Tăng cường phạt doanh nghiệp chây ỳ lên sàn

(ĐTCK) Trước thực trạng các doanh nghiệp nhà nước sau chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vẫn chây ỳ đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.
Tăng cường phạt doanh nghiệp chây ỳ lên sàn

Khoảng 300 doanh nghiệp chưa lên sàn

Tiếp nối những chỉ đạo liên tục gần đây của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy gắn cổ phần hóa với lên sàn, khi giao nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp triển khai kế hoạch trong năm 2018 gần đây, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty tập trung triển khai là chỉ đạo người đại diện đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật trong việc đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán...

Chính phủ thường xuyên chỉ đạo rốt ráo là vậy, nhưng trên thực tế việc triển khai đưa cổ phiếu lên sàn vẫn diễn ra chậm trễ. Nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa cách đây vài năm, nhưng đến nay vẫn chưa lên sàn như CTCP Xây dựng và kinh doanh nhà Cửu Long, CTCP Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, CTCP Lương thực và dịch vụ Quảng Nam… (chi tiết xem bảng).

Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018 vừa diễn ra, vì sao đến nay các doanh nghiệp vẫn tiếp tục chây ỳ đưa cổ phiếu lên sàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, vừa qua, Bộ đã công khai hơn 700 doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết. Sau khi Bộ công khai như vậy, các doanh nghiệp đã thực hiện, nên đến nay hơn 1/2 trong số đó đã đưa cổ phiếu lên sàn.

“Các doanh nghiệp còn lại đang chuẩn bị thực hiện quy trình, thủ tục để đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán”, bà Mai cho hay.

Việc hàng trăm doanh nghiệp tiếp tục chậm trễ lên sàn, không chỉ gây bức xúc cho các nhà đầu tư, vì quan ngại về sự tuân thủ của doanh nghiệp trong bảo đảm quyền và lợi ích cho các cổ đông, mà còn phát sinh nhiều rủi ro về tính minh bạch trong hoạt động các doanh nghiệp.

Tăng cường xử phạt

Trả lời câu hỏi giải pháp nào tiếp theo đang được Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) triển khai để thúc đẩy khoảng 300 doanh nghiệp hậu cổ phần hóa nhưng đến nay vẫn chưa lên sàn, bà Mai cho biết, hoạt động thanh tra giám sát đang được tăng cường để kịp thời xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm. Từ đó thúc đẩy thị trường chứng khoán ngày càng phát triển lành mạnh hơn...

Trên cơ sở rà soát số lượng các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã đủ điều kiện đăng ký giao dịch, đăng ký niêm yết, nhưng đến nay không đưa cổ phiếu lên sàn theo quy định, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chánh Thanh tra UBCK cho biết, ngoài gửi thông báo nhắc nhở tới doanh nghiệp, UBCK còn mời doanh nghiệp lên làm việc để yêu cầu tuân thủ nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên sàn.

Sau bước này, nếu doanh nghiệp không thực hiện, UBCK ra quyết định xử phạt. Gần đây, căn cứ vào chế tài quy định tại Nghị định 145/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, UBCK đã phạt Tổng CTCP Dệt may Nam Định 200 triệu đồng do đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán quá thời hạn từ trên 9 tháng đến 12 tháng...

Bà Hương cho biết thêm, đến thời điểm này, UBCK đang tiếp tục tập trung rà soát, củng cố hồ sơ để ra quyết định xử phạt các doanh nghiệp vi phạm quy định về thời hạn đưa cổ phiếu lên sàn. Các trường hợp xử phạt sẽ được UBCK tiếp tục công khai, nhằm tạo tính răn đe, qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp tự giác tuân thủ quy định về đưa cổ phiếu lên sàn.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục