Tăng lực cho doanh nghiệp bước vào bình thường mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ trong 5 ngày từ 1 - 5/10/2021, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã cơ bản thực hiện xong chính sách giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho 381.925 doanh nghiệp với tổng số tiền trên 7.653 tỷ đồng.
Tăng lực cho doanh nghiệp bước vào bình thường mới

Khối lượng công việc khổng lồ

Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp nói trên tương ứng với khoảng 10.461.199 người lao động đang làm việc. Đồng thời, cũng trong khoảng thời gian này, đã có 7.416 người lao động được chi trả tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền trên 20,5 tỷ đồng.

Đây thực sự là một khối lượng công việc khổng lồ, nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi của hàng chục triệu lao động, hàng trăm ngàn doanh nghiệp, nhưng sự trợ giúp của công nghệ thông tin và quyết tâm cao của ngành Bảo hiểm Xã hội khiến “guồng máy hỗ trợ” chạy nhanh hơn kỳ vọng.

Trước đó, ngày 24/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Đối với người lao động, đối tượng thụ hưởng là những lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (trừ các đơn vị thuộc cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên) và người lao động đã bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 1/1/2020 tới hết 30/9/2021 - thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đặc biệt, người lao động đang tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc ngừng việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2021 vẫn được hưởng chính sách này. Ước tính, số lượng lao động này khoảng 2,5 triệu người.

Đối với người sử dụng lao động là các doanh nghiệp đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Như vậy, sẽ có khoảng 13 triệu lao động và khoảng 386.000 đơn vị sử dụng lao động được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ trong gói này.

Ông Lê Hùng Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, đối với 386.000 đơn vị sử dụng lao động sẽ không phát sinh thủ tục hành chính nào do cơ quan Bảo hiểm Xã hội căn cứ vào dữ liệu trên phần mềm Quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để loại trừ khoản đóng 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp.

Đối với 13 triệu lao động, cơ quan Bảo hiểm Xã hội sẽ dựa trên nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin hiện có để xác định người hưởng gói hỗ trợ bằng mã số định danh tham gia bảo hiểm thất nghiệp và xác định thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tất cả các thông tin này đã sẵn sàng trong hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Các lao động sẽ được chi trả qua tài khoản cá nhân. Một số trường hợp đặc biệt khi người lao động không thể mở được tài khoản cá nhân, cơ quan Bảo hiểm Xã hội sẽ chi trả qua doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, để đảm bảo sự kịp thời và minh bạch, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khuyến nghị người lao động nên nhanh chóng mở tài khoản cá nhân qua hệ thống các ngân hàng để có thể nhận được nhanh nhất và chính xác nhất”, ông Sơn khuyến cáo.

Ghi nhận từ thực tế, các doanh nghiệp trên cả nước đánh giá cao gói hỗ trợ kịp thời, đầy tính nhân văn của Quốc hội và Chính phủ đúng thời điểm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Đặc biệt, gói hỗ trợ này được đơn giản tối đa về thủ tục hành chính, thời gian thực hiện.

Nhờ có hệ thống dữ liệu tập trung, cơ quan Bảo hiểm Xã hội các cấp đã trực tiếp xử lý các thủ tục và hoàn tất việc giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho từng doanh nghiệp. Số tiền giảm đóng đến đúng lúc khó khăn đã giúp doanh nghiệp có thêm kinh phí duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiếp tục chuỗi cung ứng lao động.

Tổng gói hỗ trợ lần này ước tính khoảng 38.000 tỷ đồng trong số hơn 90.000 tỷ đồng kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và theo ông Sơn, trước khi quyết định chi trả, các cấp, các ngành liên quan, trong đó có Bảo hiểm Xã hội đã đánh giá tác động và dự báo tình hình để Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo cân đối trong dài hạn và đủ để chi trả trong điều kiện diễn biến tình hình như hiện nay.

Đồng thời, trong bối cảnh các doanh nghiệp đã trải qua gần 2 năm khó khăn vì dịch bệnh, đang trong thời điểm dần bung ra chiếm lĩnh lại thị trường, phục hồi sản xuất - kinh doanh, nguồn lực tài chính này thực sự là sự “tiếp máu” rất cần thiết để cả người lao động và người sử dụng lao động bước vào bình thường mới.

“Với số tiền giảm đóng này, doanh nghiệp sẽ có thêm chi phí sử dụng cho công tác phòng chống dịch, đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Chúng tôi luôn quan niệm doanh nghiệp giống như một cây xanh, khi được chăm sóc tốt sẽ tạo ra quả ngọt để cả doanh nghiệp và người lao động cùng được hưởng”, ông Lê Hùng Sơn nói.

Những điều người lao động cần biết

Theo Nghị quyết 116 của Chính phủ, gói hỗ trợ này phải được rốt ráo triển khai trong 3 tháng (từ 01/10/2021 đến 31/12/2021); Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đặt ra quyết tâm hoàn thành việc triển khai gói hỗ trợ trong 1,5 tháng, nhưng về phía ngành Bảo hiểm Xã hội, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chỉ đạo sẽ cố gắng hoàn thành sớm hơn nếu như doanh nghiệp và người lao động tích cực phối hợp với cơ quan Bảo hiểm Xã hội.

Thực tế, có những khó khăn nhất định, chẳng hạn như việc khoảng 2,5 triệu lao động đang bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp hiện nay đang tản mát về các địa phương nên để nhóm đối tượng này biết và có thể thực hiện các thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, ngay khi chương trình hỗ trợ được “bấm nút”, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã cấp tập công bố hàng loạt cơ chế, hướng dẫn, phương tiện để đẩy nhanh tiến độ.

Hiện tại, chính sách chính sách giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho 381.925 doanh nghiệp đã cơ bản xong và công việc trọng tâm đang được triển khai là tạo điều kiện giúp người lao động sớm được nhận hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam lưu ý người lao động, theo quy định tại Quyết định số 28, chỉ áp dụng phương thức nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan Bảo hiểm Xã hội theo hình thức trực tuyến đối với nhóm người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021.

Đối với nhóm người lao động đang làm việc và tham gia bảo hiểm thất nghiệp bình thường, đơn vị sử dụng các lao động đó sẽ chịu trách nhiệm nộp danh sách người lao động nhận hỗ trợ cho cơ quan Bảo hiểm Xã hội bằng hình thức trực tuyến.

Nam Khánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục