Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm 2024 chậm, phân hóa giữa các ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng chậm trong hai quý đầu năm, song giữa các ngân hàng có sự phân hóa, trong đó có nhà băng tăng trưởng tương đối tích cực. 
Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm 2024 chậm, phân hóa giữa các ngân hàng

Ngân hàng quốc doanh còn chậm

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 14/6, tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023; tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các ngân hàng đã cung ứng ra nền kinh tế cao hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước.

Trong đó, với khối ngân hàng có vốn nhà nước, tín dụng tính đến thời điểm giữa tháng 6/2024, VietinBank đang có tốc độ tăng tín dụng cao nhất trong nhóm này, tăng 4,9% so với cuối năm trước và cố gắng hoàn thành mục tiêu 14% mà NHNN cấp cho đầu năm nay.

Thông tin tại buổi làm việc cùng với Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, lãnh đạo VietinBank cho biết, Ngân hàng đã thường xuyên duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn mức bình quân chung toàn ngành.

Tại BIDV, từ đầu năm đến nay, tín dụng Ngân hàng tăng trưởng 4,7%, tín dụng mới bắt đầu tăng trở lại từ tháng 3/2024. Theo lãnh đạo BIDV, bản thân các ngân hàng rất muốn cho vay, song sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu.

"Nhìn vào số liệu doanh nghiệp cho thấy sức khỏe của các doanh nghiệp suy giảm do khó khăn kéo dài. Chúng tôi sẽ tiếp tục ban hành các gói tín dụng ưu đãi, nỗ lực phối hợp với khách hàng tháo gỡ vướng mắc để tăng giải ngân", lãnh đạo BIDV cho biết.

Trong khi đó, tại Agribank, đến cuối tháng 5/2024, tín dụng tăng trưởng 1,2%. Lãnh đạo cấp cao của Agribank cho biết, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, dù lãi suất cho vay đã giảm xuống mức thấp. Thậm chí, hiện lãi suất cho vay cá nhân mua nhà tại Agribank mức thấp nhất 5,5-6%/năm.

Tương tự, tại Vietcombank, đến ngày 17/6 ghi nhận tăng trưởng tín dụng 2,1%. Nguyên nhân tín dụng tăng chậm là tín dụng cá nhân (chủ yếu là vay mua bất động sản) tăng chậm (thậm chí tăng trưởng âm quý I/2024) do khó khăn pháp lý, nguồn cung bất động sản hạn chế, thu nhập người dân giảm, thị trường bất động sản chưa hồi phục… Tuy nhiên, Vietcombank dự kiến hết ngày 30/6, tín dụng sẽ tăng 4,3%, đến ngày 30/9 tăng 8,2% và cả năm tăng 12%.

Khối tư nhân phân hóa

Đối với khối ngân hàng thương mại tư nhân, tại ACB, tín dụng đến gần cuối tháng 5/2024 tăng khoảng 9,5%, cao hơn mức tăng trưởng của ngành. Để đạt được mức tăng trưởng trên, Ngân hàng đã thúc đẩy các chương trình tín dụng ưu đãi, với lãi suất cạnh tranh thấp.

Trong đó, cho vay doanh nghiệp 6-8%/năm, cho vay cá nhân 7-8%/năm. Bên cạnh việc cắt giảm chi phí để giảm lãi suất huy động, ACB luôn chủ động trong việc kết nối với các ngành nghề, hiệp hội để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng như: ngành xây dựng, dệt may, xuất khẩu… (doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ cao).

"Chúng tôi không muốn giảm nhịp tín dụng nên phải tính toán, cân đối chi phí để đưa vốn rẻ ra thị trường, do đó ACB phải kiểm soát chi phí đầu vào ở mức phù hợp để có thể giảm lãi suất đầu ra, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tốt hơn", ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB nói.

Theo ông Phát, trong quý II/2024 tín dụng ACB tăng gấp đôi so với quý đầu năm nay và kỳ vọng tăng trưởng tích cực hơn trong các quý tới. Bởi thực tế, tín dụng luôn tăng cao trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm của các doanh nghiệp nên ngân hàng đang nỗ lực để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN cấp đầu năm 2024 là 16%.

Tại VPBank, tín dụng ngân hàng này tính đến ngày 31/5 mới tăng 1,91%, chậm hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng lớn (60%) là các đối tượng dễ bị tổn thương, khiến ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong thu hồi nợ, phải cơ cấu nợ. Ngân hàng đang phải tập trung cơ cấu lại danh mục sản phẩm.

Còn với VIB, Ngân hàng tập trung chủ yếu cho vay cá nhân, tín dụng tính tới hết ngày 31/5 mới tăng 1,14%, dù những năm trước Ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống.

Lãnh đạo VIB cho biết, nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm, ngoài yếu tố khách quan của nền kinh tế, còn do Ngân hàng có khẩu vị rủi ro khá chặt chẽ. Chính vì vậy, khi nền kinh tế khó khăn, tín dụng cũng tăng chậm tương ứng.

Tại SHB, Ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng hiện mới đạt 2,54%, trong khi dự kiến đến ngày 30/6 tăng 5%.

Định hướng tín dụng năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. Lãnh đạo NHNN khẳng định, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tổng cầu.

Các nhà băng đang từng bước nỗ lực giảm lãi suất, đẩy mạnh hoạt động cho vay, kỳ vọng tín dụng dần cải thiện rõ nét ở các quý tới đây và đạt mục tiêu ngành đưa ra trong năm nay khi mặt bằng lãi suất cho vay đang duy trì ở mức thấp.

Tuy nhiên, theo PSG-TS Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP. HCM), khả năng cao tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ không đạt 15%, chỉ đạt được 10-11%, do kinh tế đang phục hồi chậm. Đồng thời, cầu vốn tín dụng chưa cao, vì sức mua thị trường còn yếu, doanh nghiệp chưa mặn mà sử dụng vốn vay mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục