Tăng trách nhiệm, nhà bảo hiểm lo “đội” chi phí

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nghị định 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới với nhiều điểm mới có lợi cho người tham gia bảo hiểm, nhưng cũng đồng thời tăng trách nhiệm của nhà bảo hiểm so với trước đây, mà tăng trách nhiệm tức là tăng chi phí.
Theo quy định mới, nhà bảo hiểm sẽ mất nhiều chi phí hơn cho công tác giám định, bồi thường. Ảnh: Dũng Minh Theo quy định mới, nhà bảo hiểm sẽ mất nhiều chi phí hơn cho công tác giám định, bồi thường. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều mối lo

Chẳng hạn, nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm, theo quy định mới, những vụ va chạm giao thông thông thường (không có người tử vong) sẽ không cần đến hồ sơ của cơ quan công an. Trường hợp có người tử vong, nhà bảo hiểm buộc phải liên hệ với cơ quan công an để xác minh, xử lý vụ việc.

Theo đó, để đáp ứng yêu cầu mới trong công tác giám định, bồi thường khi rủi ro tai nạn xảy ra, ngoài chủ động trong việc phối hợp với các bên liên quan như cơ quan công an, doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải nâng cao cả về số lượng cũng như chất lượng cho đội ngũ giám định viên của mình.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nghiêm Xuân Thái, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ giám định viên để có thể kịp thời hỗ trợ khách hàng mọi lúc, mọi nơi.

Theo ông Thái, trước đây, nếu giám định viên không kịp có mặt tại hiện trường vụ tai nạn thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể dựa trên hồ sơ xác định lỗi của công an để giải quyết bồi thường. Thế nhưng, khi không cần hồ sơ công an thì nhà bảo hiểm cần đảm bảo mạng lưới giám định viên phải đủ rộng, tới cả vùng sâu, vùng xa để có thể hỗ trợ khách hàng nhanh chóng nhất.

“Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn để phân định lỗi một cách chính xác khi có tai nạn xảy ra, từ đó xác định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan. Đây là việc không phải đơn giản nhằm hạn chế sự tranh chấp không chỉ giữa doanh nghiệp bảo hiểm với khách hàng, mà còn giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với nhau (trong trường hợp 2 xe va chạm có mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới ở 2 doanh nghiệp bảo hiểm”, ông Thái thông tin thêm.

Hay về quy định tăng mức bồi thường về người lên 150 triệu đồng/người/vụ, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận, quy định này là cần thiết nhằm đảm bảo yếu tố nhân đạo, tính nhân văn của bảo hiểm, nhưng việc tăng chi phí bồi thường lên 50% so với trước cũng sẽ gây áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

“Cũng có ý kiến cho rằng, dù tăng phí bồi thường, nhưng nếu nhà bảo hiểm đảm bảo yếu tố ‘số đông bù số ít’ thì vẫn hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tăng ngay được số lượng người mua bảo hiểm để bù cho mức tăng số tiền bồi thường là điều không thể”, vị này nhấn mạnh.

Đó là chưa kể, theo quy định mới, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải hoàn tất thời gian tạm ứng bồi thường về người trong vòng 3 ngày làm việc, ngay cả khi chưa xác minh được phạm vi bảo hiểm. Quy định này cũng tạo sức ép lên doanh nghiệp bảo hiểm do phải đẩy nhanh cải tiến quy trình xác minh, giám định để kịp thời tạm ứng bồi thường cho khách hàng, cho dù có thể được hoàn trả lại tiền tạm ứng sau đó nếu sự việc không thuộc trách nhiệm bảo hiểm.

“Quy trình bồi thường cần được tối giản và minh bạch thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu tạm ứng bồi thường trong vòng 3 ngày làm việc đối với bồi thường liên quan đến sinh mạng, sức khỏe”, ông Thái nhấn mạnh.

Nhưng cũng không ít thuận lợi

Gia tăng trách nhiệm là một mối lo, song Nghị định 03/2021 cũng mang đến không ít thuận lợi, một trong số đó là cho phép nhà bảo hiểm được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiện dân sự chủ xe cơ giới.

Cụ thể, kể từ ngày 1/3/2021 là thời điểm Nghị định chính thức hiệu lực, khi mua bảo hiểm bắt buộc, ngoài bản giấy chứng nhận bảo hiểm được cấp như thường lệ, chủ xe có thể được cấp giấy chứng nhận điện tử. Đây được xem là lợi thế của các doanh nghiệp bảo hiểm sẵn có nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, hầu hết công ty bảo hiểm trên thị trường đều đã sẵn sàng cho việc cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử cho khách hàng. Đơn cử, đại diện Bảo hiểm BIDV (BIC) cho biết, Công ty đã nghiên cứu và sẵn sàng cấp giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới điện tử cho khách hàng ngay tại thời điểm Nghị định có hiệu lực.

“Khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm và nhận giấy chứng nhận bản điện tử có thể liên hệ với cán bộ kinh doanh tại các đơn vị thành viên của BIC trên toàn quốc để được hỗ trợ và có thể lựa chọn nhận giấy chứng nhận này qua email, zalo, viber…. Giấy chứng nhận điện tử có giá trị pháp lý tương tương với bản giấy, người tham gia giao thông có thể xuất trình nếu có yêu cầu từ lực lượng cảnh sát giao thông hoặc cơ quan chức năng. Việc kiểm tra thông tin được thực hiện thông qua thao tác quét mã QR trên giấy chứng nhận”, đại diện BIC chia sẻ thêm.

Lãnh đạo Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cũng cho hay, việc bán bảo hiểm trực tuyến đã được triển khai những năm gần đây và đẩy mạnh hơn từ năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, giúp khách hàng duy trì bảo hiểm liên tục và an toàn trong giao dịch như tư vấn, cấp đơn, xuất hóa đơn điện tử, thanh toán online... Vì vậy, hệ thống bảo hiểm PJICO đã sẵn sàng cho việc cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử khi Nghị định 03/2021 được ban hành.

Khi doanh nghiệp bảo hiểm được phép cấp cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, có ý kiến cho rằng nên bỏ giấy chứng nhận bảo hiểm vật lý. Về vấn đề này, đại diện PTI cho rằng, không nên loại bỏ ngay, bởi để thực hiện được hoàn toàn giấy chứng nhận điện tử cần nhiều yếu tố như nền tảng công nghệ thông tin, thói quen sử dụng điện thoại thông minh, máy tính kết nối mạng... Trong khi trên thực tế, sự đồng bộ về công nghệ thông tin giữa các vùng miền vẫn còn có sự chênh lệch, nhiều địa phương vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở hạ tầng mạng...

“Tỷ trọng giấy chứng nhận điện tử sẽ tăng lên qua các năm, nhưng để đạt đến con số 100% thì cần thêm nhiều thời gian”, đại diện PTI nói.

Một số điểm nổi bật tại Nghị định 03/2021

Bên cạnh chấp thuận cho doanh nghiệp bảo hiểm được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, Nghị định 03/2021 và Thông tư 04/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định còn có một số điểm mới theo hướng mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tham gia bảo hiểm như mức trách bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra tăng 50% so với trước đây, lên mức 150 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn; người mua bảo hiểm có thể lựa chọn tham gia bảo hiểm với thời hạn từ 1-3 năm tùy từng loại xe; thủ tục, quy trình xử lý bồi thường được tối giản, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí cho cả khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm; người được bảo hiểm sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, mức tạm ứng có thể lên tới 70% tổng mức bồi thường bảo hiểm…

Liên quan tới việc phối hợp với cơ quan công an để xác minh tai nạn có người tử vong, các doanh nghiệp bảo hiểm đã phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) xây dựng bảng mẫu các tình huống lỗi nhằm thuận tiện khi áp dụng trong thực tiễn. Trường hợp đã áp dụng bảng mẫu mà 2 bên vẫn không thể giải quyết được tranh chấp thì mới cần tới giám định của cơ quan công an.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục