Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, nếu giữ vững đà tăng trưởng như hiện tại, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Việt Nam có thể đạt 6,71%, cao hơn so với con số 6,67% dự báo trước đó của chính cơ quan này.
Nền kinh tế được đánh giá có những diễn biến sáng trong quý III, cũng như những tháng cuối năm. Trong đó, ngành công nghiệp đóng vai trò then chốt và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định.
Số liệu được đưa ra từ Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tích cực, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức 8,7% của cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 13,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,5%.
Đóng góp lớn vào bức tranh chung này là sự tăng trưởng ở một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như Hải Phòng (tăng 24,2%); Bắc Ninh (tăng 20,2%); Vĩnh Phúc (tăng 13,9%); Thái Nguyên (tăng 12,1%).
Trong các ngành công nghiệp cấp 2, một số ngành có chỉ số sản xuất 8 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 60,8%; sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 59,2%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 38,6%.
Những sản phẩm công nghiệp chủ yếu nổi bật trong 8 tháng qua phải kể đến là xăng dầu (tăng 50,7% so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu do đóng góp của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa); sắt, thép thô tăng 37,6%; linh kiện điện thoại tăng 36,6%; alumin tăng 25,2%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 24,9%.
Theo một phân tích, việc đưa vào vận hành Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn không chỉ mang đến tăng trưởng cao đột biến cho chỉ số công nghiệp sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế (tăng 60,8%), mà còn giảm nhập siêu từ nhập khẩu xăng dầu.
Nếu như trung bình 6 tháng đầu năm, lượng xăng dầu nhập khẩu là 1,2 triệu tấn/tháng thì trung bình 2 tháng 7 và 8, lượng xăng dầu nhập khẩu giảm xuống còn 810.000 tấn/tháng.
Giá trị nhập khẩu xăng dầu theo đó giảm xuống 550 triệu USD/tháng, thấp hơn mức trung bình 6 tháng đầu năm là 780 triệu USD/tháng.
Tuy nhiên, Nhà máy Nghi Sơn cũng nhập khẩu dầu thô để sản xuất và do mới đi vào hoạt động nên việc tính toán giá trị tiết kiệm từ giảm nhập khẩu xăng dầu sẽ cần thêm thời gian.
Đáng chú ý nữa là ngành công nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng thêm từ ngành sản xuất xe có động cơ. Chỉ số công nghiệp sản xuất xe có động cơ tháng 8 tăng lên 28,9%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2017, cho thấy sự cải thiện của ngành sản xuất ô tô trong nước.
Tuy là tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng cần phải lưu ý lượng xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đang tăng nhanh. Tháng 8, giá trị nhập khẩu đã tăng lên tới 186 triệu USD, bằng cùng kỳ 2017 và nhập khẩu ô tô tháng 7 và tháng 8 đã gần bằng với 6 tháng đầu năm là 330 triệu USD.
Việc đưa vào vận hành Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn mang đến tăng trưởng cao đột biến cho chỉ số công nghiệp sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế (tăng 60,8%)
Chỉ số công nghiệp may mặc cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2016, tăng 17,2%. Điều này cho thấy, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có ảnh hưởng đến ngành dệt may Việt Nam. Giá trị xuất khẩu hàng dệt may đã tăng đều đặn 5 tháng liên tiếp và tháng 8 lập kỷ lục 2,9 tỷ USD.
Giới quan sát phân tích, với lợi thế hàng rào thuế quan vào nhiều thị trường được gỡ bỏ theo hiệp định FTA, tăng trưởng ngành dệt may hứa hẹn tiếp tục khả quan trong phần còn lại của năm 2018. Dệt may hiện là mặt hàng xuất khẩu đứng thứ 2, chỉ sau xuất khẩu điện thoại, chiếm 12,5% tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng (cả năm 2017 chiếm 12,2%).
Trong khi đó, điểm nhấn rõ nét trong năm 2018 với ngành khai khoáng là giá hàng hóa tăng, không chỉ ở giá dầu, mà còn nhiều loại khoáng sản khác.
Sản lượng alumin tháng 8 là 106.000 tấn, tăng 54,2% so với tháng trước. Giá alumin tăng rất mạnh trong những tháng gần đây do các nhà cung cấp chính tại Nga và Brazil giảm sản lượng là tiền đề cho khai khoáng nhôm của Việt Nam đẩy nhanh sản xuất.
Tăng trưởng mạnh nhất trong ngành khai khoáng là than. Sản lượng than khai thác trong 8 tháng đạt 28,5 triệu tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá than thế giới không tăng, nhưng khai thác than vẫn được tận dụng để thúc đẩy tăng trưởng ngành khai khoáng nói chung.
Tăng trưởng của công nghiệp khai khoáng đã dần bớt là gánh nặng của nền kinh tế quý III khi hai tháng liên tiếp ngành có tăng trưởng dương sau 8 tháng liền bị âm.
Lũy kế 8 tháng, tăng trưởng công nghiệp khai khoáng chỉ còn giảm 0,3%, trong khi 6 tháng đầu năm giảm 1,3% và cùng kỳ năm ngoái giảm 6,9%.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) nhìn nhận, kinh tế Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong hai quý cuối năm. Áp lực nợ công đã giảm so với 2 năm trước.
Đà tăng trưởng kinh tế đang được duy trì, Việt Nam tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng chưa quá "nóng", do tốc độ tăng GDP chưa vượt quá xu thế trong 2 quý liên tiếp.
Bên cạnh đó, dư địa để nền kinh tế ứng phó với các cú sốc bất lợi đã được cải thiện đáng kể. Dư địa điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng đã tăng so với giai đoạn trước năm 2012 sau vài năm kiên định chính sách tiền tệ thận trọng và lãi suất ổn định.
Với đà tăng trưởng ổn định của các ngành công nghiệp mũi nhọn, kinh tế Việt Nam sẽ có động lực bứt phá trong quý III.