Quy mô thị trường nhỏ là hạn chế lớn của TTCK Việt Nam. Làm thế nào để nâng cao thanh khoản cho thị trường là chủ đề của diễn đàn do Sở GDCK TP. HCM (HOSE) chủ trì tổ chức cuối tuần qua, với sự tham gia của tất cả các thành viên thị trường.
“Dù thị trường có tăng trưởng tốt đến đâu, nhưng không đủ lớn để hấp thụ các dòng vốn quốc tế, thì sự hấp dẫn đó cũng chỉ dừng lại ở trên các bài báo, bài phân tích mà thôi”, bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Phòng nghiên cứu phát triển của HOSE nhấn mạnh trong phần mở đầu bài thuyết trình về những giải pháp HOSE đang triển khai, để tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Theo báo cáo của HOSE, giá trị vốn hóa và giá trị giao dịch của TTCK Việt Nam hiện thấp nhất so với các thị trường trong khu vực, chỉ đạt 40 tỷ USD về vốn hóa và 50 triệu USD giá trị giao dịch/ngày. Nếu tính về giá trị quay vòng chứng khoán để loại đi yếu tố về quy mô thị trường, Việt Nam cũng chỉ đứng trên Philippines. Trong đó, quy mô các công ty niêm yết nhỏ, phần lớn là các doanh nghiệp có giá trị vốn hóa dưới 50 triệu USD, chỉ có khoảng 10 công ty có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD và 22 công ty có giá trị vốn hóa trên 500 triệu USD. So với thị trường Philippines, mặc dù chỉ có 257 công ty niêm yết, nhưng vốn hóa thị trường gấp gần 7 lần so với thị trường Việt Nam.
Từ đầu năm 2014, giao dịch bình quân phiên tăng từ 50 triệu USD năm 2013 lên 100 triệu USD 5 tháng đầu năm. Trong đó, nhóm VN30 chiếm 56% giá trị giao dịch toàn thị trường, VNMidcap 20% và VNSmallcap 12%. Nếu xét theo từng công ty, thanh khoản sẽ nhỏ hơn nhiều.
Cụ thể, có 146 công ty có giá trị giao dịch dưới 1 tỷ đồng/ngày, 244 công ty có giá trị giao dịch dưới 10 tỷ đồng/ngày và chỉ có 10 công ty có giá trị giao dịch trên 50 tỷ đồng/ngày. Điều này lý giải vì sao nhà đầu tư nước ngoài tập trung đến 82% giá trị giao dịch vào cổ phiếu thuộc rổ VN30, chỉ giành 10% và 2% vào nhóm VNMidcap và VNSmallcap. Trong khi đó, xét về các chỉ số tăng trưởng, chỉ số của các công ty có mức vốn hóa nhỏ tăng trưởng tốt hơn chỉ số công ty vốn hóa lớn. Do đó, để giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường, hàng loạt giải pháp đã được các thành viên thị trường kiến nghị.
Tăng biên độ hay kéo dài thời gian giao dịch?
Khi nói đến giải pháp tăng thanh khoản, giải pháp được nhiều nhà đầu tư đề cập đến là tăng biên độ giao dịch và kéo dài thời gian giao dịch. Tuy nhiên, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho rằng, giải pháp này hiện chưa hợp lý khi các biện pháp kiểm soát hay cơ chế ngắt mạch tự động chưa được tốt, nhất là khi thị trường chịu tác động của những thông tin nhạy cảm như vừa qua.
“Không cần kéo dài thời gian giao dịch, biên độ có thể nới thêm, nhưng hiện tại mức 7 - 10% là phù hợp”, Giám đốc Công ty quản lý quỹ MB đánh giá.
Nói về rào cản kỹ thuật giao dịch, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán HSC ông Johan Nyvene cho biết, những nhà đầu tư tổ chức nước ngoài kiến nghị xem xét yêu cầu ký quỹ. Theo ông Johan Nyvene, các nhà đầu tư này, họ đã quen với thị trường khớp lệnh trước, sau đó đến ngày thanh toán mới gửi tiền đi. Việc quản lý tiền, chứng khoán được thực hiện qua ngân hàng lưu ký toàn cầu và qua ngân hàng lưu ký địa phương, nên nếu phải chia tiền ra để ở các nơi thì thanh khoản sẽ thấp. Nhà đầu tư nước ngoài cũng thiệt thòi hơn so với nhà đầu tư cá nhân khi không thể mở nhiều tài khoản để mua bán 1 cổ phiếu trong cùng một phiên. Đối với nhà đầu tư giao dịch qua một môi giới ở nước ngoài thì khi có lệnh mua bán cùng loại chứng khoán trong phiên, nếu có 2 nhà đầu tư cùng đặt lệnh thì chỉ có một lệnh được khớp.
Tăng thanh khoản cho trái phiếu doanh nghiệp
Trong khi đó, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) đề xuất, nên có cơ chế giao dịch như cổ phiếu dành cho trái phiếu doanh nghiệp chuyển đổi, để tăng thanh khoản, nhằm thu hút nhà đầu tư vào kênh đầu tư an toàn, với lãi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm.
“Chúng tôi sắp phát hành trái phiếu và đã trả phí cho ngân hàng để bất cứ lúc nào trái chủ cũng có thể thế chấp trái phiếu vay vốn. Nếu trái phiếu được giao dịch như cổ phiếu, nhà đầu tư có vốn vài chục triệu cũng có thể tham gia thị trường”, ông Bình nói.
Đồng tình với ý kiến này, Tổng giám đốc MB Capital ông Phan Phương Anh cho biết, MB Capital thành lập quỹ mở trái phiếu mục tiêu là hút vốn nhà đầu tư cá nhân. Nhưng quy định hiện nay chỉ cho phép Quỹ đầu tư trái phiếu Chính phủ, lợi suất không cao (khoảng 10,2%/năm trong năm 2013 và 5 tháng đầu năm là 11%/năm) nên khó thu hút nhà đầu tư cá nhân trong nước tham gia.
“Kiến nghị Bộ Tài chính nới quy định cho quỹ mở trái phiếu được đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết”, ông Phương Anh đề xuất, đồng thời kiến nghị nên có giải pháp khuyến khích nhà đầu từ cá nhân tham gia vào quỹ, như chính sách miễn giảm thuế…
Theo thống kế của HOSE, hiện 74% giá trị giao dịch trên thị trường đến từ nhà đầu tư trong nước, chỉ 15% đến từ nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và 10% từ tổ chức đầu tư trong nước. Cơ cấu giao dịch ở thị trường đã phát triển là 30% cá nhân và 70% là tổ chức.
Tăng minh bạch thông tin
Tăng thanh khoản, tăng quy mô thị trường là một trong các điều kiện để tổ chức MSCI quyết định nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên nhóm thị trường mới nổi. Nhưng để có thể nâng hạng, các chủ thể tham gia thị trường cần nỗ lực để đáp ứng hàng loạt các tiêu chí của tổ chức này. Trong đó, nâng cao quản trị công ty, quản trị rủi ro tại tổ chức phát hành cũng như CTCK và minh bạch hóa thông tin là hai vấn đề nhà đầu tư quan ngại nhất.
Ông Sơn cho biết, sắp tới UBCK sẽ sửa quy định cung cấp thông tin bằng tiếng Anh của doanh nghiệp niêm yết quy mô vốn lớn từ khuyến khích sang bắt buộc. Hiện UBCK đã làm việc với các đối tác để dịch tất cả các quy định liên quan đến thị trường vốn, đưa lên website của Ủy ban. Các quy định về quản trị công ty cũng liên tục được sửa đổi hướng đến tiêu chuẩn quốc tế.
Nói về việc minh bạch thông tin, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ điện lạnh (REE) băn khoăn, có những thương vụ đang trong quá trình đàm phán, công ty không dám công bố sớm vì kết thúc có thể thành công hoặc không. Nhưng theo ông Bình, nếu không công bố ngay từ khi khởi đầu một thương vụ thì thị trường sẽ luôn giao dịch trong nghi ngờ. Nếu vì lý do nào đó mà thương vụ không thành, công ty cũng công bố và giải thích lý do rõ ràng.
“Nhà đầu tư đủ tỉnh táo để hiểu thông tin đó là thông tin thực chứ không phải là tạo ra cầu ảo”, ông Bình nói.
Cổ đông Nhà nước: thoái vốn xuống dưới 65%
Nâng hạng cho TTCK Việt Nam là điều mà cả nhà đầu tư cũng như các cơ quan quản lý thị trường mong muốn. Và một trong những giải pháp có thể tác động nhanh và trực tiếp đến thanh khoản thị trường, được các thành viên thị trường nhấn mạnh đến đó là vai trò của cổ đông Nhà nước.
“Nhiều doanh nghiệp quy mô vốn lớn được nhà đầu tư quan tâm, nhưng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp chỉ 10 - 30%, cổ đông Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ lớn. Đây là bất cập lớn nhất của TTCK Việt Nam so với các thị trường khác trong khu vực, đồng thời đây cũng là bất cập của các DNNN sau cổ phần hóa”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, nếu cổ đông Nhà nước nắm giữ tỷ lệ quá lớn trong doanh nghiệp, sẽ làm triệt tiêu quản trị công ty khi với tỷ lệ đó, Nhà nước có thể thông qua mọi quyết định tại doanh nghiệp. Vì thế, trước tiên cổ đông Nhà nước cần thoái bớt vốn xuống dưới 65% để không thể tự quyết hết các vấn đề. Nhà nước cũng cần thoái vốn ở các công ty lớn ở những ngành, lĩnh vực đã IPO mà Nhà nước không cần nắm quyền chi phối theo chủ trương chung.
Ông Johan Nyvene đề xuất, khi cần thời gian để thực hiện các giải pháp khác thì giải pháp cơ học là tăng số công ty niêm yết, tăng số cổ phiếu có thể giao dịch. Theo đó, cần có quy định chế tài buộc các công ty sau cổ phần hoá, IPO phải đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường tập trung.
Được biết, tới đây, Chính phủ sẽ có quy định cơ chế để DNNN thoái vốn dưới giá vốn, đảm bảo theo giá thị trường thay vì thoái vốn nhưng bảo toàn vốn đầu tư ban đầu như hiện nay.