạo điều kiện trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.                 

Nhuệ Mẫn­

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục