Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm hơn dự kiến trong quý II

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong quý II/2024, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong 5 quý do nỗ lực thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng không còn hiệu quả.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm hơn dự kiến trong quý II

GDP của Trung Quốc tăng 4,7% trong quý II/2024 so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức dự báo trung bình là 5,1% của các nhà kinh tế. Doanh số bán lẻ tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 12/2022, cho thấy một loạt nỗ lực của chính phủ nhằm tạo niềm tin đã không giúp vực dậy được người tiêu dùng Trung Quốc.

Xiaojia Zhi, nhà kinh tế tại Credit Agricole CIB ở Hồng Kông cho biết: “Chính phủ sẽ cần cân nhắc những hỗ trợ chính sách lớn hơn để đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5% sau dữ liệu thất vọng trong quý II… Khả năng xảy ra nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Donald Trump ngày càng tăng cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ cần những nỗ lực chính sách bổ sung để thúc đẩy nhu cầu trong nước một cách kịp thời, khi rủi ro suy giảm nhu cầu bên ngoài xuất hiện”.

Chiến lược tập trung vào lĩnh vực sản xuất và công nghệ cao để thúc đẩy tăng trưởng hậu đại dịch của Trung Quốc đã phải đối mặt với sự không chắc chắn khi các đối tác thương mại của nước này dựng lên những rào cản mới, trong đó cựu Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ áp dụng nhiều biện pháp kiềm chế hơn nếu tái đắc cử. Dữ liệu quý II cho thấy các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ cần tập trung nỗ lực nâng cao chi tiêu trong nước để giữ cho nền kinh tế số hai thế giới đi đúng hướng.

Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết, sự tăng trưởng chậm lại trong quý II là do các yếu tố ngắn hạn như thời tiết khắc nghiệt và mưa như trút nước, lũ lụt. Điều này cũng phản ánh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn, với các vấn đề về nhu cầu trong nước không đủ và lưu thông nội địa bị tắc nghẽn vẫn còn tồn tại.

Lu Ting, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura cho biết: “Nguồn gốc của sự suy giảm tăng trưởng là lĩnh vực bất động sản - trụ cột của nền kinh tế - vẫn đang suy giảm nhanh chóng và giá nhà đang sụt giảm. Trung Quốc cần ổn định ngành bất động sản, vốn chiếm khoảng 70% tài sản hộ gia đình”.

Trong khi đó, giá nhà mới tại các thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm tháng thứ 13 liên tiếp trong tháng 6, thêm bằng chứng cho thấy gói giải cứu được công bố vào tháng 5 đã không giúp thúc đẩy tâm lý người dân.

Sự sụp đổ của thị trường bất động sản đang làm tổn thương niềm tin của người tiêu dùng. Doanh số bán lẻ tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2022, cho thấy người dân không muốn chi tiêu bất kể chương trình trợ cấp và khuyến khích của chính phủ thay thế xe cộ và đồ gia dụng cũ.

Trong quý II, Trung Quốc cũng đã đánh dấu quý giảm phát thứ năm liên tiếp, kéo dài đợt trượt giá dài nhất trên toàn nền kinh tế kể từ năm 1999.

Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng tại Trung Quốc ANZ cho biết: “Trong số tất cả các số liệu hàng tháng được công bố hôm nay, điểm nổi bật là doanh số bán lẻ suy yếu…Tiêu dùng hộ gia đình vẫn rất yếu. Các kế hoạch thay thế không thể nâng cao chi tiêu. Với việc các nhà tuyển dụng cắt giảm lương và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao, các hộ gia đình vẫn sẽ thận trọng trong tương lai”.

Zhang Yi, một quan chức của NBS cho biết: “Khả năng và niềm tin tiêu dùng của các hộ gia đình vẫn cần được cải thiện…Chúng ta nên tăng cường các biện pháp để tăng thu nhập của người dân”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục