“Vỏ quýt dày” thiếu… “móng tay nhọn”
Tổng kết thực tiễn áp dụng Luật Chứng khoán của Bộ Tài chính cho thấy, quy định về thẩm quyền của UBCK trong thanh tra, kiểm tra, xác minh vi phạm trên thị trường chứng khoán (TTCK) chưa đầy đủ, đồng thời chưa gắn việc quy định thẩm quyền của UBCK với quy định thẩm quyền của các cơ quan liên quan như: ngân hàng, công an, cơ quan thuế… trong phối hợp thực hiện, dẫn đến chưa bảo đảm thực hiện tốt chức năng quản lý, giám sát, cưỡng chế thực thi.
Quá trình phát triển và hoạt động của TTCK cho thấy luôn tiềm ẩn rủi ro xuất phát từ các hành vi mang tính lạm dụng, trục lợi. Thế nhưng, với thẩm quyền như hiện nay, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu thao túng giá chứng khoán, hoặc giao dịch có sử dụng thông tin nội bộ, UBCK chỉ có thể thực hiện các quyền khi tiến hành thanh tra gồm: yêu cầu đối tượng nghi vấn cung cấp thông tin, tài liệu, mời đối tượng đến làm việc, giải trình (không đến thì không có cách gì bắt buộc).
Ngân hàng Nhà nước đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về trường hợp được yêu cầu cung cấp thông tin, phạm vi cung cấp và việc thực hiện cung cấp thông tin phải theo chế độ "mật”, đảm bảo không mâu thuẫn với quy định hiện hành và bảo vệ quyền lợi khách hàng của các tổ chức tín dụng
UBCK không có quyền buộc đối tượng đến làm việc để đối chất; không có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan liên quan như: ngân hàng, bưu điện, cơ quan khác cung cấp thông tin về dòng tiền giữa các tài khoản nghi vấn; về thông tin trao đổi giữa đối tượng nghi vấn; về danh tính, nhân thân đối tượng để xác minh; làm rõ mối liên hệ giữa các đối tượng, sự móc nối, thông đồng giữa các đối tượng trong thực hiện hành vi vi phạm…
Thực tế, việc UBCK chưa có các quyền trên trong kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đã làm cho việc phát hiện, xử lý vi phạm gặp khó khăn do thiếu thông tin, thiếu bằng chứng xác thực, làm giảm đáng kể hiệu quả thanh tra, giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, nhất là hành vi thao túng giá chứng khoán và sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán.
Mặt khác, Việt Nam đã tham gia Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO). Việc UBCK Việt Nam chưa được trao đầy đủ thẩm quyền trong thanh tra, giám sát, cưỡng chế thực thi là chưa thực hiện đầy đủ các nguyên tắc 10, 11, 12 của IOSCO về cưỡng chế thực thi trong quản lý chứng khoán.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thẩm quyền cho UBCK trong thanh tra, kiểm tra, xác minh vi phạm.
Theo đó, khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, xác minh vi phạm, UBCK có quyền: yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến đối tượng có dấu hiệu vi phạm; yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về giao dịch tài khoản ngân hàng của đối tượng có dấu hiệu vi phạm; triệu tập tổ chức, cá nhân có liên quan đến làm việc để làm rõ hành vi vi phạm.
Bổ sung quy định về phối hợp giữa UBCK với các cơ quan quản lý TTCK nước ngoài theo hướng UBCK có quyền thực hiện các yêu cầu phối hợp xác minh, thu thập thông tin của UBCK các nước trong khuôn khổ cam kết theo MMoU của IOSCO...
Ủng hộ tăng quyền nhưng phải rõ ràng
Việc tăng quyền theo hướng trên có mối liên quan chặt chẽ với lĩnh vực ngân hàng, nhất là trên khía cạnh trao thêm quyền cho UBCK trong yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về giao dịch tài khoản ngân hàng của đối tượng có dấu hiệu vi phạm, nên cơ quan quản lý TTCK cần sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Góp ý về hướng tăng quyền cho UBCK, Ngân hàng Nhà nước đề nghị cân nhắc các giải pháp để phù hợp với Luật Thanh tra, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật.
Riêng với giải pháp bổ sung thẩm quyền UBCK yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về giao dịch tài khoản ngân hàng của đối tượng có dấu hiệu vi phạm, Ngân hàng Nhà nước đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về trường hợp được yêu cầu cung cấp thông tin, phạm vi cung cấp và việc thực hiện cung cấp thông tin phải theo chế độ "mật”, đảm bảo không mâu thuẫn với quy định hiện hành và bảo vệ quyền lợi khách hàng của các tổ chức tín dụng.
Cùng quan điểm trên, ý kiến từ Bộ Tư pháp cho rằng, để đảm bảo cho TTCK hoạt động công bằng, hiệu quả và minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, việc bổ sung thẩm quyền bảo đảm cho UBCK có đủ quyền lực để thực thi tốt các chức năng quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm là cần thiết.
Tuy nhiên, chính sách này có ảnh hưởng đến quyền riêng tư của cá nhân là đối tượng nghi vấn vi phạm pháp luật từ hoạt động thu thập thông tin liên quan đến nhân thân, giao dịch, mối quan hệ giữa các cá nhân…
Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng chính sách theo hướng đảm bảo tối đa thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, quyền riêng tư của cá nhân, quy định rõ tiêu chí, trường hợp áp dụng, thẩm quyền của cơ quan thực thi cũng như thẩm quyền cơ quan thanh tra, giám sát.
Còn Bộ Công an cho rằng, giải pháp bổ sung thẩm quyền cho UBCK được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu về giao dịch tài khoản ngân hàng của cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK, yêu cầu tổ chức, cá nhân đến làm việc để làm rõ hành vi vi phạm… là cấp giám sát thứ nhất, nên để có cơ sở thuyết phục trao thêm các quyền này cho UBCK, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung đánh giá về sự phù hợp của giải pháp này với quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về tố tụng hình sự và quy định của pháp luật khác có liên quan.
Về phía cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính tiếp thu các góp ý của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước… liên quan đến thẩm quyền của UBCK trong thanh tra, xử lý vi phạm để bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra, Luật Các tổ chức tín dụng…
Đồng thời, khẳng định, trong quá trình đánh giá tác động của chính sách, cơ quan soạn thảo đã xem xét vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật thông tin của đối tượng vi phạm, cũng như đánh giá sự cần thiết của việc bổ sung các quy định liên quan tới hoạt động thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm.
“Cần xem xét kỹ lưỡng trước khi tăng quyền”
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)
Bộ Tài chính, UBCK cũng cần đưa ra các dẫn chứng về những vụ việc có dấu hiệu nghi vấn thao túng giá mà UBCK nắm được thông tin ban đầu, nhưng không thể thu thập được thông tin để có căn cử xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự do chưa có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, cần rà soát xem trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, các thẩm quyền của UBCK có tiếp cận sát với cơ quan quản lý TTCK các nước hay chưa?
Việc UBCK chưa được trao thẩm quyền như thông lệ và chuẩn mực quốc tế gây khó khăn gì cho Việt Nam trong tham gia các sân chơi hội nhập quốc tế?
Nếu những đánh giá khách quan cho thấy việc UBCK chưa được trao quyền đầy đủ đang gây khó khăn cho cơ quan này trong quản lý nhà nước, cũng như hội nhập quốc tế, thì cần xem xét trao quyền cho UBCK.
Liên quan đến góp ý của Ngân hàng Nhà nước đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét nội dung: "Tác động tiêu cực/chi phí hầu như không có" khi tăng quyền cho UBCK trong thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, xác minh vi phạm và cưỡng chế thực thi liệu có chuẩn xác không, vì triển khai các công việc này sẽ phát sinh nhiều khoản chi phí để xác định rõ các hành vi vi phạm, giải trình từ Bộ Tài chính cho rằng, việc thanh tra, kiểm tra, xác minh, xử lý vi phạm và cưỡng chế thực thi thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBCK được thực hiện thường xuyên.
Bổ sung thẩm quyền thực tế không phát sinh thêm chi phí do việc yêu cầu cung cấp thông tin, mời đến làm việc vẫn được thực hiện trong quá trình thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, mà chỉ để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thu thập thông tin. Xét về tổng thể, việc bổ sung thẩm quyền sẽ góp phần giảm chi phí chung do đẩy nhanh tiến độ thu thập thông tin, xác minh làm rõ vi phạm, góp phần rút ngắn thời gian thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, tăng hiệu quả của công tác thanh tra, cưỡng chế thực thi, hạn chế trường hợp không xác minh làm rõ được dấu hiệu vi phạm dẫn tới có thể bỏ sót, bỏ lọt vi phạm pháp luật.