Nghị quyết 02 trở lại và những điểm mới
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán bên lề Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 sáng 11/1, TS. Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ngay từ đầu năm nay, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Năm 2023, Nghị quyết 02 được lồng ghép vào trong Nghị quyết 01 về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023. Bởi vậy, theo ông Tuấn, sự trở lại của Nghị quyết 02 độc lập là một điểm mới, thể hiện thông điệp: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một nhiệm vụ quan trọng, cần sự tập trung giải quyết của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.
Trong Nghị quyết 02 năm 2024, Chính phủ tập trung rất nhiều vào năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân trong nước, với mục tiêu rõ ràng là làm sao tăng được nhiều doanh nghiệp tư nhân mới thành lập và giảm thiểu số doanh nghiệp rời bỏ thị trường.
"Như vậy, ngoài việc khắc phục các khó khăn từ thị trường, chúng ta phải giảm thiểu các khó khăn từ cơ chế chính sách", ông Tuấn nhấn mạnh tinh thần của Nghị quyết.
Đi vào cụ thể, Phó tổng thư ký VCCI cho biết, trong nhiều nhóm giải pháp trung tâm tại Nghị quyết 02, ông thấy nổi lên một thông điệp là Chính phủ giao trách nhiệm cho các bộ ngành, địa phương phải chủ động, thường xuyên rà soát và đề xuất cắt bỏ những quy định, thủ tục pháp luật không có lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tinh thần của chính sách là hàng hoá của Việt Nam, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể trở nên cạnh tranh hơn nếu hệ thống quy định pháp luật phải đơn giản hơn, thuận lợi hơn và cạnh tranh hơn so với các quốc gia trong khu vực.
Một điểm mới nữa, theo ông Tuấn, là Nghị quyết 02 năm nay yêu cầu các doanh nghiệp chủ động đối thoại với VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp thường xuyên để nắm bắt các bất cập trong quy định pháp luật cần phải khắc phục.
Chia sẻ thêm, ông Tuấn nói rằng, qua nhiều năm triển khai Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02, ông nhận thấy, điểm mấu chốt là làm sao thực thi được định hướng này. Muốn vậy, định kỳ hàng tháng, hàng quý chúng ta cần tổng kết xem nhiệm vụ nào đã làm tốt hay chưa, bởi nhiều năm qua sự thực thi này là không đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương.
Khi được hỏi, tại Nghị quyết 01, Chính phủ yêu cầu làm mới các động lực tăng trưởng cũ, đồng thời thực thi hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, Nghị quyết 02 sẽ hỗ trợ chủ trương này ra sao, ông Đậu Anh Tuấn cho hay, trong Nghị quyết 02 có những chỉ tiêu đánh giá, những định hướng giao nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của từng người... phù hợp để thúc đẩy các động lực quy định tại Nghị quyết 01.
Trong năm 2024, một trong những nhiệm vụ của Chính phủ là phải lấy lại đà tăng trưởng cao, sau một năm 2023 không đạt tăng trưởng kỳ vọng, để đảm bảo đạt chỉ tiêu của cả giai đoạn 2021-2025.
Vì thế, ông Tuấn kỳ vọng rằng mọi rào cản thể chế có thể làm ảnh hưởng đến mục tiêu lấy lại đà tăng trưởng sẽ được xử lý dứt điểm.
"Để đạt đà tăng trưởng cao của cả năm, chúng ta phải sốt ruột ngay từ đầu năm, không bàn lùi, không chần chừ thêm được nữa, trong đó cắt bỏ rào cản của môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thể chế là một nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy các động lực tăng trưởng", ông Tuấn nhấn mạnh.
Hãy "tạo thuận lợi" chứ đừng chỉ "tháo gỡ khó khăn"
Trước đó, phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận “Thúc đẩy cơ chế chính sách, phát huy nội lực và thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới” trong khuôn khổ Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên 2024, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, trong bối cảnh năm 2023 khó khăn, kinh tế tư nhân là một "mảng tối".
TS. Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI thảo luận tại Diễn đàn |
Theo đó, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt 159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022; nhưng tốc độ thành lập mới doanh nghiệp lại thấp so với nhiều năm gần đây.
Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường lại cao kỷ lục (số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn doanh nghiệp; 65,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 18 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể).
Đáng lưu ý, tăng trưởng tín dụng chậm lại, xuất khẩu giảm đều có vai trò của doanh nghiệp tư nhân.
Vì vậy, sang năm 2024, theo ông Tuấn, một trong những định hướng quan trọng của Quốc hội và Chính phủ là phải chú trọng giải bài toán này, làm sao cho doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn.
“Tôi không thích từ “tháo gỡ khó khăn”, vì tháo gỡ khó khăn là chúng ta cứ chạy theo giải quyết khó khăn một cách thụ động; trong đó vai trò chủ động, dẫn dắt của Nhà nước giảm đi rất nhiều”, ông Tuấn nêu quan điểm và cho rằng nên “tạo thuận lợi” thay vì chỉ "tháo gỡ khó khăn".
Nêu giải pháp cụ thể, đại diện VCCI cho rằng, trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, đơn hàng giảm, cần giảm chi phí kinh doanh. Hiện tại ở nhiều nơi, nhiều chỗ vấn đề chi phí kinh doanh rất cao, nên những giải pháp để giảm chi phí kinh doanh cần phải phát huy triệt để, cần có gói giải pháp tổng thể cho việc giảm chi phí kinh doanh này.
Quốc hội đã chấp thuận gia hạn chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% đến giữa năm 2024, song ông cho rằng, việc giảm thuế, phí và các khoản phải nộp cần được tăng cường hơn, nhất là những chi phí về thủ tục hành chính, những khoản về thanh tra kiểm tra định kỳ không cần thiết...
Mặt khác, rất nhiều doanh nghiệp phản ánh, có tâm lý đình trệ, chờ đợi khi thực hiện thủ tục hành chính ở các địa phương, cần khắc phục. Chúng ta đã có rất nhiều nghị quyết, nhiều cuộc gặp của Chính phủ...; không khí này cần chuyển động mạnh xuống cấp địa phương, bộ ngành.
"Tức là cần một không khí mới cho quá trình tăng tốc năm 2024. Chính phủ và bộ máy chính quyền các cấp đó là đẩy mạnh nâng cao chất lượng thực thi. Bởi nếu chính sách tốt nhưng thực thi không tốt thì hiệu ứng chính sách trên thực tế không cao", ông Tuấn nhấn mạnh.