Tăng tốc phân phối vắc-xin là chìa khóa tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Với cách tiếp cận “sức khỏe người dân là trên hết”, chìa khóa tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đến từ việc ngăn chặn Covid-19 lây lan và đẩy nhanh việc phân phối vắc-xin phòng Covid-19.

Đó là nhận định của GS-TS. Jonathan Pincus, cố vấn kinh tế cấp cao của UNDP.

Không giãn cách, phong tỏa một cách cực đoan, Việt Nam kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội kể từ khi dịch bùng phát. Ông suy nghĩ gì về cách tiếp cận này?

GS-TS. Jonathan Pincus

GS-TS. Jonathan Pincus

Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Hệ thống truy vết, theo dõi và xét nghiệm gắn với hoạt động truyền thông công khai, tích cực, minh bạch đã cho thấy hiệu quả và vẫn là một biện pháp quan trọng để kiểm soát làn sóng lây nhiễm hiện nay.

Việt Nam đã chứng minh rằng, đặt sức khỏe là trung tâm trong ứng phó với đại dịch là cách tiếp cận đúng đắn để bảo vệ người dân và giảm thiểu tác động đến nền kinh tế. Điều này đã được chứng minh bằng khả năng của Việt Nam qua tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực vào năm 2020 (tăng trưởng 2,91% - PV) và là một trong số ít quốc gia trên thế giới làm được như vậy.

Giờ đây, các loại vắc-xin phòng Covid-19 đã được phê chuẩn và giai đoạn tiếp theo của chương trình phục hồi kinh tế chủ yếu tập trung vào việc tiếp nhận và quản lý vắc-xin, trước tiên là dành cho những người chống dịch tuyến đầu và các nhóm ưu tiên khác, sau đó là người dân nói chung. Tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho cộng đồng càng nhanh càng tốt là điều quan trọng không chỉ vì nó có thể giảm tỷ lệ lây nhiễm và cứu sống người bệnh, mà còn giảm khả năng xuất hiện các biến chủng mới với mức độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khả năng Covid-19 sẽ dai dẳng trong một thời gian và cần lưu ý rằng, ngay cả khi được tiêm vắc-xin kháng Covid-19 trong năm nay, chúng ta có thể sẽ cần tiêm nhắc lại trong những năm tới. Mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra kết luận chắc chắn về các kịch bản tiêm chủng trong tương lai, nhưng nhiều khả năng sẽ cần đến các loại vắc-xin bổ sung trong thời gian tới.

Việt Nam đã đề xuất với WHO về việc nâng cao năng lực sản xuất vắc-xin trong nước để hoạt động như một trung tâm sản xuất vắc-xin kháng Covid-19 nhằm vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa xuất khẩu. Tăng cường năng lực sản xuất vắc-xin quốc gia và khu vực là điều đặc biệt quan trọng, nếu tiêm chủng trở thành một phần trong thói quen quản lý sức khỏe của chúng ta, giống như tiêm phòng cúm hằng năm.

Công nghiệp chế biến, chế tạo được xác định là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. UNDP điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 ra sao khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã ập vào các địa bàn trọng điểm sản xuất công nghiệp như Bắc Giang, Bắc Ninh, len lỏi vào khu công nghiệp ở TP.HCM và một số địa phương khác?

Theo dự báo kinh tế toàn cầu điều chỉnh được Liên hợp quốc công bố vào tháng 5, kinh tế toàn cầu năm 2021 sẽ tăng trưởng 5,4%, cao hơn mức 4,7% dự báo trước đó, chủ yếu là nhờ việc phân phối vắc-xin rộng rãi ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và chương trình kích thích kinh tế của các chính phủ. Nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,5% trong năm 2021, khi các ngành xuất khẩu phục hồi.

Báo cáo của Liên hợp quốc cũng cho thấy, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm còn 4,2% trong năm 2022, nhưng Việt Nam nên duy trì đà tăng trưởng và thậm chí có thể tăng tốc nếu việc kiểm soát Covid-19 giúp phục hồi du lịch quốc tế và nhu cầu dịch vụ trong nước.

Việt Nam luôn đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu. Điều này có nghĩa là, phải kiểm soát được sự lây lan của đợt bùng phát Covid-19 lần này và đẩy nhanh việc phân phối vắc-xin. Đạt được những mục tiêu này là chìa khóa để duy trì tăng trưởng kinh tế.

Covid-19 tái bùng phát sẽ tác động tức khắc đến người nghèo và cận nghèo, kể cả những người di cư và các hộ kinh doanh không có tiền tiết kiệm để chống đỡ hoặc không có cơ hội xoay xở nguồn thu nhập khác.

Ngoài các chương trình trợ giúp xã hội hiện có, UNDP khuyến nghị Chính phủ xây dựng các chương trình việc làm công cộng (PWP) chủ yếu ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Ưu điểm của các chương trình PWP là có thể triển khai thực hiện nhanh chóng và tự xác định mục tiêu. Chỉ những người cần tiền mặt mới tiếp cận các công việc lao động chân tay ở mức lương gần với mức lương tối thiểu phổ biến. Các chương trình PWP cũng cần trung lập về giới và được tổ chức theo địa phương để cơ quan chức năng có thể xác định các dự án phù hợp với nhu cầu của địa phương.

Ngoài ra, các cơ chế bảo trợ xã hội tạm thời cũng được áp dụng đối với các khu công nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, như hỗ trợ tiền mặt để giúp người lao động đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tức thời trong quá trình cách ly, kiểm dịch.

Một vấn đề gần đây được quan tâm nhiều là bong bóng tài sản. Thời gian qua, thị trường chứng kiến những cơn nóng sốt của thị trường bất động sản và chứng khoán; doanh nghiệp bất động sản ồ ạt phát hành trái phiếu với lãi suất cao… Theo ông, Việt Nam cần đối sách gì cho vấn đề này?

Các bong bóng tài sản đe dọa sự phục hồi kinh tế theo hai hướng. Thứ nhất, chúng gây bất ổn vì đẩy tăng trưởng tín dụng vượt quá mức và lạm phát lên cao. Thứ hai, các bong bóng tài sản còn khiến dòng vốn dịch chuyển khỏi đầu tư sản xuất.

Việt Nam từng trải qua các bong bóng tài sản trong quá khứ, thường được kích thích bởi dòng vốn nước ngoài đổ vào các thị trường tài sản tương đối nhỏ. Chu kỳ này có thể lặp lại, vì Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh và thành tích tốt về xuất khẩu.

Tuy nhiên, một số dấu hiệu ban đầu cho thấy, lạm phát ở Mỹ có thể khiến lãi suất ở Mỹ tăng trở lại và điều này sẽ làm chuyển hướng dòng vốn từ các thị trường mới nổi như Việt Nam. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần thận trọng và có hành động kiềm chế các dòng vốn chảy vào Việt Nam nếu chúng đe dọa xâm lấn thị trường trong nước.

Trong trung và dài hạn, Việt Nam cần cải cách thuế đất đai, thuế tài sản và thuế lợi tức nhằm giảm đầu cơ vào đất đai và chứng khoán. Phát triển thị trường vốn trong nước, mà cụ thể là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sẽ tạo ra các “địa chỉ” đầu tư thay thế cũng như nguồn tài chính tư nhân dài hạn trong nước cho doanh nghiệp. Nhưng, điều này đòi hỏi phải minh bạch hơn nữa trong tài chính doanh nghiệp, với những quy định pháp luật chặt chẽ hơn về công bố thông tin và thực thi tốt hơn các quy định hiện hành.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục