Thanh khoản vốn là câu chuyện trăn trở với lãnh đạo HOSE từ lâu, bởi như lời TS. Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Sở thì TTCK Việt Nam quá bé về quy mô, quá nhỏ về thanh khoản, để có thể tính đến việc cạnh tranh với các Sở bạn trong thu hút dòng vốn nước ngoài.
Một dẫn chứng được TS. Trần Đắc Sinh đưa ra tại buổi hội thảo bàn giải pháp phát triển TTCK năm 2014 là các tổ chức quốc tế lớn chỉ quan tâm đến thị trường và đầu tư khi thị trường có quy mô vốn hóa đủ lớn, giá trị giao dịch trung bình đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Trong khi đó, giá trị giao dịch trung bình tại HOSE chỉ đạt khoảng 1.500 tỷ đồng/ngày, tương đương 75 triệu USD.
Để thúc đẩy thanh khoản cho TTCK, HOSE từng đưa ra đề xuất biên độ dao động giá cần nới rộng hơn. Hiện biên độ dao động giá tại HOSE là thấp nhất trong khu vực (Thượng Hải 10%; Hàn Quốc 15%; Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản đều 30%...). Đề xuất của HOSE, theo thăm dò của Báo ĐTCK, được nhiều thành viên ủng hộ.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI) cùng chung cảm nhận rằng, TTCK Việt Nam đang có biên độ rất thấp, nên việc nới biên độ cao hơn 7% tại HOSE là biện pháp đáng để nhà quản lý lưu tâm, trong mục tiêu tăng thanh khoản cho thị trường. Cũng theo ông Dũng, nếu nhìn nhận đúng bản chất, việc nới biên độ rộng sẽ giúp thị trường phản ánh thật hơn về giá cổ phiếu và NĐT cũng hào hứng hơn. Mục đích của việc điều chỉnh biên độ là nhằm tạo thanh khoản, tạo sức hấp dẫn lớn hơn cho chứng khoán và đây là thời điểm thích hợp để tính việc áp dụng biện pháp này.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc nới biên độ chỉ thực sự thích hợp khi cấu trúc thị trường đã thực sự phát triển, các sản phẩm đã được hoàn thiện. Xét một cách tổng thế, việc nới biên độ có tính 2 mặt, trong điều kiện thị trường đi lên, biên độ cao có thể giúp thị trường tăng mạnh. Tuy nhiên, khi thị trường đi xuống, biên độ rộng càng đẩy thị trường xấu hơn, ảnh hưởng lớn đến tâm lý NĐT. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, không thể khi thị trường có xu hướng đi lên thì nới biên độ và ngược lại, khi thị trường có dấu hiệu đi xuống lại thu hẹp biên độ.
Nới biên độ là một chủ đề không mới ở TTCK Việt Nam và nay, trước mục tiêu làm sao để tăng thanh khoản cho TTCK, câu chuyện này lại được gợi lên để bàn thảo. Dù có những ý kiến trái chiều xung quanh việc nới biên độ, song theo HOSE, việc nới biên độ là nằm trong lộ trình, chiến lược phát triển lâu dài của Sở.
Mặc dù vậy, xét về bản chất thì việc nới biên độ cũng chỉ là “biện pháp” hành chính. Tăng quyền cho các Sở được chủ động giải pháp này là điều nhà quản lý ngành chứng khoán nên cân nhắc, để không gian rộng hơn trong vận hành TTCK của các Sở. Bên cạnh đó, điều mà NĐT chờ đợi nhất là những giải pháp mang tính tổng thể từ phía các cơ quan quản lý thị trường, như việc tiếp tục nghiên cứu giảm thời gian giao dịch, sớm có quan điểm chính thức về việc nới rộng không gian đầu tư cho khối ngoại, nới room hay chọn giải pháp khác.