Tăng cường công tác kiểm soát ổ dịch tại Sân bay Tân Sơn Nhất

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Y tế vừa chỉ đạo Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh lấy 1.600 mẫu xét nghiệm kháng thể, từ đó truy vết thêm những mối liên hệ trong cộng đồng với ổ dịch ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Trong ngày 9/2 Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận thêm 2 trường hợp nghi mắc COVID-19 liên quan đến nhân viên làm việc tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Đến nay, nguồn lây, thời điểm khởi phát dịch ở khu vực này vẫn chưa được xác định rõ.

Do đó, cả Bộ Y tế và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đều xác định phải tăng cường hơn nữa công tác phát hiện, khoanh vùng, dập dịch càng sớm càng tốt, nếu không sẽ rất khó kiểm soát.

Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 9/2, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nhận định, tình hình dịch trên địa bàn sắp tới rất khó kiểm soát khi diễn biến ổ dịch liên quan đến Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa tìm được nguồn lây và thời điểm khởi đầu.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, thông thường, các trường hợp F1 sẽ chuyển sang F2 nhưng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận một số trường hợp từ F2 chuyển sang F0. Điều này cho thấy, có thể nguồn lây ổ dịch chưa chắc đã bắt nguồn từ Hải Dương hay Quảng Ninh, ổ lây nhiễm có thể đã có từ trước.

Do vậy, Ủy ban Nhân dân thành phố đã giao Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tập trung tìm đầu mối của dịch; đồng thời, phải sẵn sàng có kịch bản cho tình huống khẩn cấp.

Với diễn biến phức tạp của đợt dịch lần này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị người đứng đầu các sở, ngành, quận huyện không được rời khỏi vị trí chiến đấu, phải luôn trong tư thế sẵn sàng, khi triệu tập là có mặt, tất cả vì sự an toàn của người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự buổi họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng nhận định, diễn biến, nguồn lây của ổ dịch liên quan đến Sân bay Tân Sơn Nhất rất phức tạp.

Diễn biến ban đầu tưởng là đơn giản từ bệnh nhân 1979 (BN1979) - ca bệnh được phát hiện đầu tiên tại đây, nhưng lại nảy sinh vấn đề phức tạp khi F1 âm tính nhưng có nhiều trường hợp F2 lại dương tính.

Đến nay, nguồn lây của ca này vẫn đang trong quá trình điều tra làm rõ. Do vậy, thành phố phải tăng cường hơn nữa công tác rà soát, khoanh vùng và phải “quét đi quét lại” ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nhiều lần.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế vừa chỉ đạo Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh lấy 1.600 mẫu xét nghiệm kháng thể, từ đó truy vết thêm những mối liên hệ trong cộng đồng với ổ dịch ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Bên cạnh đó, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh còn có nhiệm vụ giải nhanh trình tự gene để xác định chủng virus tại Thành phố Hồ Chí Minh xem có liên quan đến chủng xâm nhập ở Hải Dương hoặc chủng đột biến ở Anh, Nam Phi...

Đại diện Bộ Y tế cũng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng xây dựng khu cách ly cho toàn thể đối tượng có liên quan trường hợp mắc COVID-19 trong đợt dịch lần này; đồng thời thống nhất với thành phố trong việc giới hạn các hoạt động văn hóa đón Tết và phải khử trùng toàn bộ các địa điểm này sau khi hoạt động kết thúc.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến 15 giờ ngày 9/2, thành phố ghi nhận 30 ca nhiễm, 2 trường hợp nghi nhiễm liên quan đến nhân viên làm việc tại sân bay.

Thành phố đã khẩn trương tổ chức điều tra, truy vết người tiếp xúc với các ca bệnh COVID-19 mới phát hiện trong cộng đồng, khoanh vùng dập dịch triệt để tại những địa điểm liên quan, tiến hành mở rộng lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cộng đồng.

Ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã lấy mẫu xét nghiệm 1.324 trường hợp tiếp xúc gần F1, trong đó có 926 mẫu âm tính, 398 mẫu đang chờ kết quả; 369 trường hợp F2, trong đó 53 âm tính, 316 chờ kết quả; thực hiện 5.851 mẫu giám sát cộng đồng, trong đó có 3.024 mẫu âm tính, 2.827 mẫu đang chờ kết quả; lấy mẫu tầm soát cho toàn bộ 1.932 nhân viên của Bệnh viện 175, tất cả đều âm tính.

Để đánh giá lại nguy cơ của nhân viên làm việc tại Công ty VIAGS, công ty phục vụ mặt đất tại sân bay có 6 trường hợp bệnh, thành phố đã lấy lại mẫu xét nghiệm lần 2 cho 1.600 trường hợp, trong đó 1.400 âm tính, 200 đang chờ kết quả; xét nghiệm lần 2 các nhân viên làm việc trong nhà ga có tiếp xúc với hành khách, thực hiện trước 24 giờ các ca có xét nghiệm âm tính mới thực hiện nhiệm vụ trong ngày hôm sau.

Ngay trong đêm 7/2, ngành y tế thành phố cũng đã thực hiện xét nghiệm cho gần 1.900 nhân viên sẽ làm việc trong ngày 8/2, tất cả đều âm tính. Các mẫu xét nghiệm tầm soát dự kiến sẽ có kết quả trong chiều cùng ngày, đảm bảo kết quả xét nghiệm có trong 24 giờ để đẩy nhanh tiến độ truy vết, khoanh vùng.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục