“Tăng nhiệt” phát hành cổ phiếu cho đối tác ngoại

0:00 / 0:00
0:00
Thương vụ SMBC (Nhật Bản) chi 1,5 tỷ USD mua cổ phần của VPBank vẫn đang đứng đầu về giá trị thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm. Bức tranh hút vốn ngoại đang sôi động hơn nhờ hoạt động góp vốn mua cổ phần.
Dây chuyền sản xuất tại CTCP Sữa Quốc tế. Ảnh: S.T Dây chuyền sản xuất tại CTCP Sữa Quốc tế. Ảnh: S.T

Tăng nhiệt

Mới đây, CTCP Sữa Quốc tế (mã chứng khoán IDP) đã có một bước tiến đáng chú ý trong việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Theo quyết định của Hội đồng Quản trị (HĐQT), toàn bộ hơn 2,4 triệu cổ phiếu mới phát hành sẽ phân phối cho một nhà đầu tư, đó là Quỹ Daytona Investments Pte. Ltd (Singapore). Đây cũng chính là quỹ đã chi 1.346 tỷ đồng mua 5,3 triệu cổ phiếu IDP trong phiên giao dịch ngày 12/4.

Cùng với việc xác định bên mua, giá phát hành cũng đã được ấn định ở mức 254.044 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền Daytona Investments Pte. Ltd cần chi ra là 611 tỷ đồng. Mức giá trên được tính dựa trên nguyên tắc không thấp hơn bình quân giá tham chiếu 20 ngày trước thời điểm HĐQT thông qua. Giá mua của quỹ ngoại đang cao gấp rưỡi giá đóng cửa cuối tuần trước (ngày 7/7) do cổ phiếu này đã rơi sâu cả tuần vừa qua, đồng thời, gấp 8,3 lần giá trị sổ sách.

Có thể phải mua với giá khá đắt đỏ (tổng giá trị đầu tư 2 đợt ước tính gần 2.000 tỷ đồng), nhưng đổi lại, Daytona Investments Pte. Ltd sẽ nhanh chóng tăng sở hữu tại Sữa Quốc tế, từ gần 9% lên 12,6%.

Cùng với sự xuất hiện của cổ đông lớn từ Singapore, cũng đang có nhiều thay đổi trong chiến lược kinh doanh của hãng sữa này. Thay vì đầu tư mở rộng ngành nghề, Sữa Quốc tế vừa giải thể công ty bất động sản sau 9 tháng thành lập và đang lấy ý kiến cổ đông loại bỏ kế hoạch đầu tư dây chuyền sản xuất đồ uống không cồn và chỉ tập trung cho dây chuyền chế biến sữa tại dự án ở Bình Dương.

Sữa Quốc tế không phải trường hợp duy nhất tăng sự hiện diện của khối ngoại về sở hữu vốn cũng như trong các quyết định kinh doanh. Thương vụ Ngân hàng SMBC chi 1,5 tỷ USD mua cổ phần của VPBank đi đến những thỏa thuận cuối cùng vào tháng 4/2023. Đây là thương vụ hiện có giá trị lớn nhất trong ngành ngân hàng và đến nay vẫn là động lực chính giúp Hà Nội đứng đầu trong danh sách địa phương thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài.

Khoản đặt cọc 10% đã về đến VPBank. Ngân hàng này đang thực hiện những thủ tục cuối cùng với cơ quan chức năng để hoàn thiện giao dịch phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho SMBC để nhận về 90% số tiền bán vốn còn lại.

Trong những ngày đầu tháng 7/2023, một nhà băng khác là SeABank cũng đã chính thức công bố danh tính nhà đầu tư nước ngoài mua toàn bộ gần 95 triệu cổ phiếu. Lượng cổ phiếu trên tương ứng 4,63% cổ phần đang lưu hành và hơn 3,7% sau phát hành, sẽ chào bán cho Norwegian Investment Fund (Norfund) từ Na Uy.

Dù tỷ lệ sở hữu không quá lớn, tổ chức này cần chi tối thiểu hơn 1.200 tỷ đồng, do mức giá chào bán tối thiểu ngang giá trị sổ sách của SeABank (12.861 đồng/cổ phiếu).

Nhiều kế hoạch còn bỏ ngỏ

Có thể phải mua với giá khá đắt đỏ, nhưng đổi lại, Daytona Investments Pte. Ltd sẽ nhanh chóng tăng sở hữu tại Sữa Quốc tế, từ gần 9% lên 12,6%.

Phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho số ít nhà đầu tư, tập trung vào nhóm nhà đầu tư ngoại là thực tế được khá nhiều tổ chức niêm yết nhắm đến trong những năm gần đây.

Như tại SeABank, kế hoạch phát hành riêng lẻ vốn (với quy mô lớn hơn) đã từng được đề cập từ kỳ đại hội cách đây 3 năm. Hay phương án chào bán riêng lẻ của Vietcombank lần đầu tiên trình lên cổ đông từ kỳ Đại hội năm 2019. Hiện “ông lớn” ngành ngân hàng này vẫn kiên định với kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức gần đây, Vietcombank cho biết, thời gian dự kiến hoàn tất chào bán riêng lẻ là năm 2023 - 2024. Theo nhiều nguồn tin, tiến triển đáng chú ý gần đây là nhà băng này đã “chốt” được đơn vị tư vấn cho đợt phát hành.

Bên cạnh các kế hoạch đã đề ra từ trước, lãnh đạo nhiều đơn vị cũng đang đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm đối tác chiến lược. Chia sẻ tại cuộc họp cổ đông năm nay, lãnh đạo The PAN Group - công ty sở hữu nhiều đơn vị thành viên trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm chế biến - cũng cho biết đang tích cực tìm kiếm.

Trước đó, vào cuối năm 2021, C.P. Việt Nam đã chi 327 tỷ đồng nâng sở hữu Thực phẩm Sao Ta (Fimex) lên 24,9%. Thương vụ này được thực hiện thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ, mang về dòng tiền “tươi” cho doanh nghiệp.

Theo Hãng tin Reuters, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đang trong quá trình đàm phán để bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Đây là tỷ lệ sở hữu sau phát hành cao nếu so với mặt bằng chung các đợt chào bán thời gian này.

Ở thời điểm hiện tại, SHB có giá trị vốn hóa thị trường hơn 1,7 tỷ USD. Thông tin từ Reuters cho rằng, thỏa thuận tiềm năng có thể định giá ngân hàng này ở mức 2-2,2 tỷ USD. Với con số này, có thể thấy, giá chào bán cổ phiếu mới nhiều khả năng không quá chênh lệch so với thị giá cổ phiếu SHB ở thời điểm hiện tại. Trường hợp cổ phiếu mới được bán riêng lẻ theo thị giá hiện tại, thì vốn hoá thị trường của SHB sẽ tăng lên gần 2,1 tỷ USD. Tuy nhiên, với khối lượng chào bán lớn, ước tính, SHB có thể thu về 400-440 triệu USD (khoảng 10.000 tỷ đồng) cho thương vụ trên.

Năm nay, kế hoạch phát hành riêng lẻ không được SHB đưa vào nội dung tờ trình. Tuy nhiên, người đứng đầu nhà băng này cũng đã tiết lộ về khả năng có những "chàng rể" ngoại trong trung hạn, với kế hoạch mua cổ phần SHB có thời gian nắm giữ 3 - 5 năm. Lãnh đạo SHB đã tìm hiểu, tiếp xúc với nhiều đối tác trên thế giới. Đại diện SHB cho biết đang tích cực tìm kiếm cơ hội với các đối tác, với mục tiêu mang lại lợi ích cao nhất cho ngân hàng và cổ đông.

Thanh Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục