Minh bạch hóa quản lý room tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng mang lại nhiều lợi ích, nhưng sức cầu tín dụng yếu trong 2 năm vừa qua cho thấy, tiếp tục minh bạch hóa việc quản lý room tín dụng là một việc làm rất cần thiết nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo ra môi trường tài chính an toàn và bền vững, giảm thiểu nguy cơ rủi ro hệ thống.
Room tín dụng góp phần giúp duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Room tín dụng góp phần giúp duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

Bị chỉ trích, nhưng room tín dụng thực sự hiệu quả

Không thể phủ nhận những lợi ích mà room tín dụng mang lại như giúp kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tài chính. Đặc biệt, việc thiết lập hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng là một công cụ hữu hiệu giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế, cũng như điều hòa lượng cung tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng.

So sánh với giai đoạn trước khi có room tín dụng thì nền kinh tế đang cần một lượng tín dụng ít hơn rất nhiều để tạo ra cùng một quy mô tăng trưởng. Điều này không chỉ góp phần duy trì sự ổn định của kinh tế vĩ mô, mà còn tạo ra một môi trường tài chính an toàn và bền vững, giảm thiểu nguy cơ rủi ro hệ thống.

Thực tế, việc quản lý room tín dụng vẫn còn bị chỉ trích do được xem là biện pháp quản lý tiền tệ phi thị trường, nhưng những năm qua, Ngân hàng Nhà nước cho thấy các nỗ lực minh bạch hóa, bắt đầu là việc triển khai Thông tư 52/2018/TT-NHNN về tiêu chí đánh giá sức khỏe và chấm điểm của cơ quan này đối với các ngân hàng thương mại trong việc cấp room tín dụng.

Tiếp theo đó, đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên cấp room tín dụng cả năm cho các ngân hàng thương mại, từ đó giúp các ngân hàng thương mại chủ động hơn trong kế hoạch tăng trưởng. Room tín dụng được cấp liên quan đến chiến lược kinh doanh của các ngân hàng thương mại nên không được công bố chính thức, mà sẽ được tùy chọn công bố từ phía các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, thực tiễn thay đổi liên tục của nền kinh tế khiến Ngân hàng Nhà nước cần lưu ý về những vấn đề có thể phát sinh khi điều hành tiền tệ với room tín dụng. Room tín dụng vừa đóng vai trò là một mức trần tín dụng tăng trưởng, vừa đóng vai trò một mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại sẽ hướng đến trong quá trình kinh doanh.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh thị trường chứng khoán còn chưa phát triển thì nguồn vốn từ phía các ngân hàng thương mại vẫn là nguồn vốn quan trọng nhất để hỗ trợ phát triển kinh tế.

Ông Lê Hoài Ân, CFA.

Ông Lê Hoài Ân, CFA.

Ngược lại, về phía các ngân hàng thương mại, họ sẽ phải cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và quản lý chất lượng nợ xấu, nhất là khi room tín dụng được cấp của năm nào phải được dùng hết trong năm đó, chứ không được chuyển sang năm sau.

Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng ở mức thấp trước những khó khăn trong và ngoài nước, việc quản lý chặt chất lượng tín dụng là một nội dung quan trọng mà Ngân hàng Nhà nước quan tâm hơn cả.

Việc chạy theo mức tăng trưởng mục tiêu có thể tạo ra tín dụng kém chất lượng

Trong năm 2023, tín dụng tăng trưởng không đồng đều giữa các quý. Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp trong những tháng đầu năm, tưởng chừng cả năm sẽ đạt mức rất thấp thì bất ngờ tăng vọt trong những tháng cuối năm.

Theo số liệu thống kê, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 7% trong 9 tháng đầu năm 2023, sau đó tăng vọt lên 13,5% vào cuối năm. Sự gia tăng đột ngột này không chỉ gây áp lực cho các ngân hàng khi phải giải ngân trong thời gian ngắn, mà còn dẫn đến những rủi ro liên quan đến việc cấp tín dụng không thận trọng, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu tăng cao.

Nguyên nhân chính là do các ngân hàng chịu áp lực trong việc hoàn thành room tín dụng, vừa là một chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng, vừa là áp lực từ Ngân hàng Nhà nước trong việc duy trì giải ngân hỗ trợ kinh tế vượt qua khó khăn.

Số liệu tăng trưởng tín dụng so với đầu năm trong giai đoạn 2019 - 2023 (xem đồ thị) minh chứng thêm về lập luận trên khi tín dụng luôn tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm, đặc biệt trong tháng 11 và 12, khi các ngân hàng nỗ lực giải ngân để không mất phần tăng trưởng. Điều này rất dễ dẫn đến những khoản vay kém chất lượng, hoặc tiếp tục đẩy mạnh giải ngân cho doanh nghiệp khó khăn về tài chính và có khả năng trả nợ kém về sau này.

Mặt khác, khi room tín dụng không được cộng dồn vào năm sau, các ngân hàng phải cố gắng đạt được mức tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn, dù điều kiện kinh tế không thuận lợi, nếu không muốn mất đi nguồn thu nhập tiềm năng trong tương lai. Cụ thể, room tín dụng dựa trên mức tăng kép tích lũy hàng năm nên việc không đạt mức tăng trưởng tín dụng trong một năm nào đó sẽ ảnh hưởng đến tổng dư nợ có thể có được trong tương lai.

Việc chạy theo room tín dụng làm tăng áp lực lên các ngân hàng, có thể khiến họ phải sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để đảm bảo đạt được mức tăng trưởng tín dụng, từ việc sẵn sàng giải ngân thêm cho các khách hàng tốt hiện hữu, đến việc chấp nhận giảm biên lãi ròng, hay giải ngân cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính khó khăn để vừa giải quyết vấn đề nợ xấu, vừa giải quyết được đầu ra cho tín dụng. Việc chạy theo mức room tín dụng có thể tạo nên động lực kép cho ngân hàng, nhưng có thể vô tình đẩy rủi ro hệ thống lên cao.

Nợ xấu, những khoản nợ mà khả năng thu hồi vốn rất thấp hoặc không có, phần nào được che giấu bởi những khoản giải ngân mới, chính điều này tạo ra rủi ro tiềm tàng cho hệ thống trong tương lai.

Khi tỷ lệ nợ xấu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản cũng như khả năng thanh khoản của ngân hàng và tăng rủi ro phá sản. Không chỉ vậy, tình hình căng thẳng về rủi ro nợ xấu còn gây ra những áp lực lên Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ và giữ ổn định kinh tế vĩ mô về sau.

Dòng vốn tín dụng có thể tạo ra các “bong bóng”

Việc các ngân hàng phải sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng cho nền kinh tế. Khi các ngân hàng bơm tín dụng ồ ạt vào thị trường nhưng lại không đi vào các hoạt động sản xuất thì lượng tiền lớn được bơm vào nền kinh tế có thể dẫn đến tình trạng lạm phát.

Lạm phát cao sẽ làm giảm giá trị tiền tệ, tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ngoài ra, việc tăng trưởng tín dụng không bền vững có thể dẫn đến “bong bóng” tài sản.

Khi quá nhiều tiền rẻ được bơm vào thị trường bất động sản hoặc chứng khoán, giá trị của các tài sản này sẽ tăng cao không bền vững. “Bong bóng” vỡ sẽ kéo theo sự sụp đổ của không ít doanh nghiệp và tổ chức tài chính, gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

Về bản chất, nới lỏng tiền tệ được xem như một công cụ để kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu khả năng hấp thụ của nền kinh tế kém, tiền tệ có thể được bơm vào các hoạt động phi sản xuất một cách có chủ đích để đáp ứng các chỉ tiêu và duy trì mục tiêu tăng trưởng cho ngân hàng.

Năm 2023, dòng tiền từ các khoản vay tín dụng chủ yếu chảy vào thị trường chứng khoán, thị trường vàng và bất động sản, thay vì các ngành sản xuất thực tế. Điều này dẫn đến nguy cơ bong bóng tài sản, một phần bị ảnh hưởng bởi dòng tiền lớn từ hệ thống ngân hàng tràn vào thị trường, giá vàng trong nước duy trì mức chênh lệch cao so với giá vàng thế giới trong thời gian dài.

Việc chuyển dòng tiền vào các kênh phi sản xuất không chỉ làm mất cân đối nền kinh tế, mà còn tạo ra những bất ổn trong dài hạn. Trong thập niên qua, mức tăng trưởng cung tiền hàng năm của Việt Nam luôn duy trì cao hơn mức tăng trưởng kinh tế danh nghĩa (xem bảng).

Riêng năm 2022, một lượng ngoại tệ lớn được Ngân hàng Nhà nước bán ra, từ đó giảm mạnh lượng cung tiền, dẫn đến tăng trưởng cung tiền ở mức thấp. Sự chênh lệch giữa tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng kinh tế danh nghĩa cho thấy vòng quay tiền sụt giảm, chứng tỏ lượng tiền lớn bị “mắc kẹt” trong lưu thông.

Vòng quay tiền của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Malaysia, chỉ đạt khoảng 0,5 lần so với 1,5 lần ở các nước này. Lượng cung tiền có thể đang “mắc kẹt” trong dự án bất động sản, hoặc việc phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính.

Chính vì thế, cung tiền tăng mạnh nhưng không thể tạo ra mức tăng trưởng kinh tế tương ứng. Hệ lụy đó là tỷ lệ nợ của tư nhân tăng liên tục trong cả thập niên qua, biến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đang phát triển có tỷ lệ nợ tư nhân/GDP cao nhất khu vực.

Điều tệ hơn là lượng tiền “mắc kẹt” cần phải được xử lý lại được kích hoạt vào các hoạt động đầu cơ. Khi muốn đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng trong thời gian ngắn, các ngân hàng có khuynh hướng “bơm” vào các dự án bất động sản, hoặc hoạt động tiêu dùng của các cá nhân có tài sản đảm bảo là bất động sản.

Như vậy, lượng tín dụng được bơm ra để đạt room tín dụng lại được thế chấp bằng chính giá nhà đất gia tăng. Hệ lụy là dư nợ được bơm ra nền kinh tế được dùng một phần để tài trợ cho các khoản mua đi bán lại các bất động sản, bất kể thực tế dư nợ và cung tiền gia tăng nhưng lại không thể tạo sự gia tăng trong GDP.

Vòng xoáy này đã làm tăng nguy cơ “bong bóng” bất động sản và gây bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô. Chẳng hạn, giá bất động sản gia tăng bởi được hỗ trợ từ mức tăng trưởng tín dụng hàng năm tạo ra bất công trong xã hội, khi những người có thu nhập thấp và trung bình ngày càng khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở.

Với vai trò vẫn còn rất lớn của hệ thống ngân hàng, việc quản lý room tín dụng là tất yếu để duy trì sự ổn định của hệ thống. Tuy nhiên, trong môi trường hấp thụ tín dụng thấp như hiện tại, Ngân hàng Nhà nước cần phải lưu ý hơn trong việc quản lý chất lượng giải ngân của các khoản tín dụng mới, để đảm bảo nợ vay đi vào đúng các hoạt động sản xuất thực.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh minh bạch hóa các thông tin về room tín dụng là rất cần thiết, đồng thời cần có những chế tài phù hợp với những ngân hàng thương mại tăng trưởng không lành mạnh để duy trì kỷ luật thị trường và đảm bảo tính hiệu quả của dòng vốn.

Lê Hoài Ân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục