Tăng nội lực để hấp thụ dòng tiền lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tình hình địa chính trị nhiều khu vực trên thế giới còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu và khiến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chưa thể tăng trưởng nhanh trở lại. Trong khi đó, sức mua trên thị trường nội địa chưa mấy cải thiện và nền kinh tế không dễ hấp thụ 2 triệu tỷ đồng vốn tín dụng năm nay nếu không tăng kích cầu nội địa.
Nền kinh tế vững nội lực để “bật nhảy” sang năm mới thành công Nền kinh tế vững nội lực để “bật nhảy” sang năm mới thành công

Fed sẽ hạ cánh “mềm”?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu giảm lãi suất USD, nhưng điều này đến sớm hay muộn còn phụ thuộc vào xu hướng lạm phát của Mỹ. Trong khi đó, số liệu đưa ra tháng 12/2023 tại Mỹ cho thấy, lạm phát chưa thực sự giảm như kỳ vọng nên chúng ta chưa thể chắc chắn Fed có sớm giảm lãi suất USD hay không và nếu có giảm thì cũng chưa hẳn sẽ giảm ba lần như thông tin trước đó.

Trong bối cảnh đó, dự báo sẽ có hai kịch bản xảy ra. Kịch bản thứ nhất, có thể Fed sẽ giảm lãi suất USD như thông tin đã công bố hoặc có thể giảm nhiều hơn mức dự kiến. Nếu điều này xảy ra sẽ được xem là kịch bản tốt nhất cho kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Vì khi Fed đảo chiều chính sách và dần nới lỏng tiền tệ, lãi suất USD giảm trở lại, dòng tiền sẽ chảy mạnh hơn, từ đó tạo ra dư địa cho các ngân hàng trung ương trên thế giới nới lỏng tiền tệ theo Fed.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM

Khi dòng tiền chảy mạnh hơn, người dân cũng chi tiêu nhiều hơn, tác động tích cực lên tổng cầu, từ đó kinh tế toàn cầu có cơ hội hồi phục nhanh. Khi kinh tế thế giới hồi phục, xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ tăng trưởng trở lại, tác động tích cực lên nền kinh tế trong nước. Trong điều kiện đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như hiện nay, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đồng thời người dân cũng sẽ chi tiêu nhiều hơn nếu có thêm các biện pháp kích cầu nội địa.

Còn kịch bản thứ hai là nếu lạm phát tại Mỹ vẫn cao và Fed phải cân nhắc thận trọng hơn việc giảm lãi suất USD, nền kinh tế toàn cầu sẽ đối diện nhiều khó khăn và tổng cầu thế giới sẽ thu hẹp lại. Tuy xác suất thấp so với kịch bản thứ nhất, nhưng vẫn có khả năng xảy ra khi tình hình địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, nhất là ở khu vực Trung Đông. Nếu diễn biến địa chính trị ở khu vực này còn trầm trọng hơn làm tác động tác động đến giá dầu thì khả năng lạm phát sẽ quay trở lại. Bên cạnh đó, cuộc chiến Nga - Ukraine không biết khi nào sẽ kết thúc cũng là những yếu tố tác động xấu đến diễn biến kinh tế toàn cầu.

Trong phát biểu mới đây, Chủ tịch Fed tại Atlanta cho biết, Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất sớm nhất từ quý III/2024. Bởi những tiến triển ngoài kỳ vọng trong việc kiểm soát lạm phát khiến quan chức Fed thay đổi dự báo về lần cắt giảm đầu tiên sẽ là vào quý III, thay vì quý IV/2024 như dự báo trước đó. Nếu các số liệu tiếp tục cho thấy sự cải thiện tích cực thì việc bình thường hóa chính sách tiền tệ của Fed có thể diễn ra trước quý III/2024. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, các quan chức Fed thận trọng hơn về việc hạ lãi suất, khi vẫn còn cần thêm những nỗ lực để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.

Cần tập trung kích cầu nội địa

Đối với thị trường trong nước, hiện mặt bằng lãi suất đã giảm ở mức rất mạnh và chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa để nới lỏng. Để nền kinh tế hấp thụ được 2 triệu tỷ đồng vốn tín dụng trong năm 2024, chúng ta phải tập trung kích cầu, thay vì kích cung vốn. Do sức cầu của thị trường yếu, đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp khó khăn khiến tín dụng khó tăng, vì doanh nghiệp không biết vay vốn để làm gì cho hiệu quả. Để hấp thụ được vốn, việc giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là các doanh nghiệp phải có đơn hàng.

Nếu kích cầu không hiệu quả thì lãi suất giảm cũng không tác động nhiều đến tăng trưởng. Vả lại, mặt bằng lãi suất đã xuống mức quá thấp. Thực tế, lãi suất huy động hiện nay đã xuống dưới mức 2%/năm đối với kỳ hạn ngắn. Tuy nhiên, muốn hỗ trợ lãi suất ổn định cho doanh nghiệp và người dân thì phải là lãi suất vay dài hạn, chứ giảm lãi vay kỳ hạn ngắn như các ngân hàng đẩy mạnh hiện nay chưa hẳn đã giải quyết được vấn đề.

Chẳng hạn, với lãi suất cho vay mua nhà, mức ưu đãi thường trong thời gian ngắn đầu kỳ, thời gian tiếp theo sẽ được thả nổi theo thị trường. Nếu thay vào đó có những gói tín dụng mua nhà với lãi suất cố định sẽ tạo sự yên tâm và khuyến khích người dân vay mua nhà.

Nói thêm về thị trường bất động sản, trong ngắn hạn chưa thể kỳ vọng thị trường này sớm hồi phục. Có thể nửa cuối năm 2024, các phân khúc nhà ở có giá từ 3 tỷ đồng trở xuống sẽ sôi động, còn phân khúc cao hơn chưa thể có thanh khoản cao. Tuy nhiên, nếu những người có nguồn tiền nhàn rỗi và nhu cầu về nhà ở thực thì đây là thời điểm để lựa chọn vay mua nhà, bởi lãi suất vay hiện đã giảm xuống mức phù hợp, giá bất động sản cũng đang chững lại. Khi lãi suất duy trì ở mức thấp như hiện nay, nhiều người kỳ vọng dòng tiền sẽ chuyển hướng mạnh sang các kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao hơn như bất động sản, chứng khoán, song dòng tiền đầu tư vẫn đang ở trạng thái thăm dò và điều này là hợp lý trong bối cảnh còn nhiều biến số có thể xảy ra.

Trong bối cảnh sức cầu thế giới còn bị tác động bởi nhiều yếu tố khó lường, việc tăng cầu nội địa để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh là hợp lý. Ở phía cầu, có thể chia thành 2 dạng chính sách: Kích cầu khu vực công và kích cầu từ khu vực tư nhân. Đối với kích cầu ở khu vực công, cần tập trung vào chính sách tài khóa, đẩy mạnh việc chi tiêu của Chính phủ, đẩy mạnh chi tiêu đầu tư công từ nay đến cuối năm để tăng tổng cầu trong nền kinh tế. Điều này đóng vai trò như đòn bẩy để bật tăng nền kinh tế. Thứ hai là chính sách thuế, cần giảm thêm nhiều loại thuế, nhất là đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân để kích cầu từ khu vực tư nhân.

Nhiều dự báo cho rằng, tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam dự kiến đạt 6% và kịch bản tốt là ở mức 6,5%, nhưng theo tác giả, nền kinh tế sẽ phục hồi dần và tốt lên về cuối năm, chứ khó có thể có những bước chạy đà nhanh trong giai đoạn đầu năm. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, cần nâng cao khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục lành mạnh hóa và thúc đẩy thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu để doanh nghiệp có thể huy động được vốn trung, dài hạn qua thị trường này nhằm mở rộng sản xuất - kinh doanh, giảm dần sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dòng vốn tín dụng - ngân hàng.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân
Đại học Kinh tế TP.HCM

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục