Tăng cường năng lực cấp lãnh đạo trong thực hành ESG

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong cấu trúc quản trị của doanh nghiệp, Hội đồng quản trị có vai trò quan trọng bậc nhất trong việc định hướng và giám sát đảm bảo các nguyên tắc ESG được tích hợp vào chiến lược và hoạt động của công ty.
Tăng cường năng lực cấp lãnh đạo trong thực hành ESG

Tăng trưởng bền vững đang là vấn đề then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trong đó, ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Cụ thể hơn, theo PWC, ESG là một bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp trong quá trình vận hành của tổ chức. ESG đóng vai trò như kim chỉ nam giúp các bên liên quan hiểu rõ cách thức doanh nghiệp quản lý các rủi ro cũng như cơ hội ở ba khía cạnh này.

Trong cấu trúc quản trị của doanh nghiệp, Hội đồng quản trị có vai trò quan trọng bậc nhất trong việc định hướng và giám sát đảm bảo các nguyên tắc ESG được tích hợp vào chiến lược và hoạt động của Công ty.

Chia sẻ tại Hội nghị Cấp cao Thành viên Hội đồng Quản trị năm 2024 (Directors Summit 2024), sự kiện thường niên do Hội Thành viên Độc lập Hội đồng Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VNIDA) tổ chức, ông Nguyễn Viết Thịnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Quản trị CGS Việt Nam (CGS Vietnam) cho biết, vai trò của thành viên hội đồng quản trị trong thực thi ESG thể hiện ở 4 khía cạnh.

Thứ nhất, xác định chiến lược ESG. Cụ thể, Hội đồng quản trị cần xác định các ưu tiên, đảm bảo sự phù hợp của chiến lược ESG với các mục tiêu dài hạn, thúc đẩy sự tích hợp ESG vào các chiến lược kinh doanh cốt lõi và quản lý cơ hội.

Thứ hai, thiết lập khung quản trị ESG phù hợp: Các thành viên Hội đồng quản trị phải thiết lập các cấu trúc, chính sách và quy trình để giám sát các hoạt động ESG một cách hiệu quả.

Thứ ba, đảm bảo tính minh bạch: Hội đồng Quản trị nên giám sát việc công bố tính bền vững bao gồm tính chính xác và độ tin cậy của thông tin.

Thứ tư, giám sát rủi ro. Đảm bảo các rủi ro ESG được xác định, ưu tiên và tích hợp vào quá trình ra quyết định chiến lược, theo dõi tác động của các rủi ro và bảo vệ khả năng phục hồi lâu dài của tổ chức cũng như lòng tin của các bên liên quan.

Ông Nguyễn Viết Thịnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Quản trị CGS Việt Nam

Ông Nguyễn Viết Thịnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Quản trị CGS Việt Nam

Hội đồng quản trị có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ưu tiên thực hành cam kết ESG, bởi Hội đồng quản trị có thể giúp định hướng quản lý trong việc phân bổ nguồn lực và tập trung vào các vấn đề phù hợp. Hiện nay, một số thông lệ mới nổi trội đã xuất hiện, trong đó các nội dung được liệt kê nhằm giúp Hội đồng quản trị cân nhắc khi xác định cấu trúc quản trị phù hợp nhất để giám sát các vấn đề ESG, dựa trên đặc điểm từng ngành, quy mô, dự báo tăng trưởng và chiến lược của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Báo cáo khảo sát Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam 2022 do PwC thực hiện, mới chỉ có 35% hội đồng quản trị tích cực tham gia vào các vấn đề ESG. Việc doanh nghiệp có lãnh đạo dành riêng cho ESG vẫn còn hạn chế (chỉ 22%).

Rõ ràng, Hội đồng quản trị ưu tiên ESG sẽ góp phần thúc đẩy xây dựng một chiến lược ESG tạo tác động mạnh trong doanh nghiệp. Do đó, Hội đồng quản trị cần phải có năng lực vững vàng về các chủ đề ESG để đảm đương nhiệm vụ quản trị và giám sát. Cũng theo khảo sát của PwC, trong các doanh nghiệp chia sẻ rằng có tham gia của hội đồng thành viên trong vấn đề ESG, thì chỉ 29% cho biết Hội đồng quản trị cảm thấy tự tin vào năng lực lãnh đạo về các vấn đề này.

Tuy nhiên, việc đào tạo hiện vẫn chưa là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp khi mà 43% đáp viên cho biết doanh nghiệp vẫn chưa cân nhắc thiết lập chương trình đào tạo cho đội ngũ nhân viên. Hơn nữa, đối với công tác đào tạo cấp Hội đồng quản trị, chỉ có 26% cho biết việc đào tạo đang được lên kế hoạch hoặc thực hiện.

Theo ông Nguyễn Viết Thịnh, tại thị trường Việt Nam, các thách thức mà thành viên Hội đồng quản trị đang gặp phải trong việc định hướng và thực hành ESG bao gồm: Thiếu chuyên môn và kiến ​​thức về ESG; khó khăn trong xác định và ưu tiên các vấn đề ESG quan trọng; xây dựng chiến lược ESG phù hợp với chiến lược kinh doanh của công ty; thiếu phương pháp đo lường, báo cáo và tránh Greenwashing; trách nhiệm giải trình và phân bổ nguồn lực…

“Trên tất cả, Hội đồng quản trị và các thành viên Hội đồng quản trị cần ý thức được rõ vai trò dẫn dắt của mình đối với các hoạt động ESG của doanh nghiệp để từ đó có thể hạn chế tối đa các rủi ro ESG, đồng thời tận dụng được các cơ hội mà ESG mang lại cho doanh nghiệp”, ông Thịnh cho biết.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục