Kết quả tích cực
Theo báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính đã đạt một số kết quả như: có 4.527/4.723 thủ tục hành chính (tỷ lệ 95,85%) đã được đơn giản hoá; tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, góp phần tiết kiệm chi phí và phòng chống tiêu cực...
Chính phủ điện tử được triển khai nghiêm túc nhằm công khai, minh bạch kết quả giải quyết kiến nghị của DN, tạo điều kiện cho DN giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước qua môi trường mạng…
Về công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thông qua địa chỉ http://doanhnghiep.chinhphu.vn, các kiến nghị của DN về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất-kinh doanh, đặc biệt là về cơ chế, chính sách, giao dịch với các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, trực tiếp được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ đạo xử lý và trả lời.
Đặc biệt, các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh cho DN được đánh giá là điểm sáng trong thời gian qua. Theo đó, Chính phủ đã ban hành 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật DN, trong đó tập trung cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho DN.
Điển hình là việc đưa vào vận hành đăng ký DN qua mạng điện tử, góp phần giảm thời gian, chi phí thành lập DN và xây dựng một hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch.
Bên cạnh đó, thủ tục về thuế và hải quan cũng được đẩy mạnh thông qua việc hiện đại hoá hệ thống công nghệ, giảm thủ tục, thời gian và chi phí cho DN. Hệ thống khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử đã được triển khai tại 63 cục thuế và 100% chi cục thuế trực thuộc…
Còn nhiều Hạn chế
Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả tích cực, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra một số hạn chế, cũng như rào cản vẫn đang tồn tại, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của DN.
Chẳng hạn, công tác hỗ trợ DN vẫn còn chậm chuyển biến, rời rạc, thiếu nguồn lực hỗ trợ; trong đó, các khó khăn về thuế vẫn chưa được kịp thời tháo gỡ như ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân; xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt…
Tiếp cận vốn tín dụng cho DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ vẫn còn khó khăn. Theo phản ánh từ các địa phương và DN, rất ít DN vừa và nhỏ được bảo lãnh tín dụng.
Về tiếp cận thị trường, các DN trong nước vẫn khó tham gia chuỗi xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của các DN FDI chiếm phần lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu; các tập đoàn nước ngoài chi phối thị trường hàng hoá trong nước, đẩy hàng hóa Việt Nam ra khỏi hệ thống bán lẻ…
Về tiếp cận đất đai, theo đánh giá từ cộng đồng DN, việc tiếp cận mặt bằng kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn do giá thuê cao, diện tích cho thuê lớn so với nhu cầu của DN. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành còn chồng chéo, mâu thuẫn...
Việc giảm chi phí cho DN chưa đi vào thực tế và còn chậm, điển hình là phí BOT vẫn quá cao; chưa có thống nhất mức thu phí giữa các địa phương đối với các loại hình mỏ, khoáng sản…; chi phí đầu vào của DN như điện, chi phí logistic, chi phí hạ tầng cơ sở cảng biển vẫn còn cao; công tác thanh tra, kiểm tra DN còn chồng chéo, trùng lắp về nội dung, bên cạnh số lần thanh tra, kiểm tra trong 1 năm vẫn còn nhiều...
Để giải quyết các hạn chế và tiếp tục tăng cường công tác cải cách tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra một số đề xuất.
Theo đó, một số vấn đề có tính mấu chốt, cấp bách trong xử lý khó khăn, vướng mắc của DN xuất phát từ quy định của pháp luật trong các lĩnh vực về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường…, cần có sự chỉ đạo và phối hợp của nhiều cơ quan liên quan và nhiều cấp (Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương).
Trong thời gian tới, các địa phương, hiệp hội DN cần có báo cáo, đề xuất cụ thể về các lĩnh vực nêu trên để Chính phủ xem xét kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, nhằm tạo thuận lợi cho DN phát triển.
Cùng với đó, Bộ kế hoạch và Đầu tư đề nghị, cần nghiêm túc thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với một DN không quá 1 lần trong một năm, trong đó lưu ý việc phối hợp thanh tra liên ngành, tập trung trong các lĩnh vực nổi cộm như thuế, kiểm toán, môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động. Đồng thời, tiếp tục rà soát, đẩy mạnh triển khai các giải pháp cắt giảm chi phí kinh doanh cho DN như các loại chi phí vay vốn, logistics, vận tải…
Cần có sự thống nhất trong chỉ đạo
Hiệp hội DN Địa chất và khoáng sản Việt Nam
Có những chỉ đạo chưa thống nhất giữa Trung ương và địa phương. Đơn cử, theo Giấy phép khai thác số 604/GP-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho CTCP Xuất nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Việt Nam ngày 24/3/2008 tại Mỏ cát thạch anh Hòa Bình thuộc xã Phong Hòa và Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, công suất khai thác hàng năm quy định là 185.125 tấn/năm. Tuy nhiên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lại giới hạn sản lượng khai thác năm 2015 là 40.000 tấn/năm và năm 2016 là 50.000 tấn/năm.
Tương tự, tại Thông tư 04/2012/TT-BXD ngày 20/9/2012 của Bộ Xây dựng quy định khoáng sản cát thạch anh sau khi chế biến và làm sạch đạt tới tiêu chuẩn hàm lượng SiO2 tối thiểu 99% thì được phép xuất khẩu. Thế nhưng, tại Văn bản số 3399/UBND-NĐ ngày 01/7/2008 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND Tỉnh chỉ ưu tiên giải quyết thủ tục cho các nhà đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh và sản phẩm chế biến phải đạt theo tiêu chuẩn yêu cầu của UBND Tỉnh về chế biến sâu.
Bên cạnh đó, tình trạng không thống nhất, chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra cũng phổ biến. Chẳng hạn, trong năm 2016, CTCP Xuất nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Việt Nam được 4 đoàn tới thanh kiểm tra, gồm các đoàn của UBND huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường; Công an Môi trường và Thanh tra liên ngành của UBND Tỉnh, với nội dung tương tự nhau liên quan đến dự án của Công ty.
Đơn giản thủ tục hành chính trong xuất-nhập khẩu
Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đức
Hiện nay, các DN có hoạt động xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở gặp nhiều khó khăn trong việc thanh toán biên mậu qua ngân hàng, các văn bản hướng dẫn thanh toán vẫn chưa phù hợp với thực tế của địa phương. Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới chưa có văn bản hướng dẫn rõ ràng, dẫn đến DN bị vướng mắc trong thực hiện. Chúng tôi mong muốn làm rõ một số nội dung:
Thứ nhất, hướng dẫn rõ 3 phương thức thanh toán: thanh toán qua ngân hàng; thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán dùng tiền mặt.
Thứ hai, đối với việc thanh toán khi có hoạt động xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở thì đơn vị chủ động trong việc thanh toán đảm bảo không bị mất mát tiền hàng và không bị khách hàng chiếm đoạt, tức DN sử dụng các hình thức thanh toán để thu được tiền.
Thứ 3, đối với các mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng và các đơn vị hoàn thuế, yêu cầu các đơn vị thực hiện theo quy định và các văn bản hướng dẫn thi hành và bắt buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt.
Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng xe
Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam – Chi nhánh Hải Phòng
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, lãnh đạo các tỉnh, thành phố từ Trung ương đến địa phương đã quyết liệt xử lý các phương tiện chở quá tải trọng cho phép, tạo được niềm tin cho các DN kinh doanh vận tải, giúp thị trường vận tải được ổn định, giảm thiểu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng chở hàng quá tải trên một số tuyến đường đã xuất hiện trở lại, đặc biệt tại các bến thủy nội địa như bến Kênh Vàng (Bắc Ninh), nhiều sà lan vận chuyển hàng tập kết xếp lên xe vượt quá tải trọng quy định từ 100-150%. Do đó, các DN chấp hành chở đúng tải có nguy cơ mất hàng do không cạnh tranh được với giá chở quá tải. Vì vậy, cần duy trì các trạm cân ở một số tuyến đường có mật độ phương tiện qua lại nhiều, hoặc tại các trạm thu phí cầu đường triển khai các giải pháp để kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi chở quá tải này.
Xây dựng bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo
Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam
Ở nhiều nước trên thế giới, bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo thực chất là bộ quy chuẩn về quảng cáo, trong đó quy định chi tiết những điều được và không được quảng cáo cho từng sản phẩm, ngành hàng. Các nhà quảng cáo căn cứ vào bộ quy tắc để tự điều chỉnh việc thực hiện quảng cáo cho đúng quy chuẩn.
Các cơ quan quản lý không phải xét duyệt nội dung trước, chỉ cần đối chiếu các quy định trong bộ quy tắc để giám sát, kiểm tra các đơn vị làm quảng cáo, nếu sai thì xử phạt nặng. Thực hiện được việc này không chỉ đề cao trách nhiệm của các nhà quảng cáo, mà còn giảm nhiều thủ tục hành chính phiền hà cho cả cơ quan quản lý lẫn người làm quảng cáo. Tình trạng xin-cho, tiêu cực về cơ bản sẽ bị loại bỏ.