Tăng cường kiểm soát nội bộ để tránh rủi ro quyết toán thuế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ðể phòng tránh rủi ro truy thu thuế và xử phạt hải quan, các chuyên gia cho rằng, trước tiên cần phải tăng cường kiểm soát nội bộ doanh nghiệp…
Tăng cường kiểm soát nội bộ để tránh rủi ro quyết toán thuế

Ðầu tháng 7/2020, Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum đã áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu của CTCP Thủy điện Thiên Tân.

Lý do bởi doanh nghiệp chưa thực hiện thông báo xử phạt hành chính với số tiền phạt 66,4 triệu đồng và tiền chậm nộp 81,9 triệu đồng.

Trước đó, vào tháng 5/2020, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ công nghệ Hồng Hà cũng chịu quyết định cưỡng chế do chưa nộp số tiền thuế 23,8 tỷ đồng.

Có thể thấy, không chỉ bị phạt tiền, việc quyết toán thuế sai, quyết toán không đầy đủ còn khiến hàng hóa không được thông quan, gây nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp.

Chia sẻ về vấn đề này, tại hội thảo trực tuyến Bí quyết giúp doanh nghiệp vượt qua rủi ro truy thu thuế và xử phạt hải quan được tổ chức cuối tuần qua, ông Ðỗ Huy Cường, Phó Phòng Kiểm tra giám sát hải quan (Tổng cục Hải quan) đã chỉ ra những sai sót phổ biến khi doanh nghiệp làm thủ tục hải quan.

Ðó là không thống nhất giữa mã nguyên vật liệu, mã thành phẩm trên tờ khai xuất khẩu và mã tại bộ phận kế toán; sai sót về đơn vị tính số lượng, trọng lượng; sai sót khi xây dựng định mức thực tế như theo dõi, quản lý không tốt phế liệu, phế phẩm, vật tư tiêu hao…

“Có doanh nghiệp nhập loại vải cùng vật liệu, nhưng lúc thì để đơn vị là kg, lúc thì là yard, hoặc nhập nguyên vật liệu từ nhiều nguồn nhưng không tách bạch cụ thể, gây khó khăn trong việc quản lý, từ đó dễ dẫn đến quyết toán sai. Hay với một số mặt hàng đặc thù như kim tiêm thường có trọng lượng riêng rất nhỏ và đối tác nước ngoài chỉ bán theo hộp, nhưng khi mở tờ khai hải quan doanh nghiệp không biết số lượng kim tiêm, đến khi hàng về kho thì phát hiện bị thừa, dẫn đến sai số liệu hàng tồn kho…”, ông Cường nêu ví dụ.

Nguyên nhân dẫn đến sai sót, theo ông Cường, là do doanh nghiệp chưa thống nhất đầu mối phụ trách, thiếu tính liên kết giữa bộ phận kế toán/kho/xuất nhập khẩu.

Thực tế, khi làm báo cáo quyết toán, đa phần các chủ doanh nghiệp sẽ giao cho bộ phận xuất nhập khẩu vì cho rằng đơn vị này nắm được các thủ tục về hải quan.

Thực tế, bộ phận này có thể biết về số liệu xuất nhập khẩu, nhưng chưa chắc nắm rõ thực tế hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, thậm chí đôi khi còn có sai sót về định mức thực tế, nên bộ phận phù hợp thực hiện công tác này là kế toán.

Ðó là chưa kể nhiều doanh nghiệp dù áp dụng các tiêu chuẩn ISO, nhưng công tác quản lý lại rất lỏng lẻo, sơ sài, dẫn đến thất thoát hàng hóa, nguyên vật liệu.

“Có doanh nghiệp nước ngoài phản ánh công nhân trộm cắp nguyên vật liệu, bán ra cho các đối tượng bên ngoài. Việc này ảnh hưởng đến báo cáo chứng từ hải quan cuối năm”, ông Cường thông tin thêm.

Ðể hạn chế sai sót, thất thoát, ông Cường cho rằng, trước tiên doanh nghiệp cần rà soát, đánh giá lại công tác quản lý, quản trị nội bộ doanh nghiệp, tức là cần tăng cường, chuẩn hóa hoạt động kiểm soát nội bộ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chuẩn hóa các chứng từ lưu trữ, luân chuyển giữa các bộ phận; lập bảng quy đổi mã nguyên vật liệu, mã thành phẩm giữa kế toán và xuất nhập khẩu; kiểm soát các sai sót, điều chỉnh các thông tin của tờ khai hải quan, đồng thời bám sát các văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý.

Ðược biết, Thông tư số 39/2018 sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC về kiểm tra giám sát hải quan cho phép tổ chức, cá nhân sửa đổi báo cáo quyết toán trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nộp đến trước thời điểm cơ quan hải quan kiểm tra. Nếu sau thời hạn này mà tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thì sẽ bị xử phạt hành chính.

Ông Nguyễn Thành Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và kiểm toán RSM Việt Nam cho biết, cơ quan hải quan có quyền bác bỏ trị giá khai báo dựa trên các cơ sở nghi vấn như không khai báo/khai báo không đúng về mối quan hệ đặc biệt (các giao dịch liên kết), giá trị khai báo cao đột biến, tham vấn giá nhưng không áp dụng giá của cơ quan hải quan, không thỏa thuận một trong các điều kiện áp dụng phương pháp trị giá hải quan…

Ðỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục