Vào thời điểm này, một trong những thông tin mà Cục Đường sắt Việt Nam ngóng đợi nhất là câu trả lời từ lãnh đạo UBND TP. Hà Nội về việc có cho chủ đầu tư Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được “vay nóng” 430 tỷ đồng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng hay không.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2014, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường đã phải ký Văn bản số 4819/BGTVT-KHĐT đề nghị UBND TP. Hà Nội ứng trước vốn để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án.
“Bộ GTVT sẽ hoàn trả phần vốn ứng này khi được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung vốn”, ông Trường cam kết.
Được biết, tại Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, công tác giải phóng mặt bằng được tách riêng thành tiểu dự án và giao UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư. Tại Quyết định số 994/QĐ-BGTVT ngày 17/4/2009, chi phí phục vụ công tác giải phóng mặt bằng khoảng 915,3 tỷ đồng, được Bộ GTVT đề xuất sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ.
Tuy nhiên, do công tác khảo sát không kỹ, nên hiện kinh phí giải phóng mặt bằng đã vọt lên 1.328 tỷ đồng, tăng 413 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu. Tính đến cuối tháng 4/2014, các chủ đầu tư Tiểu dự án giải phóng mặt bằng của Hà Nội đã giải ngân được 770 tỷ đồng, còn thiếu khoảng 557 tỷ đồng, trong số này “nặng” nhất là phần công địa do UBND quận Đống Đa đảm trách (308 tỷ đồng).
Đây là phần kinh phí để giải phóng 3 km trong tổng số 13 km chính tuyến hiện được đánh giá là “khúc xương” khó nhằn của Dự án, trong đó có 80 hộ dân tại khu vực ga Cát Linh, 20 hộ dân và 1 tổ chức tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa…
“Nếu không di dời số hộ dân bị ảnh hưởng này cùng một số công trình kỹ thuật trong quý II/2014, Dự án sẽ không thể về đích cuối năm 2015 như yêu cầu của Bộ GTVT”, Phó cục trưởng Cục Đường sắt Vũ Quang Khôi thừa nhận.
Hiện tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án đang đặt cược vào thiện chí cũng như khả năng cân đối vốn của UBND TP. Hà Nội. Tuy nhiên, ngay cả khi được cam kết hoàn trả vốn ứng, thì việc lo đủ hơn 400 tỷ đồng trong một thời gian ngắn cũng là một thách thức với lãnh đạo Thủ đô.
Cần phải nói thêm rằng, giải phóng mặt bằng chỉ là một trong những hạng mục cần phải lo vốn bổ sung tại Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, sau 5 năm thi công, do thay đổi một loạt yếu tố đầu vào, nên tổng mức đầu tư Dự án không dừng ở con số 552 triệu USD như kế hoạch ban đầu, mà cần thêm 339 triệu USD. Trong số các khoản phát sinh, “nặng” nhất là chi phí xây dựng (tăng 221 triệu USD), chi phí thiết bị (tăng 20 triệu USD), chi phí giải phóng mặt bằng (25 triệu USD)…
Điều đáng nói là, chỉ riêng Gói thầu số 1 - gói thầu chính của Dự án bao gồm các phần việc: thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp được trao cho Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc thực hiện - đã phát sinh thêm 250,8 triệu USD.
Trên thực tế, nếu chủ đầu tư không quyết liệt “ép” tổng thầu, thì chi phí Dự án sẽ không dừng ở đây, bởi trước đó, trong Văn bản 1340/2013/CRGS/NHHĐ, Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc đề nghị bổ sung cho hợp đồng EPC thêm 258,4 triệu USD, chưa bao gồm chi phí dự phòng 25,8 triệu USD.
Bên cạnh mối quan ngại lớn về hiệu quả đầu tư tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi tổng mức đầu tư dự án tăng lên hơn 70%, việc lo đủ nguồn vốn xây lắp, thiết bị bổ sung tại hợp đồng EPC cũng đang khiến chủ đầu tư đau đầu.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Cục Đường sắt Việt Nam đã đề nghị Bộ GTVT trao đổi với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc về khả năng bổ sung vốn vay ưu đãi cho Dự án. Khả năng nhà tài trợ này có tiếp tục cho vay nốt phần vốn phát sinh nữa hay không hiện vẫn còn bỏ ngỏ.
“Sự bị động về nguồn vốn sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến độ Dự án, khiến chủ đầu tư khó ăn khó nói, nhất là khi họ đang cố ép Tổng thầu tăng tốc thi công”, một chuyên gia nhận định.